.
.

Phiên họp lần thứ 3 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương

Thứ Sáu, 23/12/2011|00:38

 

Ngày 22/12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã họp phiên thứ 3. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp.
 

Phiên họp tập trung thảo luận về hai nội dung chính liên quan đến Đề án “Nghiên cứu chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố” và Đề án “Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam” của Ban Cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Viện Kiểm sát).
 

 Các đại biểu tham dự phiên họp. (Ảnh: TH)


Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến đã tán thành với đề xuất của Đề án “Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam” và cho rằng cần có sự đổi mới căn bản nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ tố tụng giữa cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát theo hướng chuyển toàn bộ các thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án mà pháp luật hiện hành quy định cho cơ quan điều tra sang Viện Kiểm sát thực hiện. Viện Kiểm sát có quyền chỉ đạo cơ quan điều tra trong việc thu thập chứng cứ, góp phần khắc phục tình trạng “cắt khúc” giữa điều tra và công tố, đồng thời đề cao trách nhiệm của Viện Kiểm sát trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và đảm bảo cho yêu cầu tranh tụng của Viện Kiểm sát tại phiên tòa.

 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng: Các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 về vị trí, vai trò, quyền, nghĩa vụ của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát trong điều tra vụ án hình sự là phù hợp và đang phát huy tác dụng trong thực tiễn. Vì vậy, để tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, thực hiện cơ chế công tố gắn với điều tra, chỉ cần đẩy mạnh các biện pháp tổ chức thực thi pháp luật nhằm thực hiện tốt các quy định của pháp luật hiện hành như: sắp xếp, bố trí cán bộ; đổi mới phương pháp đề ra yêu cầu điều tra của kiểm sát viên thì có thể thực hiện có hiệu quả yêu cầu cải cách tư pháp.

Về mô hình tố tụng hình sự, đa số ý kiến đều đồng ý với đề nghị của Viện Kiểm sát là xây dựng mô hình tố tụng kết hợp theo hướng tiếp tục duy trì những ưu điểm của mô hình tố tụng hình sự hiện hành (tố tụng thẩm vấn), tiếp thu những hạt nhân hợp lý của mô hình tố tụng hình sự tranh tụng, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Bàn về chức năng kiểm sát hoạt động xét xử của Viện Kiểm sát, nhiều ý kiến không tán thành với việc giao cho kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại tòa đồng thời làm nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại tòa. Bởi, sẽ làm ảnh hưởng đến vai trò trung tâm của tòa án, gây thiếu bình đẳng với chủ thể bào chữa và không đảm bảo tính khách quan của việc kiểm sát.

Liên quan đến Đề án “Nghiên cứu chuyển Viện Kiểm sát thành Viện Công tố”, một số ý kiến cho rằng cần nghiên cứu kỹ việc chuyển Viện Kiểm sát thành Viện Công tố trên tinh thần khách quan, toàn diện, theo thời gian cụ thể và lộ trình hợp lý, đáp ứng được yêu cầu hiện nay trên cơ sở kế thừa, tiếp thu các truyền thống pháp lý, văn hóa và xã hội…

 

 

 Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước,
 Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu tại phiên họp.


Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu, qua đó phân công tổ chức, chỉnh lý hoàn chỉnh Đề án, sớm trình Thường trực Ban Chỉ đạo. Chủ tịch nước nhấn mạnh, việc chọn mô hình tố tụng hình sự cần phải bám sát tình hình cụ thể về chính trị, kinh tế - xã hội của Việt Nam, có sự tham khảo các mô hình của quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
 

Tại phiên họp, đồng chí Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đã công bố Quyết định bổ nhiệm Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đối với đồng chí Nguyễn Tất Viễn - Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp (Bộ Tư pháp)./.

 

Thu Hằng/ Theo DCSVN

 

.
.
.
.