Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Ngành công thương phải tìm hướng ra cho doanh nghiệp
Phát biểu tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2012 của ngành công thương diễn ra ngày 3/1/2012 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những nỗ lực của toàn ngành công thương trong năm qua, đồng thời lưu ý, theo nhiều dự báo, kinh tế thế giới năm 2012 còn khó khăn hơn năm 2011.
Khó khăn này sẽ tác động đến Việt Nam, trước hết là thị trường xuất khẩu; nhưng Việt Nam vẫn có những thuận lợi trong từng ngành, từng lĩnh vực, do đó ngành công thương phải biến khó khăn đó thành những lợi thế của ngành để tìm hướng ra cho doanh nghiệp, cho ngành. Thủ tướng lưu ý ngành cần rà soát lại cơ chế, chính sách, quy hoạch, chiến lược của từng lĩnh vực gắn liền với tái cơ cấu trong từng doanh nghiệp, từng ngành hàng theo hướng nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh hàng hóa, trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong đó có điện, xăng dầu. Mặt khác, ngành cũng cần đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu, đây sẽ là đóng góp lớn vào phát triển kinh tế vĩ mô. Đồng thời làm tốt công tác quản lý thị trường, cân đối cung cầu, không để đầu cơ găm hàng sốt giá, đưa hàng về nông thôn, vùng sâu vùng xa, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán đang cận kề. Ngoài ra, là cơ quan chủ quản, Bộ Công Thương cần sớm thực hiện chức năng chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty mà nhà nước giao. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định mặc dù năm 2011 đã khép lại với những thành tựu đạt được đáng khích lệ, nhưng bước sang năm 2012 - năm bản lề của kế hoạch 5 năm tới (2012-2015), trước những khó khăn và thách thức khó lường, toàn ngành công thương phải nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra cao hơn 2011.
Theo đó, năm 2012 giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành (giá cố định 1994) tăng 13%, giá trị gia tăng công nghiệp tăng khoảng 7,5%, xuất khẩu tăng 13% so với năm 2011 và đạt kim ngạch khoảng 108,8 tỷ USD; nhập khẩu khoảng 121,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm 2011. Như vậy, nhập siêu khoảng 13 tỷ USD, bằng khoảng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, ngành công thương phấn đấu tỷ lệ nhập siêu không cao hơn năm 2011, tức là khoảng 10% so với xuất khẩu. Bộ trưởng lưu ý, để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2012 khoảng 6-6,5%, các chỉ tiêu năm 2012 của toàn ngành đều cao hơn năm trước. Do đó, thách thức đối với ngành công thương là rất lớn, đòi hỏi toàn ngành phải thực hiện nhiều giải pháp bên cạnh việc thực hiện các giải pháp của Nghị quyết 02, Nghị định 11/2009/NĐ-CP. Cùng với đó, ngành sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, phát triển ngành công nghiệp và xây dựng theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, có nhiều sản phẩm xuất khẩu. Chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ… Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho biết, mặc dù trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành công thương năm 2011 vẫn chuyển biến theo hướng tích cực. Cụ thể, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 0,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5%; công nghiệp sản xuất, phân phối điện, gas, nước tăng 10% so với năm 2010. Trong lĩnh vực ngoại thương, thành công nhất là hoạt động xuất khẩu với kim ngạch xuất khẩu cả năm 2011 đạt 96,3 tỷ USD, tăng hơn 33% so với năm 2010, vượt chỉ tiêu đề ra (tăng 10%), xấp xỉ ngưỡng 100 tỷ USD. Cũng do tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng của nhập khẩu, nhập siêu năm 2011 đã giảm cả về kim ngạch tuyệt đối, cả về tỷ lệ nhập siêu. Nhập siêu năm 2011 ước tính là 9,52 tỷ USD, bằng 9,89% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn so với mục tiêu Chính phủ (không quá 16%) và Quốc hội (không quá 18%) đề ra./. |
||||
(Theo Vietnam+) |