.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương - năm 2022

CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY VÀ TẠI VIETCOMBANK NÓI RIÊNG

Thứ Ba, 01/11/2022|15:58

Sinh thời Bác Hồ đã chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng” và biện pháp quan trọng hàng đầu để đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí chính là giáo dục tư tưởng cho quần chúng. Người nói: “làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu, biến hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nắp”.

Tham nhũng ngày nay không còn là vấn đề riêng của từng quốc gia mà đã trở thành vấn đề toàn cầu. Đây là hiểm họa không chỉ cho từng dân tộc mà là hiểm họa chung của cả loài người. Có thể thấy sự tồn tại của tham nhũng là do quản lý nhà nước yếu kém, sơ hở, sự biến động mạnh mẽ về chính trị, kinh tế, xã hội, sự lũng đoạn của các tập đoàn kinh tế, chính trị… nhưng xét đến cùng chính là từ tâm lý lạm quyền cũng như từ lòng tham và thói ích kỷ của con người mà tham nhũng phát sinh, phát triển và tồn tại. Tham nhũng tác động tiêu cực và gây ra nhiều hậu quả xấu cho xã hội như làm tăng khoảng cách giàu nghèo, kìm hãm sự phát triển của đất nước, làm xói mòn và băng hoại đạo đức truyền thống của dân tộc, làm suy giảm và mất lòng tin của người dân đối với chính quyền…

Trong năm 2021, nhiều đại án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử, nhiều cán bộ chủ chốt, nguyên là lãnh đạo cấp cao vi phạm bị xử lý hình sự. Có thể cần nhìn nhận một thực tế là, trong thời gian qua tình trạng tham nhũng còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, biểu hiện ngày càng tinh vi, gây phẫn nộ và bức xúc trong dư luận. Tham nhũng vẫn còn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Thông qua Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã thể hiện tổng thể, có hệ thống, toàn diện nhưng rất khái quát về mục tiêu, quan điểm và những giải pháp chủ yếu  để phòng chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay cụ thể:

Một là, xác định rõ cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đòi hỏi phải kiên trì, liên tục với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Vai trò nêu gương, nói đi đôi với làm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị các cấp rất quan trọng. Họ vừa là tấm gương để cán bộ, quần chúng nhân dân soi rọi vào (một tấm gương còn sáng hơn một trăm bài diễn văn hay) đồng thời họ được ví như nước đầu nguồn của dòng suối, nước đầu nguồn phải trong thì dòng suối mới trong. Ngoài việc nhấn mạnh trong văn kiện đại hội XIII, Đảng ta đã quy định rất cụ thể về vấn đề trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu (Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/06/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, Quy định 55-QĐ/Tw, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính Trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên).

Hai là, xác định rõ “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, thực hiện đồng bộ các biện pháp “chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự” trong phòng chống tham nhũng. Mặc khác, trong quá trình phát hiện, xử lý tham nhũng phải xem xét đánh giá khách quan, thận trọng, xác định rõ động cơ, mục đích sai phạm để phân biệt với hành vi của những người dám nghĩ, dám làm, có động cơ trong sáng vì sự nghiệp đổi mới đất nước với hành vi của những người có mục đích tư lợi cá nhân để xử lý phù hợp, động viên khuyến khích, bảo vệ những người dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đi đầu đổi mới sáng tạo vì sự nghiệp chung của đất nước. Từ đó, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, tập thể trong từng trường hợp cụ thể để quyết định các biện pháp xử lý hành chính, hình sự hoặc xử lý khác cho phù hợp, bảo đảm “thấu tình, đạt lý”, “tâm phục, khẩu phục”, “rất nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn” nhằm “giáo dục cảnh tỉnh”, “răn đe, phòng ngừa sai phạm”…

Ba là, “coi trọng giáo dục liêm chính”, kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trước hết trong cán bộ, đảngviên, công chức, viên chức. Rèn luyện ý thức tự giác chấp hành các quy định về phòng chống tham nhũng, phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu biết hổ khi bản thân và người thân tham nhũng. Người đứng đầu phải quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động phòng ngừa tham nhũng, kịp thời phát hiện, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý nghiêm minh các vụ việc tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị mình. Cần xử lý nghiêm minh người đứng đầu không chủ động lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc phát hiện, xử lý tham nhũng, có hành vi bao che, ngăn cản việc phát hiện việc xử lý tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đạo đức công vụ, xây dựng các hướng dẫn khung các Bộ quy tắc ứng xử phòng chống tham nhũng, xây dựng các biện pháp bảo đảm thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, tiếp tục hoàn thiện cơ chế thanh tra, kiểm soát hoạt động công vụ… để hình thành ngày càng rõ nét văn hóa liêm chính, giải pháp căn cơ đề phòng chống tham nhũng.

Bốn là, đẩy mạnh “kiểm soát quyền lực” để phòng chống tham nhũng, kịp thời xử lý, điều chuyển, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp, xử lý nghiêm cán bộ những nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.Tập trung phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi tham nhũng thông qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đặc biệt chú trọng xử lý các vụ việc tiêu cực trong cán bộ, đảng viên có tính chất phức tạp, nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm. Tập trung đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, sai phạm kinh tế nghiêm trọng, phức tạp.

Năm là, từng bước mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng ra bên ngoài nhà nước để ngăn chặn sự cấu kết giữa cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thoái hóa, biến chất với đối tượng hoạt động ở khu vực ngoài nhà nước.

Trên tinh thần kế thừa và phát huy điểm mới trong Nghị Quyết đại hội XIII của Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng. Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), với vị thế là ngân hàng số 1 Việt Nam, đã luôn chủ động quán triệt và thực hiện quyết liệt chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng. Tự hào về truyền thống và lịch sử vẻ vang, các cán bộ, đảng viên và người lao động luôn thực hiện tốt “3 không” (không thể, không dám và không cần tham nhũng) trong phòng chống tham nhũng (PCTN).

Vietcombank luôn xác định công tác phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, Đảng ủy, Ban lãnh đạo vietcombank chủ động chỉ đạo, lãnh đạo các cấp ủy, tổ chức đảng thuộc Đảng bộ thực hiện có hiệu quả việc quán triệt và truyền thông sâu sộng tới toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động về các chủ trương của Đảng, văn bản pháp luật của nhà Nước, của ngành ngân hàng và các cấp ủy Đảng về công tác PCTN, trong đó, quán triệt sâu sắc việc thực hiện “3 không”.

Từ “Không thể”

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, Ban lãnh đạo đối với công tác PCTN, thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật PCTN về công khai, công tác cán bộ, mua sắm, đấu thầu, ban hành các quy định chính sách, hoạt động kinh doanh, kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo…

Thứ hai, xây dựng và thực hiện các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Vietcombank triển khai đầy đủ các quy định về Quy chế tài chính, Quy chế đầu tư trong đó quy định chặt chẽ về việc quản lý vốn và tài sản, quản lý chi tiêu, phân cấp thẩm quyền về đầu tư, mua sắm tài sản, xây dựng và ban hành quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng tài sản, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, thường xuyên rà soát, sủa đổi bổ sung hoàn thiện các quy định nội bộ nhằm đảm bảo chặt chẽ và công khai, minh bạch trong thực hiện, phù hợp với tình hình thực tiễn và cơ chế, chính sách của ngành Ngân hàng.

Thứ ba, tiến hành cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt. Vietcombank áp dụng phương thức thanh toán, chi trả các khoản lương và thu nhập có tính chất lương của toàn thể cán bộ nhân viên qua tài khoản mở tại Vietcombank, góp phần đảm bảo tính minh bạch trong thu nhập và thực hiện PCTN. Trong công tác quản lý, điều hành hoạt động, Vietcombank từng bước áp dụng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt nhất trong hoạt động quản trị ngân hàng. Vietcombank chú trọng áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng trong giao dịch, thực hiện quy định về giao dịch một cửa, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, góp phần phòng ngừa các hành vi tham nhũng có thể xảy ra.

Với quy định chặt chẽ, rõ ràng và minh bạch đã góp phần hạn chế tối đa việc lợi dụng các kẽ hở để thực hiện hành vi tham nhũng và để những phần tử cơ hội “không thể” thực hiện các hành vi tham nhũng.

Đến “không dám”…

Vietcombank đã triển khai xây dựng và thực thi hàng loạt biện pháp, chế tài để các phần tử cơ hội “không dám” thực hiện những hành vi tham nhũng.

Thứ nhất, vietcombank thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn doanh nghiệp. Đảng ủy Vietcombank đã ban hành quyết định số 747-QĐ/ĐU “Quy chế về việc Bí Thư Đảng ủy Vietcombank tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân”. Đây được xem như là biện pháp tích cực nhằm răng đe, cảnh báo những phần tử cơ hội có dấu hiệu tham nhũng bằng cách tiếp nhận thông tin đầu vào từ quần chúng và nhân dân luôn có “độ mở” lớn, khiến kẻ xấu phải e dè, chùng bước…

Thứ hai, thường xuyên thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, người lao động, người có chức vụ, quyền hạn. Vietcombank luôn thực hiện nghiêm túc các quy định về tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, khen thưởng, kỷ luật cán bộ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Vietcombank ban hành các văn bản để cụ thể hóa hành động như: Quy chế tuyển dụng lao động được ban hành theo Quyết định số 789/QĐ-VCB-TCNS ngày 19/05/2020 của HĐQT, Quy chế luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác và nghỉ bắt buộc đối với cán bộ VCB ban hành kèm quyết định số 2314/QĐ-VCB-TCCB ngày 01/10/2018 của HĐQT.Đồng thời chú trọng việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo, nêu cao chế độ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong công tác PCTN, từ đó tạo sự chuyển biến về nhận thức và quyết tâm hành động PCTN trong toàn thể cán bộ nhân viên nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Vietcombank là ngân hàng minh bạch, hiệu quả và bền vững, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ và nâng cao hiệu quả PCTN. 

Ngoài ra, Vietcombank ban hành văn bản Quy Định về ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của CBNV Vietcombank ( Quyết định số 16/QĐ-HĐQT-QLRRHĐ ngày 07/01/2021) để quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quy định về hành vi ứng xử và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ có chức vụ, nhân viên, đưa ra các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức và yêu cầu về ứng xử trong công việc áp dụng đối với CBNV nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, uy tín của Vietcombank và ngăn ngừa rủi ro gian lận, góp phần PCTN và tội phạm trong ngân hàng.

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra và phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Thực hiện tốt chức năng kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật và các quy định nội bộ nhằm phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn kịp thời những tồn tại, sai sót vi phạm, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, thực hiện công tác PCTN hiệu quả tại đơn vị.

Cán bộ nhân viên VCB hàng năm luôn được quán triệt việc tuân thủ “ Quy định ứng xử và đạo đức nghề nghiệp” và thực hiện “ Cam kết tuân thủ nguyên tắc chung và quy định về ứng xử và đạo đức nghề nghiệp” do đó góp phần nâng cao ý thức, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, có thái độ tôn trọng, tận tâm tận lực phục vụ khách hàng, được khách hàng tin tưởng.

Thứ tư, là quy định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ PCTN. Vietcombank ban hành các văn bản quy định vai trò của người đứng đầu, quy định nguyên tắc cấp trưởng đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện về các hoạt động, thực hiện cơ chế miễn nhiệm, bãi nhiệm, cho từ chức, tạm đình chỉ chức vụ của người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm nghiêm trọng, tham nhũng tại các tổ chức, đơn vị. Trong xử lý sai phạm, Vietcombank kiên quyết áp dụng các biện pháp xử lí mạnh tay, dứt điểm với các trường hợp vi phạm, giải quyết tốt các đơn thư khiếu nại, tố cáo, PCTN và tội phạm. Tất cả biện pháp trên là rào cản, là cảnh báo, là chế tài xử lý rất nặng để răng đe các phần tử cơ hội “không dám” thực hiện các hành vi tham nhũng ngay cả trong suy nghĩ.

Và không cần

Tại Vietcombank, CBNV luôn tự hào khi làm việc tại một môi trường tốt nhất Việt nam. Năm 2021, Vietcombank được Vietnam Report vinh danh đứng thứ nhất trong số các ngân hàng Việt nam và đứng thứ 3 trong top 50 Vietnam Best Profitable- Top 50 Doanh nghiệp lợi nhuận xuất sắc Việt Nam. Thu nhập của CBNV luôn nằm trong top 1,2 các Ngân Hàng…

Cũng tại Vietcombank, cơ chế thi đua khen thưởng luôn rõ ràng, minh bạch tạo động lực cho CBNV phấn đấu và nổ lực trong hành trình khẳng định năng lực chính mình. Ngoài ra, Ban Lãnh Đạo Vietcombank tổ chức họp mặt Ngày hội gia đình nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, CBNV tạm gác lại những bề bộn, lo toan của công việc và cuộc sống để cùng nhau chia sẻ những câu chuyện về gia đình, đồng nghiệp, lối sống, sở thích… giúp mọi người thêm hiểu nhau, đoàn kết, gắn bó và tương trợ nhau trong công việc. 

Thử hỏi, với một môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, một môi trường hướng đến chỉ số hạnh phúc cao và mức lương đủ để lo cho gia đình và tiết kiệm thì đảng viên, người lao động “không cần” và không có động cơ tham nhũng.

Bên cạnh đó, Vietcombank còn quan tâm tới công tác tuyên truyền, giáo dục. Đảng ủy Vietcombank luôn chú trọng tăng cường vai trò giám sát của chi bộ trong quản lý, giáo dục nhận thức về công tác PCTN, đề cao, quán triệt thực hiện vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, đơn vị trong công tác PCTN nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tính tiên phong gương mẫu của tổ chức Đảng, cán bộ, Đảng viên trong công tác PCTN, gắn công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực lãng phí với các hoạt động “ Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” theo chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và thực hiện Nghị Quyết trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần tăng cường giáo dục phẩm chất, đạo đức, lối sống, phát huy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ Đảng viên…

Vietcombank với vai trò của ngân hàng dẫn đầu- ngân hàng số một Việt Nam đã vận dụng thành công và có hiệu quả những nội dung quan trọng của Nghị quyết Đại Hội XIII của Đảng trong công cuộc đấu tranh PCTN, Vietcombank tin chắc rằng những lợi ích vật chất sẽ không thể cám dỗ hay lay chuyển được tinh thần, ý chí và nghị lực của Đảng viên cũng như CBNV tại Vietcombank. Việc thành công trong công tác PCTN cũng sẽ góp phần lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, cùng cộng đồng doanh nghiệp và người dân, khách hàng, bạn hàng trong và ngoài nước đóng góp, xây dựng đất nước Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu của khu vực và thế giới.

Tóm lại, công cuộc PCTN là quá trình gian nan và phức tạp đòi hỏi sự kiên trì và bền bỉ của Nhà Nước và toàn bộ nhân dân. Việc kế thừa và phát huy tinh thần Đại Hội XIII của Đảng trong công tác PCTN nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và công dân, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị - xã hội, bảo vệ chế độ và bảo đảm cho kinh tế - xã hội đất nước phát triển bền vững. 

Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh - Chi bộ 4, Đảng bộ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam

Chi nhánh Nam Sài Gòn, TP.HCM

.
.
.
.