.
.

Tháo gỡ "điểm nghẽn” mặt bằng tại các dự án giao thông trọng điểm

Thứ Năm, 24/05/2012|09:15

 

Trong điều kiện tài chính còn khó khăn, trong khi nhu cầu hạ tầng giao thông vẫn bức thiết, ngành Giao thông cần tập trung ưu tiên gỡ vướng về mặt bằng đối với các dự án, công trình trọng điểm của ngành để sớm đưa vào khai thác.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu xử lý dứt điểm những điểm "nghẽn" về mặt bằng ở các dự án hạ tầng trọng điểm. Ảnh: VGP/Nguyễn Linh

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải nhấn mạnh yêu cầu này trong buổi họp Ban chỉ đạo vào sáng nay, 23/5, nhằm rà soát các công việc triển khai trong thời gian qua, xử lý những vấn đề tồn tại, vướng mắc tại các dự án.

 

Tiến độ chuyển biến tích cực

Theo báo cáo từ các đơn vị, tính đến tháng 5/2012, nhìn chung các dự án trọng điểm tiến độ xây dựng có sự chuyển biến tích cực, cơ bản đảm bảo các mốc yêu cầu đề ra theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.

Đó là các dự án trọng điểm như Nhà ga hàng không T2 Nội Bài, cảng Cái Mép - Thị Vải, các tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Cảng HK Phú Quốc, đường vành đai 3 Hà Nội. Một số dự án khác cũng được đẩy nhanh thủ tục, xác định nguồn vốn để khởi công trong quý III, quý IV/2012 như cảng Lạch Huyện, cầu Năm Căn, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cầu Cao Lãnh.

Đường Hồ Chí Minh khu vực phía Bắc chỉ còn 0,4km tại nút giao Xuân Mai (Hà Nội), Thạch Quảng (Thanh Hóa), dự kiến hoàn thành trong quý II/2012. Chủ đầu tư cũng đang tích cực triển khai xây dựng các dự án đoạn Pác Bó (Cao Bằng), cầu Ngọc Tháp, cầu Bình Ca... Khu vực phía Nam đã cơ bản hoàn thành đoạn Nghi Sơn - Bãi Trành, Khe Cát. Khu vực Tây Nguyên hoàn thành trên 90% đoạn qua TP Kon Tum, thị trấn Đắk Hà, TP Buôn Ma Thuột, Kon Tum - Pleiku,... Khu vực ĐBSCL đạt trên 75% đoạn Mỹ An - Cao Lãnh, Năm Căn - Đất Mũi.

Trong thời gian tới, các đơn vị đầu tư cũng báo cáo một số dự án trọng điểm chuẩn bị thực hiện như tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành (mức đầu tư 31.320 tỷ đồng), Dầu Giây - Phan Thiết (19.048 tỷ đồng), Trung Lương - Cần Thơ (18.888 tỷ đồng), Đà Nẵng - Quảng Ngãi (27.968 tỷ đồng), cầu Bến Thủy II, Đèo Cả.

Bên cạnh đó, một số dự án đang gặp khó khăn do các nguyên nhân khách quan và chủ quan như luồng tàu biển vào sông Hậu, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải, đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Cái Lân.

Theo ý kiến các thành viên Ban chỉ đạo, vấn đề vướng mắc nổi lên trong triển khai các dự án, công trình trọng điểm ngành GTVT thời gian qua vẫn là vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB), thiếu vốn, vướng các thủ tục đầu tư. Đặc biệt là một số dự án sử dụng vốn ODA, kinh phí GPMB chủ yếu sử dụng vốn đối ứng là ngân sách nhà nước trong năm bố trí chưa đủ. Tương tự là nguồn vốn bố trí cho các dự án như đường Hồ Chí Minh, đường sắt Yên Viên - Cái Lân, luồng tàu biển vào sông Hậu sử dụng nguồn trái phiếu chính phủ.

Tập trung xử lý dứt điểm vấn đề mặt bằng

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ rõ cần tập trung ưu tiên nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng các dự án giao thông, hạ tầng phục vụ phát triển triển kinh tế xã hội, tạo thuận lợi cho nhu cầu đi lại của người dân.

Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, nguồn lực từ ngân sách, Phó Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên của Ban chỉ đạo là triển khai chủ trương tư nhân hóa, xã hội hóa xây dựng hạ tầng giao thông vận tải. Điều cần làm hiện nay là xây dựng được những cơ chế quản lý, cơ chế triển khai để các nhà đầu tư thấy được hiệu quả đầu tư ở mỗi công trình. Bộ GTVT ưu tiên nhiệm vụ này, tổ chức thành lập sớm một cơ quan chuyên môn về vấn đề xã hội hóa đầu tư triển khai mới các mô hình BOT, BT, PPP.

Đối với các dự án trọng điểm, với việc xác định đây đều là các dự án cấp bách và các vướng mắc chủ yếu là vấn đề GPMB, tập trung ở các khu vực đô thị, vùng giáp ranh, nên Ban chỉ đạo cần tập trung các biện pháp, cơ chế xử lý dứt điểm các điểm nghẽn để khai thông, sớm đưa các công trình đi vào khai thác, nhất là những dự án sắp hoàn thành.

Các cơ quan hai TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sớm giải quyết vấn đề xây dựng nhà tái định cư, tạo thuận lợi cho người dân di dời.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP/Nguyên Linh

Về xử lý vấn đề khó khăn nguồn vốn tại các dự án, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng thành lập các đoàn đi kiểm tra, tổng hợp lại các vấn đề về tiến độ, yêu cầu giải ngân và đề xuất hướng giải quyết cho từng dự án, nhất là các dự án ODA đang cần vốn đối ứng để GPMB, cơ chế ứng vốn trước cho các dự án có khả năng hoàn thành sớm.

Thời gian tới, bên cạnh danh sách các dự án chung, Ban chỉ đạo tập trung rà soát, đôn đốc một số dự án ưu tiên như đường sắt đô thị TP.HCM, Hà Nội đang rất khó khăn, lại là hướng đi cần thiết cho bài toán ùn tắc giao thông hiện nay. Tương tự là các dự án sắp hoàn thành như Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, nút Hòa Lạc, đường vành đai 3 Hà Nội, các dự án cấp thiết như quốc lộ 14, mở rộng quốc lộ 1A ở một số khu vực ĐBSCL./.

Theo Chinh Phu

.
.
.
.