Hội nghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo Quy định 164-QĐ/TW của Bộ Chính trị
Ngày 01/10, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo Quy định 164-QĐ/TW của Bộ Chính trị với chuyên đề “Tình hình kinh tế Việt Nam năm 2021, dự báo kinh tế Việt Nam năm 2022 - Cơ hội và thách thức đối với Doanh nghiệp Nhà nước”, bằng hình thức trực tuyến. Tiến sỹ Kinh tế Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ truyền đạt nội dung chuyên đề.
Tiến sỹ Kinh tế Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ truyền đạt nội dung chuyên đề. |
Điểm cầu chính tại trụ sở Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, có đồng chí Nguyễn Long Hải - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối; đồng chí Nguyễn Đức Phong - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối; các đồng chí Phó Bí thư: Lê Văn Châu, Hồ Xuân Trường; lãnh đạo các ban, đơn vị Đảng ủy Khối và báo cáo viên, cán bộ, chuyên viên Cơ quan Đảng uỷ Khối.
Tại 135 điểm cầu kết nối với Đảng ủy Khối, có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối, Ủy viên Ban Chấp hành các đảng bộ trực thuộc, thành viên HĐTV/HĐQT; tổng giám đốc, phó tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối với tổng số khoảng 1.000 người.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe Tiến sỹ Kinh tế Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ trao đổi về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2021. Hiện nay, kinh tế thế giới trên đà phục hồi nhưng chưa bền vững, tiếp tục duy trì các chính sách nới lỏng hỗ trợ nền kinh tế, giá cả nhiều hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh, thị trường tài sản ở nhiều quốc gia nóng lên, các hoạt động thương mại, dịch vụ xuyên biên giới phục hồi khi nhiều quốc gia mở cửa trở lại và một số quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ biến chủng Delta, trong đó có Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu chính. |
9 tháng đầu năm 2021 tốc độ tăng trưởng GDP giảm sút nghiêm trọng: Quý I tăng 4,48%, quý II tăng 6,61%, quý III giảm sâu 6,17% so với cùng kỳ, 9 tháng chỉ tăng 1,42%. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước hiện giải ngân chậm, 9 tháng chỉ đạt 47,38% kế hoạch, dòng vốn FDI vẫn tăng trưởng, giá trị đăng ký đạt 22,15%, tăng 4,4% so với cùng kỳ.
Về tình hình doanh nghiệp Việt Nam, 9 tháng có 85,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhưng có 45,1 nghìn doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh; 32,4 nghìn doanh nghiệp chờ giải thể; 12,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy ở tất cả các khâu (nhập nguyên vật liệu, sản xuất, phân phối, bán hàng). Sức khỏe tài chính của doanh nghiệp yếu đi nhanh chóng do doanh thu sụt giảm, không đủ bù đắp các chi phí vận hành, đảm bảo an toàn sản xuất theo quy định phòng chống dịch. Nguy cơ thiếu hụt lao động gia tăng.
Tiến sỹ Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp kịp thời, có hiệu quả và tích cực lắng nghe phản hồi của doanh nghiệp, các chuyên gia để có những điều chỉnh phù hợp, cụ thể như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tháo gỡ mác thao túng tiền tệ, đảm bảo thị trường xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Quang cảnh Hội nghị. |
Tiến sỹ Kinh tế Nguyễn Đức Kiên chia sẻ, dự báo kinh tế Việt Nam năm 2022 kinh tế và thương mại thế giới được dự báo tiếp tục phục hồi. Về phía cung, các hoạt động kinh tế sẽ trở về trạng thái “bình thường mới” khi dịch bệnh được kiểm soát. Về phía cầu, tiêu dùng cá nhân và đầu tư của doanh nghiệp được dự báo sẽ bất tăng mạnh - hiệu ứng “chi tiêu trả thù”; các hiệp định EVFTA, UKVFTA, EVIPA, RCEP đem lại những cơ hội mới cho các mặt hàng xuất khẩu. Việt Nam được dự báo vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn trong những nhà đầu tư nước ngoài.
Tiến sỹ Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho biết thêm, doanh nghiệp nhà nước là công cụ quan trọng để Chính phủ sử dụng, triển khai các giải pháp hỗ trợ và phục hồi nền kinh tế sau khi kiểm soát được dịch bệnh, vì vậy cần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước trong doanh nghiệp nhà nước; thay đổi tư duy từ sử dụng doanh nghiệp nhà nước điều tiết thị trường sang doanh nghiệp nhà nước dẫn dắt, lan tỏa tại những ngành mà Nhà nước có trách nhiệm phải tham gia; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước có hiệu quả; đẩy nhanh chuyển đổi số trong nền kinh tế, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.
Một số hình ảnh các đảng uỷ trực thuộc tham dự Hội nghị tại các điểm cầu.
PV