.
.

Bất động sản 2013: Cơ hội doanh nghiệp vượt khó

Thứ Ba, 26/03/2013|21:45

Mặc dù được rất nhiều chuyên gia dự báo là một năm đầy khó khăn cho bất động sản, nhưng 2013 cũng là cơ hội cho không ít doanh nghiệp để “vượt bão” phát triển đi lên.

Với việc đưa ra những sản phẩm mới, phù hợp hơn với nhu cầu của khách hàng ở các phân khúc khác nhau, nhiều doanh nghiệp đang dần khẳng định được chỗ đứng của mình trên thị trường.

Nút thắt 2013 của bất động sản

Có lẽ, trong gần 10 năm nay, chưa bao giờ bất động sản lại nhận được nhiều sự quan tâm từ hệ thống chính trị cao nhất là Quốc hội, Chính phủ như hiện nay. Một loạt các biện pháp đã được các chuyên gia cũng như các nhà hoạch định chính sách đưa ra nhằm “kích cầu” cho thị trường.

Điển hình là các biện pháp giảm và hỗ trợ lãi suất cho cả doanh nghiệp và người mua nhà ở xã hội; giãn thuế, giảm thuế; rà soát các dự án dừng triển khai các dự án không đủ điều kiện, chuyển đổi công năng dự án…

Chính những biện pháp mang tính đồng bộ như trên khiến nhiều người lạc quan cho rằng năm 2013 cũng chính là năm bản lề, gỡ nút thắt cho thị trường vốn đang trong giai đoạn trầm lắng kéo dài. Đây cũng sẽ là cơ hội “giảm tải” cho chủ đầu tư trong sức ép về vốn và lãi suất, kích thích quá trình bung hàng, thu gom những người có nhu cầu thực về nhà ở.

Một chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nhận định: “Với xu thế của thị trường, 2013 cũng là cơ hội cuối cùng cho những người có nhu cầu nhà ở thực sự, trước khi thị trường hồi phục trở lại.”

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho hay vấn đề tiên quyết để “hâm nóng” dần cho thị trường vốn mang nhiều tính đặc thù này là phải giải quyết cho được vấn đề nợ xấu.

Ông Lê Minh Dũng, giám đốc công ty CBRE cho biết: “Vấn đề nợ xấu là một vấn đề rất phức tạp và đòi hỏi một thời gian dài để giải quyết, do vậy vấn đề nợ xấu được giải quyết xong trong năm 2013 là điều không thể.”

Theo ông Dũng, việc xử lý nợ xấu đòi hỏi sự phối hợp hành động của tất cả các bên, các tổ chức tín dụng và các đơn vị có thẩm quyền.

“Việc xử lý nợ xấu của Việt Nam đã được Chính phủ quan tâm và nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức nhằm tìm giải pháp giải quyết nợ xấu cho hệ thống ngân hàng như tăng dự phòng, tăng tài sản đảm bảo, tích cực tái cơ cấu lại các khoản nợ xấu, thu hồi, cố gắng kìm hãm sự gia tăng nợ xấu, thành lập VAMC để mua lại nợ xấu, giải ngân vốn cho các dự án chuẩn bị hoàn thành…Với những hoạt động chủ động và hiệu quả, tỷ lệ nợ xấu được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới,” ông Dũng phân tích.

Trên thực tế đến nay đã có một số kết quả tích cực, tỷ lệ nợ xấu được công bố tại phiên Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 là 6%, giảm tương đối so với số liệu công bố tháng 10/2012.

Với những thay đổi mang chiều hướng tích cực về mặt chính sách như trên, ông Dũng kỳ vọng năm 2013 sẽ là năm bản lề trong việc gỡ nút thắt cho thị trường bất động sản.

Cơ hội để doanh nghiệp “chuyển mình”

Nhận định về khả năng phát triển của các doanh nghiệp trong thời gian sắp tới, Ông Lê Minh Dũng - Giám đốc CBRE nhấn mạnh: “Bản thân các doanh nghiệp bất động sản cũng phải vận động và điều chỉnh để tạo ra cơ hội cho mình trong tình hình kinh tế khó khăn.”

Theo kết quả điều tra nhà ở, hiện nhu cầu về nhà ở còn rất lớn, nên về dài hạn đây là cơ hội cho thị trường bất động sản phát triển, đặc biệt là các dự án nhà ở có diện tích căn hộ phù hợp và giá bán trung bình với hạ tầng tốt. Trong ngắn hạn, với việc ban hành Nghị quyết 02 có thể thấy rằng Chính phủ sẽ có những biện pháp tích cực và thiết thực để thúc đẩy thị trường.

“Do vậy, theo tôi năm 2013 vẫn có những cơ hội nhất định, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, có năng lực tài chính và khả năng quản trị tốt,” ông Dũng nhấn mạnh.

Vị chuyên gia của CBRE cũng cho rằng để nắm bắt được các cơ hội này, các doanh nghiệp bất động sản cần đưa ra các sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị trường, về ngân sách, về chất lượng và tiến độ để lấy lại niềm tin của khách hàng có nhu cầu thực sự. Các doanh nghiệp phải rà soát, tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm, quy mô căn hộ để phù hợp nhu cầu thị trường. Doanh nghiệp trong thời điểm này cũng cần phải chấp nhận giảm giá bán, cắt lỗ khi cần thiết để giải quyết hàng tồn kho nợ xấu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài có thể hợp tác với nhau để có thể tận dụng lợi thế riêng biệt của đối tác. Các doanh nghiệp trong nước thông thường dễ tiếp cận các quỹ đất với chi phí thấp hơn, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài có uy tín, công nghệ và trình độ quản lý cao hơn.

“Những doanh nghiệp đủ sức trụ vững trên thị trường hiện tại là các doanh nghiệp có lợi thế về uy tín, sản phẩm chất lượng, năng lực tài chính và tái cơ cấu tốt. Thời điểm hiện tại không còn phù hợp với các nhà đầu tư đầu cơ ngắn hạn, mong muốn tỷ suất lợi nhuận cao trong khi không có năng lực về tài chính, quản trị,” ông Dũng nói.

Đại diện tập đoàn BIM - một trong những doanh nghiệp đã mạnh dạn đưa ra những hướng đi mới trong thời kỳ thị trường còn “ngủ đông,” ông Đoàn Quốc Huy - Phó Chủ tịch cho biết: “Chính trong thời điểm hiện tại, doanh nghiệp mới có thể tự khẳng định được bản thân mình.”

Mặc dù thị trường bất động sản tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, nhưng lĩnh vực bất động sản và dịch vụ của BIM vẫn đạt được mức tăng trưởng ổn định trong năm 2012.

Doanh thu của Khách sạn Hạ Long Plaza và Khu căn hộ Fraser Suites tăng 20% so với doanh thu năm 2011. Trong năm 2012, dự án Chung cư Green Bay vẫn đạt được tỷ lệ bán hơn 80%.

“Trong năm 2013, chúng tôi vẫn sẽ tập trung chủ yếu để phát triển hoàn thiện khu đô thị Hạ Long Marina, vào quý I chúng tôi ra mắt hai sản phẩm là nhà phố thương mại và nhà phố liền kề San Hô,” ông Huy khẳng định.

Đối với nhà phố thương mại, đây là một loại hình mới tại Quảng Ninh khi được áp dụng căn hộ kinh doanh thương mại ở tầng 1 và từ tầng 2 và 3 phục vụ cho sinh hoạt. Với mức giá 4 tỷ/ 1 căn, 30 căn hộ nhà phố thương mại cũng đều được khách hàng đăng ký đặt cọc, đạt tỷ lệ bán 100%.

Ngoài ra, các căn hộ diện tích 100m2 bên ngoài 4 tầng được bán với mức giá 2,1 tỷ/căn cũng là một sản phẩm hấp dẫn của dự án.

Với những nút thắt đang dần được tháo gỡ từ thị trường như trên, các chuyên gia khẳng định năm 2013, những hướng đi riêng như của BIM và nhiều doanh nghiệp khác sẽ là một giải pháp nội lực để các doanh nghiệp tự khẳng định mình.

P.V (Vietnam+)

.
.
.
.