.
.

Dấu ấn khoa học và công nghệ trong xây dựng công trình thủy điện Sơn La

Thứ Tư, 31/10/2012|16:29

 

Phát điện sớm hơn tiến độ ban đầu hai năm và hoàn thành công trình trước ba năm, Nhà máy thủy điện Sơn La minh chứng cho việc làm chủ khoa học và công nghệ (KH và CN), tinh thần sáng tạo của các nhà khoa học, đội ngũ kỹ sư và công nhân trong quá trình xây dựng và vận hành.

 
Vào thang máy, xuống độ sâu gần 40 m, kỹ sư Hoàng Trọng Nam, Giám đốc Nhà máy thủy điện Sơn La dẫn chúng tôi đi qua sáu tổ máy đang vận hành. Anh giới thiệu hệ thống điều khiển trung tâm, các thiết bị theo dõi, giám sát hoạt động của từng tổ máy và trong thân đập... Giám đốc Nam cho biết: Ðập thủy điện Sơn La là một trong mười đập lớn của thế giới, với công suất thiết kế của công trình là 2.400 MW (400 MW/tổ máy). Ðể có dung tích hồ chứa 9,26 tỷ m3 nước và mức nước dâng ở cao trình 215 m đã phải di dời gần 19 nghìn hộ dân của 31 xã thuộc tám huyện, thị xã ở ba tỉnh Sơn La, Ðiện Biên và Lai Châu. Một khối lượng công việc cực kỳ lớn: Ðào 13.596 triệu m3 đất đá, đổ gần 5,890 triệu bê-tông RCC và CVC, lắp đặt khoảng 115 nghìn tấn thiết bị các loại... nhưng chỉ thực hiện trong thời gian bảy năm (phát điện sớm hơn dự kiến ban đầu hai năm và hoàn thành công trình trước ba năm). Làm nên kỳ tích này, phải kể đến vai trò của KH và CN, nhất là sự chủ động và sáng tạo của đội ngũ kỹ sư và công nhân trong quá trình xây dựng công trình thủy điện lớn nhất khu vực Ðông - Nam Á. 

Do công suất lớn, cho nên việc lắp đặt stato và roto cho mỗi tổ máy cũng như các hạng mục công trình hết sức vất vả, khó khăn. Tuy trước đó đã từng thiết kế và chế tạo các loại cần cẩu 100 tấn, 250 tấn và 500 tấn phục vụ các nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn, Ðồng Nai 2, Sê San 3..., nhưng khi nhận nhiệm vụ cung cấp cần cẩu cho thủy điện Sơn La, Giám đốc Công ty cơ khí Quang Trung (Ninh Bình) Nguyễn Tăng Cường, không khỏi băn khoăn, lo lắng. Bởi ban đầu, khá nhiều ý kiến "ngãng ra" vì quan niệm doanh nghiệp trong nước, lại là doanh nghiệp nhỏ như Quang Trung thì khó mà làm được loại cần cẩu có sức nâng 1.000 tấn trở lên. Vậy mà sau nhiều ngày, tháng quên ăn, mất ngủ, Nguyễn Tăng Cường cùng các cộng sự đã thiết kế, chế tạo ra sản phẩm cẩu "chân què" 1.200 tấn. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên vào tháng 8-2010, khi cần cẩu của cơ khí Quang Trung, trong điều kiện thi công phức tạp đã lắp đặt chiếc roto khổng lồ có trọng lượng 1.000 tấn vào tổ máy đầu tiên thành công, khiến cả giám đốc công ty và anh em công nhân trên hiện trường rưng rưng nước mắt... Cứ thế sang tổ máy 2 (tháng 4-2011), tổ máy 3 (tháng 8-2011), tổ máy 4 (cuối năm 2011), tổ máy 5 (tháng 4-2012) và tổ máy cuối cùng (ngày 26-6-2012) hòa lưới điện quốc gia, nhờ cẩu "chân què" sản xuất trong nước đã đưa các thiết bị thủy công siêu trường, siêu trọng vào đúng vị trí lắp đặt chuẩn xác từng mi-li-mét theo đúng yêu cầu về thời gian. Cẩu "chân què" thật sự là bước đột phá của ngành cơ khí chế tạo Việt Nam. Cũng chính từ đây, với cụm công trình "Ứng dụng năm phương pháp KH và CN chế tạo các loại thiết bị nâng hạ tại Việt Nam" do kỹ sư Nguyễn Tăng Cường làm chủ nhiệm, vừa qua đã vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH-CN. Sử dụng công nghệ tiên tiến bê-tông đầm lăn, đại công trường thủy điện Sơn La lúc cao điểm chỉ hơn 10 nghìn lao động (thời thủy điện Hòa Bình huy động 30 nghìn người), riêng chuyên gia nước ngoài khi đông nhất là 200 người (còn ở thủy điện Hòa Bình phải sử dụng gấp 10 lần). Ứng dụng KH và CN vào công trình đập lớn đã giúp chúng ta hoàn thành xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La trên sông Ðà trong khoảng thời gian bảy năm (trong khi thủy điện Hòa Bình là 17 năm). 

Có thể nói lao động, sáng tạo, nắm bắt và làm chủ các quy trình công nghệ của đội ngũ kỹ sư, công nhân trong quá trình xây dựng thủy điện Sơn La được thể hiện trên nhiều bình diện và "công đoạn". Ðịa hình phức tạp, phải đào ủi hàng nghìn triệu m3 đất đá để tạo mặt bằng cho công trình đã là chuyện cực nhọc, song phải lắp đặt hàng trăm nghìn tấn máy móc thiết bị bảo đảm chất lượng cho sáu tổ máy vận hành không đơn giản chút nào. Công ty cổ phần LILAMA10, hơn sáu năm đảm nhận lắp đặt 73 nghìn tấn thiết bị mà các hạng mục công trình đòi hỏi độ chính xác cao. Không kể lắp đặt stato và roto của sáu tổ máy, hàng loạt thiết bị siêu trường, siêu trọng được LILAMA10 căn chỉnh, lắp đặt một cách an toàn, chuẩn xác như biến áp 282 tấn chưa có dầu, bánh xe công tác 210 tấn, trục tuốc-bin và nắp hầm tuốc-bin gần 300 tấn. Ðặc biệt khó khăn là việc lắp đặt đường ống áp lực nối với buồng xoắn ở độ dốc 530, gồm các ống kim loại dài hai mét, đường kính 10,5m, trọng lượng 25 tấn nhưng đã được đặt đồng cốt, đồng trục đến từng mi-li-mét bảo đảm đồng bộ với việc đổ bê-tông (đòi hỏi khắt khe về thời gian và nhiệt độ). Công nghệ bê-tông đầm lăn (RCC) là sản phẩm được sản xuất từ các nguyên liệu xi-măng, bốn loại đá có kích cỡ khác nhau trộn với cát nhân tạo, kết hợp với phụ gia tro bay được làm từ bãi thải xỉ than Nhà máy nhiệt điện Phả Lại (giá thành chỉ bằng một phần ba so sản phẩm nhập khẩu mà vẫn chất lượng). Áp dụng công nghệ RCC không chỉ giảm lượng xi-măng từ 250 - 300 kg/m3 bê-tông xuống còn 60 kg cộng với 160 kg tro bay (tiết kiệm đáng kể nguồn kinh phí) mà còn giảm tối đa sự tăng nhiệt, hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng nứt mặt bê-tông; đồng thời tăng độ chống thấm bề mặt đập ở phía thượng lưu... Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La, Hoàng Trọng Nam cũng cho biết: Ðể bảo đảm an toàn đến mức cao nhất của công trình, ban quản lý nhà máy chỉ đạo các bộ phận kỹ thuật đặt năm máy gia tốc theo dõi địa chấn và 23 cụm máy quan trắc giám sát thường xuyên toàn bộ thân đập. 

Những ngày này, các tập đoàn Sông Ðà, điện lực Việt Nam cũng như Công ty Thủy điện Sơn La... đang khẩn trương hoàn tất các công trình phụ trợ, trồng cây xanh, chỉnh trang đường đi lối lại chung quanh khu vực Nhà máy thủy điện Sơn La, chuẩn bị hướng tới ngày tổ chức lễ khánh thành công trình (dự kiến tổ chức vào cuối tháng 12 tới). Về đích phát điện sớm hơn kế hoạch ban đầu hai năm và hoàn thành công trình trước ba năm, làm nên kỳ tích này có vai trò đóng góp to lớn của KH và CN, nhất là sự lao động hăng say và sáng tạo của đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật trên công trường. Khi công trình đi vào hoạt động sẽ hòa vào lưới điện quốc gia một sản lượng điện hằng năm hơn 10 tỷ kW giờ, có tác dụng chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước mùa khô hạn cho vùng đồng bằng Bắc Bộ và thiết thực hơn là thúc đẩy nền kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc có bước phát triển mới.

 
Nguồn: nhandan.com.vn
.
.
.
.