Học bổng "Chắp cánh tài năng Việt" và những câu chuyện xúc động
Thứ Hai, 24/09/2012|00:39
Hàng năm, vào đầu năm học mới, những suất học bổng khuyến học “VNPT - Chắp cánh tài năng Việt” lại được trao cho những thủ khoa của các trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Riêng năm nay, cùng những thủ khoa, đặc biệt còn có thêm 2 gương mặt vượt khó học giỏi tiêu biểu cũng được nhận học bổng dù không phải là thủ khoa.
Chị Trần Thị Mơ hạnh phúc bên người con hiếu thảo, giỏi giang của mình (Ảnh: VnMedia) |
Chuyện của một người mẹ có con là Thủ khoa
Từng làm đủ thứ nghề, từ buôn đồng nát, chạy chợ đến tráng bánh cuốn, chị không bao giờ dám nghĩ đến lúc mình lại đứng trên sân khấu, ôm bó hoa mà đứa con trai vừa nhận Học bổng Khuyến học của VNPT. Nước mắt chị rơi trên khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc. Chị cứ nghĩ mình đang mơ, đúng như cái tên của chị: Trần Thị Mơ.
Nhưng chị không mơ. Đứa con trai mà chị đã phải dứt ruột gửi lại cho ông bà để đi làm ăn xa khi nó mới 3 tuổi đầu, giờ đang đứng đây, với lòng biết ơn vô hạn dâng tặng mẹ món quà có ý nghĩa nhất trong cuộc đời chị: học bổng Khuyến học VNPT dành cho những thủ khoa của các trường đại học tại Hà Nội.
Tống Quốc Kỳ, chàng thủ khoa của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông phía Bắc là một trong 10 Thủ khoa của các trường đại học tại Hà Nội được nhận học bổng Khuyến học VNPT năm 2012. Trong lễ trao học bổng sáng ngày 20/9, em là thủ khoa duy nhất có mẹ đến dự cùng.
“Em luôn mong ước được đến giảng đường, được học ở Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông. Vì vậy, em đã tìm hiểu rất kỹ về trường này và trong kỳ thi vừa rồi, em chỉ đăng ký đúng một nguyện vọng. Không ngờ em lại đỗ thủ khoa...” - Cậu học trò đầu tiên của trường THPT Xuân Trường (Nam Định) đỗ thủ khoa tâm sự.
Kỳ vốn là người ít nói nên khi được hỏi về mẹ, em chỉ bộc bạch: “Mẹ vất vả lắm. Hôm nào cũng thức đến gần sáng để làm việc nuôi hai anh em. Mẹ cũng chưa từng gây áp lực hoặc đòi hỏi em phải đạt được thành tích cao. Giờ em được như thế này, chắc mẹ hạnh phúc lắm”.
Mà chị Mơ hạnh phúc thật. “Tôi chưa từng mơ ước điều gì quá lớn như thế này. Bố mẹ tần tảo, lam lũ nên chỉ mong con cái ngoan ngoãn, đỗ đại học để sau này có công ăn việc làm là tốt rồi. Chứ đỗ đầu như thế này... tôi không dám mơ.” - chị thật thà tâm sự.
Chị kể, cách đây hơn chục năm, vì hoàn cảnh quá khó khăn nên vợ chồng chị đành dứt áo, để lại đứa con mới 3 tuổi đầu cho ông bà ngoại trông nom. Khăn gói quả mướp, vợ chồng chị lên Hà Nội tìm kế mưu sinh. Anh chị trải qua đủ thứ nghề, chị thì từ thu mua phế liệu, buôn bán lặt vặt rồi cuối cùng trụ lại ở nghề tráng bánh cuốn. Anh thì hết xe ôm, lái taxi rồi cũng quay về tráng bánh cùng vợ. “Hôm nào tôi cũng thức cũng bán hàng đến nửa đêm, rồi thì dọn dẹp… cứ 2 giờ sáng mới được ngủ. 6 giờ sáng lại dậy đi chợ, chuẩn bị cho buổi bán hàng mới. Vất vả như vậy, nhưng lo nhất là con cái ở nhà. Mình vất vả đi kiếm tiền, nhưng lỡ mà con nó hư thì ân hận lắm. Cũng may cháu nó ngoan, chứ ở quê bây giờ tệ nạn cũng đầy, nhất là chuyện nghiện game”.
Chị cũng bảo, ở xa, biết con thiếu tình cảm nên chị chẳng bao giờ đánh mắng con cho dù có lỗi gì đi chăng nữa. Làm ăn vất vả nên cả năm chị cũng chỉ về với con được vài ba lần. Chị chỉ chăm gọi điện thoại, nhắc nhở con nghe lời ông bà mà học hành tử tế. “Tôi biết cháu nó thương bố mẹ vất vả nên sẽ không nỡ làm điều gì sai trái. Nó cũng chẳng dám xin tiền đi học thêm, toàn xin đề bài của thầy cô ở trường để tự mày mò”.
Bản thân chị Mơ cũng chịu nhiều vất vả, nhưng thương con thiệt thòi vì bao năm phải sống xa bố mẹ, trong giờ phút hạnh phúc này, chị lại cảm thấy trong lòng áy náy lắm. “Đôi lúc tôi có cảm giác mình chỉ có công sinh mà không có công dưỡng. Mọi lời bảo ban cũng chỉ là qua điện thoại. Ngay cả cái đận con đạt giải nhì môn Hóa của Tỉnh, tôi cũng chỉ nhắn tin chúc mừng. Hôm nó gọi điện báo tin đỗ thủ khoa đại học cũng vậy, vợ chồng tôi vẫn không về được. Nhiều khi nghĩ đến con lại thức trắng đêm. Tất cả đều là nhờ công của ông bà...” – chị Mơ rưng rưng nói.
Xúc động nhất có lẽ là lúc chị bất ngờ khi thấy con trai bước xuống tặng mẹ bó hoa và cầm tay, đưa mẹ lên sân khấu. Niềm vui khiến người phụ nữ chân quê mộc mạc quá xúc động nên chị chỉ nói được một câu: “Tôi xin cảm ơn ban tổ chức, cảm ơn Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam”. Rồi nước mắt chị cứ thế chảy dài nhưng gương mặt thì sáng bừng hạnh phúc.
Cậu học trò nghèo với ước mơ trở thành sinh viên CNTT
Tại lễ trao học bổng cho các thủ khoa, có một trường hợp đặc biệt nữa cũng làm nhiều người xúc động. Đó là em Hoàng Anh Tùng, dù không phải là thủ khoa nhưng Tùng cũng được trao học bổng cùng các thủ khoa vì em là một cậu học trò nghèo đã có những nỗ lực phi thường.
Gia đình Hoàng Anh Tùng rất nghèo. Bố Tùng là thương binh nặng tới 61%. Mẹ em là cựu thanh niên xung phong. Bố mẹ Tùng giờ đang ở nhà làm nghề sửa chữa điện tử. Cái nghề này tưởng đơn giản nhưng thực ra rất nguy hiểm, nó đã không biết bao lần chực chờ cướp đi mạng sống của bố mẹ Tùng và cả Tùng nữa.
Bị điện giật nhiều, bố mẹ, và cả Tùng đều rất ốm yếu. Thương bố mẹ, Tùng đã tự mày mò và cuối cùng chế tạo thành công máy cảm ứng chống điện giật. Sản phẩm của em đã được đưa đi dự thi Giải thưởng sáng tạo thanh thiêu niên nhi đồng toàn quốc, và mới đây, em đã đăng ký tham dự Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2012. Trong giờ phút này, khi em đứng trên sân khấu nhận phần thưởng, ở quê nhà, mẹ em chắc cũng đang rất tự hào về đứa con trai của mình...
Cũng giống như Kỳ, ước mơ cháy bỏng của Tùng là được trở thành sinh viên của ngành công nghệ thông tin. Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, sức khoẻ yếu nên em không có điều kiện để ôn thi như những bạn trẻ khác. Nỗ lực hết mức có thể, Tùng đã đỗ vào khoa Công nghệ thông tin - hệ cao đẳng ĐH Công nghiệp TP. HCM. Học bổng khuyến học của VNPT như một món quà tiếp thêm sức mạnh cho Tùng để em bước đi trên con đường mà mình đã chọn.
Đạp xe 300km để đi thi đại học
Đó là câu chuyện khiến nhiều người xúc động về Ngô Văn Thuận, một học viên của trường Sĩ quan Tăng-Thiết giáp.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xóm 8 xã Xuân Thành, Yên Thành, Nghệ An, là anh trai cả trong nhà nên Thuận luôn phấn đấu để làm gương cho các em noi theo. Do mắc bệnh hiểm nghèo nên cô em gái đã qua đời, chỉ còn lại Thuận và cậu em út. Ngay từ nhỏ Thuận đã có tính tự lập cao, học giỏi và luôn kèm cặp em.
Bố mẹ Thuận chỉ trông chờ vào 3 sào rộng, tranh thủ lúc rảnh, hai ông bà lại đi phụ hồ kiếm thêm "đồng ra đồng vào" cho sinh hoạt hằng ngày. Ngoài cậu con trai học lớp 4, vợ chồng anh chị còn chăm thêm người mẹ già 75 tuổi bị bệnh thần kinh nên cuộc sống càng thêm khó khăn. Nhiều lần Thuận định bỏ học để đi làm thêm nhưng nhờ thầy cô và bạn bè động viên, cậu lại tiếp tục đến trường.
Ngô Văn Thuận, một tấm gương về tinh thần hiếu học (Ảnh: Internet) |
Trong suốt chặng đường 300 km, Thuận chỉ ăn bánh mì suông và uống nước mang từ nhà đi. Lúc mệt, Thuận chỉ dám ngồi nghỉ khoảng 15 phút rồi đi tiếp bởi em sợ nằm xuống ngủ kẻ xấu lấy mất chiếc xe. Rất may cho Thuận khi đến huyện Thạch Thất (Hà Nội), Thuận gặp đại úy Nguyễn Quốc Khánh, công an huyện Thạch Thất. Biết chuyện một thí sinh từ Nghệ An đạp xe 300 km chỉ uống nước chứ không có gì để ăn, đại úy Khánh xem giấy tờ tùy thân rồi tìm giúp cho Thuận một gia đình có thể cưu mang em trong việc ăn ở và chở đi thi. Sau khi đi thi trở về, Thuận xuống chợ Vinh làm thêm để kiếm tiền giúp bố mẹ. Hằng ngày em vẫn đạp xe đi làm đủ nghề, kiếm từng đồng tiền nhỏ để tích góp cho những dự định của mình sau này.
Kết quả thi, do thiếu 0.5 điểm, Thuận đã trượt trường Sĩ quan Lục quân 1, nhưng sau đó em đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh quyết định đặc cách tuyển vào trường Sĩ quan Tăng-Thiết giáp. Hiện, Thuận đang học tập, huấn luyện những kiến thức cơ bản về bộ binh tại trường.
Kỳ, Tùng, Thuận và cả những bạn tân thủ khoa, tân sinh viên vừa nhận Học bổng khuyến học VNPT - chắp cánh tài năng Việt chỉ là những đại diện cho rất, rất nhiều bạn trẻ khác đang từng ngày, từng giờ không ngừng nỗ lực vươn lên trong học tập. Và, như lời ông Tô Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc VNPT nói trong lễ trao giải “Sự vươn lên của các bạn vượt qua những khó khăn của ngày hôm nay chính là sự đồng lòng và hợp sức để cùng VNPT và toàn xã hội xây dựng một đất nước Việt Nam phát triển trong tương lai”.
PV
.