.
.

Tổng Công ty Giấy Việt Nam: Triển khai nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2012

Chủ Nhật, 12/02/2012|20:37

Ngày 10/2, Tổng Công ty Giấy Việt Nam đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác sản xuất kinh doanh năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, các đồng chí đại diện các cơ quan trong Bộ Công thương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tới dự hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã tới dự và chỉ đạo hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã tới dự và chỉ đạo hội nghị.
Là lĩnh vực chịu tác động rất lớn của biến động thị trường, năm 2012, sản xuất, kinh doanh ngành giấy gặp rất nhiều thách thức. Sản xuất công nghiệp toàn Tổng công ty chỉ đạt 91% kế hoạch năm (2.883 tỷ đồng). Doanh thu đạt 7.137 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước và bằng 106% kế hoạch. Hầu hết các sản phẩm chủ yếu và nhiều chỉ tiêu đều chưa đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể, giấy các loại sản xuất trên 295 ngàn tấn, bằng 88% kế hoạch; tiêu thụ 259,87 ngàn tấn, chưa đạt kế hoạch. Năm qua, Tổng Công ty nộp ngân sách 216 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 114 tỷ đồng, doanh thu xuất khẩu 36 triệu USD. Trong đó hoạt động của Công ty mẹ đạt khá, sản xuất được 100,1 ngàn tấn giấy các loại, tiêu thụ 106 ngàn tấn, trồng được gần 2700 ha rừng, doanh thu đạt 3.028 tỷ đồng.

Năm 2012. Tổng công ty phấn đấu đạt giá trị sản xuất 3.260 tỷ đồng, doanh thu 7.772 tỷ đồng. Sản xuất 318 ngàn tấn giấy các loại, xuất khẩu 400 ngàn tấn dăm mảnh, trồng mới 4.890 ha rừng, nộp ngân sách 216 tỷ đồng, lợi nhuận 125 tỷ đồng. Trong đó Công ty mẹ sản xuất 105 ngàn tấn giấy, trồng 2.850 ha rừng, doanh thu 3.736 tỷ, nộp ngân sách 135 tỷ, lợi nhuận 87 tỷ đồng.

Ông Đỗ Xuân Trụ, chủ tịch HĐTV Tổng công ty cho biết, hiện  nay, các đơn vị trong Tổng công ty đang gặp rất nhiều khó khăn vì nguồn vốn cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh rất hạn hẹp. Chính sách thắt chặt tín dụng, kiềm chế lạm phát tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Cạnh tranh ngày càng gay gắt, nguồn nhân lực cho dự án mới thiếu nhiều, năng suất lao động thấp. Một số công trình đầu tư chưa phát huy được hiệu quả. Đặc biệt, việc được giao Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang trở thành vấn đề nan giải của Tổng công ty, kể cả về vốn đầu tư, nguồn lực, công nghệ và các giải pháp nguyên liệu.

Để giải quyết vấn đề này, Tổng công ty kiến nghị Chính phủ cho phép Tổng công ty phê duyệt tổng mức đầu tư của dây chuyền sản xuất bột giấy từ cây đay, đồng thời cho phép xác định lại giá trị của nhà máy theo giá thị trường và CPH nhà máy. Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa sớm giải quyết mặt bằng địa điểm xây dựng Nhà máy Giấy và Bột giấy Thanh Hóa. Đề nghị Ngân hàng Phát triển Việt Nam giải ngân vốn vay theo tiến độ trồng rừng. Các địa phương có rừng sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty lâm nghiệp. Cho phép chuyển đổi diện tích rừng trồng thuộc dự án 661 kém chất lượng để tổng công ty trồng lại bằng rừng nguyên liệu giấy hiệu quả hơn. Đề nghị không thu thuế VAT đối với hoạt động thu mua, chế biến giấy loại vì đây là việc làm góp phần làm sạch môi trường.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa biểu dương cố gắng nỗ lực của toàn Tổng Công ty đã vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, chiếm lĩnh thị trường, luôn xứng đáng với vai trò quan trọng là doanh nghiệp hàng đầu trong sản xuất, kinh doanh giấy. Thứ trưởng nhắc nhở: Trong qúa  trình thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch, Tổng công ty cần quán triệt các chủ trương, chính sách đổi mới tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế để tái cấu trúc, sắp xếp lại hoạt động sản xuất kinh doanh, mô hình của doanh nghiệp cho phù hợp với yêu cầu phát triển. Đặc biệt, Tồng công ty cần đặc biệt quan tâm công tác phát triển và giữ vững thị trường, quảng bá thương hiệu vì đây là hoạt động quyết định đến sự sống còn của doanh nghiệp.

Ngọc Loan

Báo Công thương

.
.
.
.