Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước: đẩy mạnh hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn
Do không bị khống chế đầu tư ra ngoài ngành như các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác, nên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã nhìn thấy cơ hội mở rộng đầu tư trong thời gian tới.
Đồng chí Lại Văn Đạo, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước SCIC |
Theo số liệu của SCIC, năm 2011, Tổng công ty thực hiện đầu tư được 586 tỷ đồng, trong đó đầu tư vào 15 doanh nghiệp mà SCIC đang có vốn với số tiền 236 tỷ đồng và đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp 350 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch đặt ra, SCIC thực hiện được khoảng 22%. Còn nếu tính tổng số vốn đầu tư của SCIC kể từ ngày thành lập (15/8/2006) cho đến hết năm 2011, Tổng công ty đầu tư được 6.500 tỷ đồng, trong đó, đầu tư vào doanh nghiệp mà SCIC còn cổ phần 3.000 tỷ đồng, góp vốn/mua cổ phiếu của doanh nghiệp phát hành thêm 2.700 tỷ đồng và đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp 800 tỷ đồng.
“Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước là một trong những chức năng chính của SCIC, nhưng hoạt động này của chúng tôi vẫn khá dè dặt, thận trọng. Năm 2011, vì nhiều lý do, chúng tôi không đầu tư một đồng vốn nào để mua cổ phiếu của doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán dù nhiều mã cổ phiếu rất có tiềm năng tăng giá trong thời gian tới”, Bí thư Đảng ủy - Tổng giám đốc SCIC, đồng chí Lại Văn Đạo khẳng định, với số lợi nhuận trước thuế năm 2011 lên đến 3.207 tỷ đồng, cộng với nguồn tiền còn lại của những năm trước do không đầu tư hết, năm 2012, SCIC sẽ đẩy mạnh hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn với kế hoạch đặt ra là đầu tư ít nhất 4.000 tỷ đồng vì đã nhìn thấy thị trường có nhiều thuận lợi, đặc biệt là hàng loạt tập đoàn, tổng công ty phải bán vốn, nhất là số vốn đã “lỡ” đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, bất động sản.
Nếu thực hiện kế hoạch của mình, SCIC là người sẽ nắm thế chủ động trong năm 2012 và những năm tới đây, vì việc bán vốn của các tập đoàn, tổng công ty chắc chắn sẽ hết sức khó khăn do thị trường tài chính vẫn chưa hết ảm đạm. “Với chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, nhận thấy thị trường có nhiều cơ hội, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty để mua phần vốn mà những doanh nghiệp này đã đầu tư ra ngoài ngành và buộc phải thoái vốn theo quy định. Hoạt động này vừa giúp các tập đoàn, tổng công ty thu hồi được vốn, vừa giúp được SCIC mở rộng được hoạt động đầu tư, bảo toàn và phát triển nguồn vốn nhà nước”, đồng chí Đạo khẳng định và cho biết thêm, trong năm nay, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư theo chỉ định của Thủ tướng Chính phủ, SCIC còn tham gia cùng với doanh nghiệp nhà nước để đầu tư vào các dự án trọng điểm hoặc đầu tư, góp vốn thành lập doanh nghiệp quản lý, kinh doanh dự án trọng điểm mà Nhà nước cần phải đầu tư; lựa chọn một số doanh nghiệp mà SCIC đang sở hữu vốn để đầu tư cổ phiếu nhằm tránh trường hợp doanh nghiệp pha loãng phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp khi doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu.
Ngoài các kênh đầu tư kể trên, đầu tư vào thị trường chứng khoán (nếu có cơ hội) và đầu tư vào các đại sứ quán, cơ quan thường trú của Việt Nam tại nước ngoài cũng đã được Ban lãnh đạo SCIC cân nhắc và dự kiến sẽ kiến nghị Hội đồng thành viên xem xét, quyết định trong thời gian tới.
Báo Đầu tư