.
.

Nỗ lực là bí quyết thành công

Chủ Nhật, 27/11/2011|16:50

Người “đứng mũi” mẫu mực

Người mà tôi muốn nhắc đến là anh Lê Văn Khanh - Giám đốc Chi nhánh NHPT An Giang, con người đã phần nào toại nguyện với những cống hiến của mình cho quê hương.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân Kinh tế tại trường Đại học Kinh tế quốc dân Hồ Chí Minh, anh trở về công tác tại An Giang. Từ năm 1995 - 1997 anh giữ cương vị Phó cục trưởng Cục Đầu tư phát triển An Giang và là Cục Trưởng từ 1997 – 2000; đảm nhiệm cương vị Giám đốc quỹ HTPT An Giang nay là NHPT An Giang đã gần 9 năm. Với trách nhiệm của người lãnh đạo, sinh ra và lớn lên ở chính nơi này anh hiểu những tiềm năng, thế mạnh của một tỉnh nông nghiệp, hiểu cả những khó khăn mà An Giang gặp phải. Anh trăn trở tìm hướng và tham mưu đề xuất với tỉnh vạch hướng mở đầu tư vốn ĐTPT của Nhà nước để phát triển sản xuất ngành nghề tỉnh nhà. Qua đó, Chi nhánh NHPT An Giang tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển các ngành nghề, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh là thế mạnh của tỉnh: cơ sở chế biến và xuất khẩu cá tra, cá basa và các hợp đồng xuất khẩu hiệu quả nhằm mục tiêu “biến thiên tai lụt lội thành phát triển kinh tế”.

Trong phát triển kinh tế thị trường, Chi nhánh NHPT An Giang đã thực hiện tốt việc cho các doanh nghiệp xuất khẩu vay đầu tư các nhà máy chế biến thủy sản. Khi NHPT thực hiện cho vay tín dụng xuất khẩu ngắn hạn theo quyết định số 133/2001/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, An Giang đã trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện chủ trương này và qua nhiều năm luôn là tỉnh triển khai tốt việc cho vay hỗ trợ xuất khẩu, không xảy ra nợ quá hạn và lãi treo. Tháng 9/2007 trước yêu cầu cải cách cơ chế cho vay TDXK phù hợp với yêu cầu thị trường và khách hàng vay, nhưng đảm bảo pháp lý và an toàn tín dụng. Anh Khanh được Tổng Giám đốc giao phối hợp Ban Tín dụng Xuất khẩu, các Chi nhánh An Giang, TP Hồ Chí Minh, Cà Mau bàn bạc, tìm cách thống nhất về các thủ tục cho vay tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu vay vốn và đảm bảo an toàn tín dụng. Trên cơ sở đề xuất của Anh và nhóm nghiên cứu, Tổng Giám đốc NHPT đã ban hành văn bản số 2768/NHPT- TDXK ngày 18/9/2007 về việc hướng dẫn thực hiện nghiệp vụ vay vốn đối với nhà xuất khẩu Việt Nam. Đây cũng là tiền đề để xây dựng và ban hành Sổ tay nghiệp vụ TDXK của NHPT.

Năng động và tinh thần trách nhiệm cao đã giúp anh Khanh hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Anh được cấp trên tin tưởng, cấp dưới kính trọng. Cùng với việc điều hành nhậy bén linh hoạt; anh đã sử dụng được mọi khả năng, sở trường của cấp dưới, huy động mọi người đồng lòng, đồng sức thực hiện phấn đấu vượt khó hoàn thành mọi nhiệm vụ. Trong các hoạt động, anh Khanh luôn nêu cao vai trò của NHPT đối với sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh và được chính quyền địa phương đánh giá cao và ủng hộ các hoạt động của Chi nhánh. Với phương châm: nhanh, ngắn gọn và chính xác cùng cách làm việc khoa học, thống nhất từ trên xuống dưới, phân công công việc rõ ràng nên cấp dưới của anh luôn hoàn thành công việc. Khi có các công điện khẩn của Tổng Giám đốc và lãnh đạo NHPT, anh chủ trì họp rất ngắn gọn không quá 30 phút đảm bảo thông tin tới nhân viên. Với sự cố gắng, nỗ lực của bản thân, anh liên tục đạt nhiều thành tích: Danh hiệu chiến sĩ cơ sở (từ 2000 đến 2007), Bằng khen của Bộ Tài chính (1999), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2001), Bằng khen của Tổng Giám đốc NHPTVN (2007), Huân chương Lao động hạng III, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Doanh nhân tiêu biểu 2008 của tỉnh v.v…

Người trụ cột gia đình gương mẫu

Anh vẫn nói vui: trong gia đình anh là người đẹp trai nhất. Nhưng anh luôn hạnh phúc và tự hào vì điều đó. Công việc nhiều, lại thường xuyên phải đi công tác. Sau giờ làm việc vất vả, gia đình là nơi anh nghĩ đến đầu tiên, anh Khanh hạnh phúc vì có người vợ hiền luôn hiểu chồng và 2 cô con gái luôn hiếu kính cha mẹ.

Mặc dù bận rộn công việc anh vẫn bố trí thời gian hợp lý để chăm sóc người cha và người mẹ già ốm yếu bệnh tật bao năm nay. Với anh Khanh “cha mẹ còn sống được là niềm hạnh phúc và an ủi cho con cái”. Hơn hết, anh không muốn bố mẹ cảm thấy cô đơn khi về già. Nhìn gương bố, các con anh luôn hiếu kính cha mẹ, yêu quý ông bà, học hành chăm ngoan.

Không biết từ khi nào, anh Khanh đã trở thành chiếc đồng hồ chỉ giờ, dậy lúc 5 giờ sáng, đến cơ quan trước 7h. Nhìn gương anh, nhân viên cơ quan học theo nên không bao giờ có tình trạng nhân viên đi làm muộn. Theo anh, công việc có vất vả nhưng không hề ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của anh, trái lại nhờ sự động viên, hiểu và thông cảm của vợ con luôn thúc đẩy anh hoàn thành nhiệm vụ.

Theo Tạp chí HTPT

 

.
.
.
.