.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ IV - năm 2019:

Hiện thực hóa tâm nguyện của Người, cùng xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn - Bài 1

Thứ Năm, 10/10/2019|21:27

Trước lúc rời xa thế giới về cõi vĩnh hằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại bản Di chúc thiêng liêng có giá trị như một văn kiện lịch sử vô giá cho toàn Đảng, toàn dân. Trong bản Di chúc bất hủ, điều mong muốn cuối cùng của Bác là toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. 50 năm qua, toàn Đảng, toàn dân đã không ngừng nỗ lực làm theo lời căn dặn thiêng liêng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất non sông; xây dựng và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế. Trong đóng góp đó có một phần đáng được ghi nhận của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối Doanh nghiệp Trung ương. Trong thời kỳ mới, hội nhập quốc tế và bắt kịp sự phát triển của nền công nghiệp 4.0, nhiệm vụ những doanh nghiệp nhà nước ở tầm vĩ mô ngày càng nặng nề hơn. Trên chặng đường đó, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người luôn là cẩm nang trong hành trang phát triển.

Bài 1: Khơi lên sức mạnh từ ký ức thiêng liêng

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian gặp gỡ, thăm hỏi, viết bài, điện, thư cho các xí nghiệp, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Trong những trang truyền thống của không ít doanh nghiệp, những lần Bác thăm, chuyện trò hay gửi thư, điện luôn là những trang vàng cho quá trình dựng xây và phát triển. Ký ức ấy đã trở thành động lực tinh thần để doanh nghiệp vươn lên, góp phần cùng đất nước phát triển trên đường CNH- HĐH và hội nhập quốc tế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp mặt các bí thư chi bộ tiêu biểu toàn Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2014.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp mặt các bí thư chi bộ tiêu biểu toàn Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2014.

Tâm nguyện của Bác về ngành công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh

Nhắc lại những trang sử vàng và dự cảm thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với  quá trình hình thành, phát triển  ngành công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng chí Nguyễn Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam chia sẻ, từ  năm đầu của thập kỷ 60 của thế kỷ trước, quyết sách của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là để phát triển ngành dầu khí Việt Nam cần nhanh chóng đào tạo đội ngũ cán bộ. Song song với việc cử học sinh sang các trường đại học dầu khí danh tiếng ở Liên xô, Rumani, công tác đào tạo còn được phát triển tại chỗ thông qua sự hợp tác với Liên xô giúp tìm kiếm và khoan ở đồng bằng Sông Hồng với phức hợp kỹ thuật, công nghệ và thiết bị khá tiên tiến thời bấy giờ… Đoàn Thăm dò dầu lửa 36 trực thuộc Tổng cục Địa chất được thành lập ngày 27/11/1961 với nhiệm vụ tiến hành tìm kiếm, thăm dò dầu hỏa và khí đốt trên phạm vi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự ra đời của Đoàn dầu lửa 36, triển khai tìm kiếm dầu khí trong thời gian khó khăn khi đất nước đang dốc toàn sức cho cuộc kháng chiến gian khổ và phải triển khai dưới bom đạn Mỹ thể hiện sự quyết tâm rất lớn của Đảng, Chính phủ thực hiện ý nguyện của Bác.

Trải qua gần 60 năm, nhiều giai đoạn phát triển rực rỡ và mạnh mẽ, cũng có những lúc thăng trầm, nhưng đến nay ngành Dầu khí đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, xây dựng đội ngũ kỹ thuật lành nghề làm chủ được khoa học công nghệ, quản lý điều hành nhiều khâu trong chuỗi công nghệ dầu khí.

Ngành Dầu khí Việt Nam đã có đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thực hiện hiệu quả vai trò là đầu tàu kinh tế, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Những sự kiện và thành quả quan trọng đó đã khẳng định tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm nền tảng để xây dựng và phát triển ngành công nghiệp Dầu khí hiện đại của Việt Nam. Trên từng giai đoạn phát triển thời gian qua, ở các bước ngoặt lịch sử của sự trưởng thành đều ghi nhận dấu ấn và sự chỉ đạo thành công của Đảng, Bộ Chính trị, thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ. Niềm tin và ước vọng của Bác đã thành hiện thực, khi mỗi bước phát triển của ngành Dầu khí đã góp phần tạo chuyển biến cho nền kinh tế đất nước. Đến nay, Tập đoàn đã hoạt động theo mô hình Tập đoàn kinh tế nhà nước, thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, với Công ty Mẹ là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (hình thức hoạt động là Công ty TNHH một thành viên); ba đơn vị nghiên cứu khoa học, đào tạo; 28 công ty con, công ty liên kết. Ngành Dầu khí đã khai thác được gần 400 triệu tấn dầu thô và 150 tỷ m3 khí đáp ứng nhu cầu năng lượng cho sản xuất 170 tỷ kWh điện (chiếm khoảng 15% tổng công suất lắp đặt và 30% tổng sản lượng điện cả nước), 55 triệu tấn sản phẩm xăng dầu (chiếm 33% tổng nhu cầu cả nước)..., trở thành biểu tượng năng lượng cho phát triển đất nước.

“Sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc

Với vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, Ngành Than - Khoáng sản Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần về thăm vùng mỏ, thăm công nhân mỏ. Ngày 15/9/1958, Người đã về thăm Mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng). Ngày 30/3/1959, Người đã về thăm Mỏ than Đèo Nai. Ngày 15/11/1968, do tình hình sức khỏe không cho phép, Người đã cho mời Đoàn đại biểu công nhân, cán bộ Ngành Than đến gặp mặt tại Phủ Chủ tịch. Người đã ân cần căn dặn, ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc. Toàn thể công nhân, cán bộ phải có nhiệt tình cách mạng và tinh thần yêu nước rất cao, ý chí quyết đánh quyết thắng rất vững, phải đoàn kết nhất trí, phải có đầy đủ ý thức làm chủ nước nhà; làm chủ xí nghiệp, vượt mọi khó khăn, nhằm vào một mục đích chung là sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc. Thực hiện lời dạy của Người, suốt chặng đường hơn 50 năm qua, các thế hệ thợ mỏ luôn hăng hái thi đua với tinh thần “sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc”, lập nên những kỳ tích, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng vạn công nhân mỏ tham gia Binh đoàn Than, cầm súng vào chiến trường, tham gia cuộc kháng chiến giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Tại vùng mỏ, những người công nhân trên tầng cao, trong lò sâu hay bên xưởng máy đã hăng hái lao động quên mình cho dòng than tuôn chảy với các phong trào thi đua một người làm việc bằng hai, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Theo đồng chí Lê Minh Chuẩn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước, Tập đoàn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ khai thác hiện đại để tăng năng xuất lao động, tăng sản lượng khai thác và đặc biệt là tiết kiệm nguồn vàng đen của đất nước. Với công nghệ khai thác hiện đại như hệ thống cơ giới hóa đồng bộ khai thác than hầm lò, ô tô chở đất đá tải trọng hàng trăm tấn ở các mỏ lộ thiên, hệ thống băng tải vận chuyển than, đất đá thay cho ô tô, các hệ thống khai thác giếng đứng sâu đến -350 - 500 mét... đã khẳng định vị trí vững vàng của ngành Than Việt Nam, sẵn sàng đáp ứng đủ nguồn năng lượng cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Nếu như năm 1995, năm đầu thành lập Tổng công ty Than Việt Nam, sản lượng than khai thác mới đạt trên 7,2 triệu tấn, thì  năm 2018 đã sản xuất và tiêu thụ được trên 40 triệu tấn. Tập đoàn cũng phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp khác như khoáng sản, luyện kim, hóa chất mỏ, công nghiệp điện. Tập đoàn đã bảo toàn và phát triển được vốn Nhà nước, đáp ứng đủ than cho các ngành kinh tế trong nước, bảo đảm việc làm và ổn định đời sống cho gần 100 nghìn công nhân, với thu nhập bình quân đạt hơn 10,8 triệu đồng/người/tháng.

Đồng chí Võ Văn Thưởng và đồng chí Phạm Viết Thanh trao thưởng cho các tập thể xuất sắc tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW.
Đồng chí Võ Văn Thưởng và đồng chí Phạm Viết Thanh trao thưởng cho các tập thể xuất sắc tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW.

“Phải đoàn kết chặt chẽ thi đua làm cho Nhà máy phát triển”

Bao năm qua, cán bộ, công nhân viên ngành Điện vẫn đinh ninh lời căn dặn đó của Bác khi đến thăm Nhà máy Điện Yên Phụ và Nhà máy Đèn Bờ Hồ, ngày 21/12/1954. Nhờ có tầm nhìn chiến lược và chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ, cùng sự đấu tranh quyết liệt của các tổ chức đoàn thể cách mạng, đặc biệt của công nhân điện Hà Nội, điều kỳ diệu đã xảy ra ngay sau khi tiếp quản Thủ đô - điện ở Hà Nội vẫn sáng. Điều đó đã làm những kẻ xâm lược bất ngờ bởi trước đó chúng từng tuyên bố, Pháp rút đi, chỉ một tuần Hà Nội sẽ chìm trong bóng tối. Và ngày 21/12 đã trở thành ngày truyền thống của ngành Điện Việt Nam.

Đoàn kết đã trở thành nét đẹp văn hoá của EVN. Mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động ngành Điện đều thấm nhuần tư tưởng, nhận thức về tinh thần đoàn kết nội bộ giúp đỡ, tương trợ nhau trong công việc và cuộc sống để tạo động lực cho sự phát triển của đơn vị nói riêng, của Ngành Điện nói chung. Tinh thần đó đã được chuyển hoá thành hành động cụ thể, thiết thực. Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng, lời dạy của Bác năm nào không chỉ khắc ghi trong ký ức những người thợ điện năm xưa, mà còn là bài học sâu sắc đến tận hôm nay.

Trước nhiều nguy cơ suy thoái mà Đảng ta đã cảnh báo, có vấn đề về biểu hiện mất đoàn kết. Nơi này, nơi khác vẫn còn tình trạng mượn cớ phát huy dân chủ, núp bóng phê bình để hạ thấp uy tín, bôi nhọ lẫn nhau thì lời căn dặn của Bác “phải đoàn kết chặt chẽ thi đua làm cho Nhà máy phát triển” lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Và việc học Bác, thực hiện lời dạy của Bác về đạo đức cách mạng được Tập đoàn và các đơn vị trực thuộc cụ thể hóa bằng các chỉ thị, nghị quyết, các chương trình hành động và việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; các phong trào thi đua lao động sáng tạo, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh (SXKD); việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thông qua phong trào đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động vì cuộc sống cộng đồng. Nhiều đề tài sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng trong và ngoài EVN góp phần đáng kể vào việc tăng năng suất lao động, sắp xếp lao động hợp lý. Năm 2018 vừa qua, năng suất lao động SXKD điện toàn Tập đoàn đã đạt 2,18 triệu kWh/người (gấp gần 2 lần bình quân chung cả nước 5,93%). Năng suất lao động của các Tổng Công ty Điện lực và Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đều vượt kế hoạch, đặc biệt Tổng công ty Điện lực TP.HCM về đích sớm một năm so với lộ trình kế hoạch 5 năm. Hiện nay, EVN tiếp tục phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2019, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động, phấn đấu kinh doanh có lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn….

Tập thể và cá nhân Cơ quan Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương nhận Giải C của cuộc thi
Tập thể và cá nhân Cơ quan Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương nhận Giải C của cuộc thi "Cán bộ, đảng viên các cơ quan Đảng Trung ương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Theo đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, việc gìn giữ và tôn vinh những giá trị tinh thần, trân trọng những bài học quý của mỗi đơn vị, cấp ủy các cấp trong Đảng ủy Khối đã nhân lên những việc làm thiết thực, ý nghĩa trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương. Theo đó, 35/35 đảng bộ trực thuộc đã có nhiều cách làm sáng tạo chuyển tải các chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành việc làm cụ thể; hướng dẫn cán bộ, đảng viên xây dựng kế hoạch cá nhân học tập và làm theo; rà soát, bổ sung tiêu chí đạo đức, lối sống theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tiêu biểu như các Đảng ủy: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam; Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tập đoàn Bảo việt và Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam…

Nội dung Chỉ thị 05 đã được các đảng bộ đưa vào chương trình công tác toàn khóa, hằng năm. Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05 gắn với  Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII), đã tạo chuyển biến tích cực trong toàn hệ thống, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh, thúc đẩy thực hiện tốt, hiệu quả nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, góp phần hoàn thành chức năng là công cụ giúp Chính phủ điều tiết nền kinh tế vĩ mô, ổn định và phát triển.

Còn tiếp... Bài 2: Tạo đà phát triển

Kiều Vân

.
.
.
.