Xi măng Hoàng Thạch: Những sáng kiến giá trị trong lao động
Với tổng công suất đạt 3,5 triệu tấn/năm, sản phẩm xi măng mang nhãn hiệu “Sư tử vàng” của Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch (Vicem Hoàng Thạch) đã có mặt rộng khắp ở thị trường nội địa cũng như trên công trình trọng điểm của đất nước. Ông Đào Ngọc Bình - Tổng Giám đốc Công ty cho biết, có được bước phát triển mạnh mẽ đó, không thể không nói đến những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đầy sáng tạo của đội ngũ CBNV-LĐ.
Điều dễ nhận thấy ở Vicem Hoàng Thạch là biết tận dụng sức mạnh của người lao động là một trong những phương châm phát triển bền vững của Vicem Hoàng Thạch. Một Vicem Hoàng Thạch vững vàng trong cơn bão khủng khoảng nhờ có những quyết sách điều hành linh hoạt và giải pháp sáng tạo trong lao động. Theo ông Bình thì năm 2011, Vicem Hoàng Thạch đã có 50 sáng kiến, 10 đề tài khoa học cấp Công ty được “khai sinh”, mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm lợi trên 3,3 tỷ đồng, góp phần tháo gỡ được nhiều khó khăn cho sản xuất kinh doanh của Công ty.
Trong năm 2011, có rất nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hữu ích ghi dấu cùng sự phát triển của Vicem Hoàng Thạch như: Sáng kiến thay đổi thiết kế cho tời điện 473.EH 900; Kéo dài thời gian sử dụng cần bù máy dệt, sáng kiến này được áp dụng từ tháng 4/2011, tiết kiệm được 70,5 triệu đồng/năm; Chế tạo bộ giữ ống nhựa cuộn vải máy tráng màng, được áp dụng trên 2 máy tráng từ tháng 5/2011, mỗi năm tiết kiệm cho Công ty 150 triệu đồng/năm; Cải tạo và phục hồi máy nén xẹp áp dụng từ tháng 8/2011, tiết kiệm 120 triệu đồng/năm... Ngoài việc phát huy các sáng kiến, công tác áp dụng khoa học vào sản xuất cũng luôn được Vicem Hoàng Thạch chú trọng.
Thực tế cho thấy, việc áp dụng các tiến bộ khoa học và cải tiến kỹ thuật luôn góp phần quyết định đến tiết kiệm vật tư trong quá trình sản xuất. Nhận thức được ý nghĩa to lớn đó, ngay từ đầu năm Công ty đã đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các đơn vị. Vì thế, trong năm 2011 vừa qua, Công ty đã đẩy mạnh áp dụng các biện pháp khoa học vào trong sản xuất như triển khai, nghiên cứu và áp dụng các loại nguyên liệu tái sinh không có nguồn gốc tự nhiên như việc sử dụng xỉ luyện kim làm phụ gia điều chỉnh phối liệu. Đặc biệt, Công ty đã tiến hành triển khai, nghiên cứu và sử dụng than phẩm cấp thấp cho chạy lò để khắc phục tình trạng thiếu nguồn cung cấp than 3c và 4a; áp dụng việc sử dụng xít than cho dây chuyền Hoàng Thạch 2 và Hoàng Thạch 3 để thay thế một phần đá sét nhằm tiết kiệm bô xít và nhiên liệu trong quá trình sản xuất xi măng. Bên cạnh đó, Công ty đã tổ chức tăng cường công tác giám sát kích thước đá vôi, đá sét vào trong quá trình nghiền nhằm đảm bảo kích thước vật liệu khi vào nghiền đúng yêu cầu, tăng năng suất máy nghiền nguyên liệu để có thể tiết kiệm điện năng. Mặt khác, Vicem Hoàng Thạch rất sáng tạo khi sử dụng gió nóng lò 2 để chạy máy nghiền than K1 thay cho việc chạy lò đốt phụ để sấy than đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong quá trình áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Công ty đã nghiên cứu lắp đặt ống lồng W2A55, lắp các van đối trọng của hệ thống sấy sơ bộ, thay đổi kết cấu đuôi lò dây chuyền 2, do đó đã nâng cao năng suất thiết bị, tăng hiệu quả của lọc bụi tĩnh điện, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, Vicem Hoàng Thạch đã tiến hành nghiên cứu, sử dụng tro bay nhiệt điện làm phụ gia xi măng; cải tiến máy kéo dài khoang đập nhằm tăng cường khả năng đập của máy nghiền nguyên liệu R2, thay đổi cấp phối bi đạn đã góp phần đáng kể trong việc tăng năng suất, giảm tiêu hao điện năng; Tiến hành tính toán phối liệu, chủ động phối trộn các nguồn đá vôi, đá sét có hàm lượng nhôm cao để tiết kiệm bô xít, tăng năng suất máy nghiền nguyên liệu...
Những sáng kiến cải tiến hợp lý hoá sản xuất của đội ngũ CBNV-LĐ đã góp phần để Vicem Hoàng Thạch luôn giữ vững ngôi vị quán quân trong hệ thống của Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) với tổng doanh thu năm 2011 đạt 4.342 tỷ đồng. Tin chắc rằng, với những hàng loạt sáng kiến, cải kiến hợp lý hoá sản xuất được ra “lò” mỗi năm là yếu tố góp phần đưa Vicem Hoàng Thạch phát triển vững mạnh, luôn là “Sư tử vàng” trong làng xi măng Việt Nam.
Theo TCCN