.
.

Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta (*)

Thứ Hai, 06/08/2012|22:40

Diễn văn của Chủ tịch nước TRƯƠNG TẤN SANG

Hôm nay, tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Quảng Nam, cùng đồng chí, đồng bào thành kính, trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Võ Chí Công - Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta; Người chiến sĩ cách mạng kiên cường, suốt đời phấn đấu cho độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân và vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Cuộc đời đồng chí là tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên, đồng bào, chiến sĩ cả nước trân trọng, biết ơn và noi theo.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Lễ kỷ niệm. (Nguồn: TTXVN)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Lễ kỷ niệm. (Nguồn: TTXVN)

Đồng chí Võ Chí Công, tên thật là Võ Toàn, sinh ngày 7 tháng 8 năm 1912 trong một gia đình trí thức yêu nước tại làng Khương Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ (nay là xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Được thừa hưởng truyền thống của gia đình, lại được nuôi dưỡng trên mảnh đất quê hương văn hiến, kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm, đồng chí Võ Chí Công đã sớm giác ngộ cách mạng và trở thành người thanh niên yêu nước, giàu nhiệt huyết cách mạng. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Võ Chí Công gắn liền với quá trình cách mạng và những sự kiện lịch sử vô cùng quan trọng, những chiến công vĩ đại của đất nước, nhân dân ta.

Trong những năm 30 của thế kỷ trước, đồng chí tham gia xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng tại quê hương Tam Kỳ, Quảng Nam và các tỉnh miền Trung. Tháng 5 năm 1935, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và trở thành người lãnh đạo chủ chốt của tổ chức Đảng ở phủ Tam Kỳ. Bất chấp sự đàn áp, khủng bố ác liệt của kẻ thù, đồng chí kiên cường bám trụ, gây dựng phong trào, góp phần xây dựng, củng cố các cơ sở cách mạng, giác ngộ, tập hợp các tầng lớp nhân dân, tạo nên phong trào cách mạng sôi nổi ở các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và nhiều tỉnh khác ở miền Trung trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939). Đồng chí được cử làm Bí thư Phủ ủy Tam Kỳ (năm 1939); tham gia khôi phục Tỉnh ủy Quảng Nam và được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời (năm 1940); được phân công phụ trách các tỉnh từ Quảng Nam, Đà Nẵng đến Phú Yên (năm 1941) và được phân công làm nhiệm vụ gây dựng cơ sở tại các tỉnh cực Nam Trung Bộ (năm 1942). Giữa lúc phong trào cách mạng đang phát triển, năm 1943, đồng chí bị địch bắt, tòa án thực dân đã kết án tù chung thân, sau đó giảm xuống 25 năm cấm cố và bị đưa đi đày ở nhà tù Buôn Mê Thuật. Những năm tháng giam cầm, đày ải dã man trong nhà tù đế quốc, đồng chí vẫn kiên cường, giữ vững niềm tin vào thắng lợi của cách mạng. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), đồng chí ra tù, trở lại hoạt động, được cử vào Ban Thường trực Ủy ban Cứu quốc tỉnh Quảng Nam và Ban Thường trực bạo động khởi nghĩa tỉnh, trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa Hội An - tỉnh lỵ Quảng Nam (18/8/1945), góp phần đưa Quảng Nam trở thành một trong những tỉnh giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất trong cả nước. 

Sau Cách mạng Tháng Tám, trên các cương vị Ủy trưởng Tư pháp thuộc Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Nam, Chính trị viên Chi đội 1 Giải phóng quân tỉnh Quảng Nam; Phó ban Tổ chức cán bộ, Thanh tra Quân khu V (1946); Ủy viên Ủy ban quân sự tỉnh Bình Định (1948), đồng chí tham gia xây dựng, tăng cường lực lượng kháng chiến, tổ chức lại lực lượng vũ trang, đào tạo cán bộ quân sự, xây dựng Đảng trong quân đội trên chiến trường cực Nam Trung Bộ. Năm 1950, được chỉ định làm Bí thư kiêm Chính ủy Ban cán sự khu Đông - Bắc Miên, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế của Đảng, góp phần xây dựng Liên minh chiến đấu 3 nước Đông Dương. Tháng 3-1951, đồng chí được bầu vào Khu ủy Khu V, sau đó được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng (1952), đồng chí đã lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng cùng với nhân dân các tỉnh duyên hải miền Trung kiên cường chiến đấu, tích cực hỗ trợ, giúp đỡ cách mạng Lào và Cam-pu-chia; chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân miền Nam bước vào cuộc chiến đấu mới đầy khó khăn thử thách. Đồng chí Võ Chí Công ở lại chiến trường miền Nam, được Đảng tin cậy trao nhiều trọng trách: Phó bí thư Khu ủy Khu V (1955); Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu V - bao gồm Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (1959); Ủy viên Trung ương Đảng (1960), Phó bí thư Trung ương Cục Miền Nam, phụ trách công tác dân vận, mặt trận, kinh tế, tài chính và phụ trách vấn đề phá ấp chiến lược, chống bình định của địch (1961). Từ năm 1962, đồng chí là đại diện Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam trong Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, giữ chức Phó chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Từ năm 1964 đến 1975, đồng chí được cử làm Phó bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Bí thư Khu ủy, Chính ủy Quân khu V, đồng chí đã cùng tập thể Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy Khu V lãnh đạo quân và dân miền Nam vượt qua muôn vàn hy sinh, gian khổ, cùng quân và dân cả nước lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của địch, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thu non sông về một mối.

Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí Võ Chí Công được Đảng và Nhà nước cử giữ nhiều trọng trách: Phó ban đại diện của Trung ương Đảng và Chính phủ ở miền Nam, phụ trách Khu V. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, V, VI, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Trong nhiệm kỳ Đại hội V, đồng chí được bầu làm Bí thư Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí thư. Đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII, được Quốc hội bầu làm Phó thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản (1976); Phó thủ tướng Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Trưởng ban cải tạo nông nghiệp miền Nam (1978), Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1986). Tháng 4-1987, đồng chí được Quốc hội khóa VIII bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. Đồng chí là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII (tháng 6-1991) và khóa VIII (tháng 6-1996).

Với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng và nhân dân, trên mọi cương vị công tác, đồng chí luôn trăn trở về con đường đi lên của cách mạng, tìm tòi đổi mới tư duy về kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Xuất phát từ thực tiễn, lắng nghe ý kiến của nhân dân, đồng chí đã đưa ra những ý kiến quan trọng, góp phần vào việc ra đời Chỉ thị 100-CT/TW, ngày 13-1-1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IV “về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp”. Đây là một bước đột phá trên lĩnh vực nông nghiệp nói riêng và của sự nghiệp đổi mới nói chung, trong đó dấu ấn cá nhân của đồng chí Võ Chí Công là rất đậm nét. Phát huy kết quả đó, Bộ Chính trị giao cho đồng chí Võ Chí Công làm Trưởng Tiểu ban nghiên cứu vấn đề khoán trong nông nghiệp, làm cơ sở cho sự ra đời Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (10-1988). Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí đã có nhiều đóng góp vào việc bổ sung, hoàn thiện Hiến pháp, hệ thống luật pháp; cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, phá thế bị bao vây, cấm vận; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại; thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với những công lao, cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Võ Chí Công đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Chí Công suốt đời trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; sống giản dị, khiêm tốn, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, gần gũi, quý trọng nhân dân, được đồng chí, đồng bào quý mến tin cậy; bạn bè quốc tế trân trọng. Đồng chí tâm niệm: “Những thành tựu vĩ đại trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất nước nhà và xây dựng đất nước, công lao trước hết thuộc về nhân dân anh hùng, về Đảng quang vinh, về Bác Hồ vĩ đại”. Đồng chí thường lưu ý cán bộ, chiến sĩ phải hết sức kính trọng nhân dân, thương yêu nhân dân, tin tưởng nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân. Cả cuộc đời, đồng chí phấn đấu không mệt mỏi xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trong những thời điểm bước ngoặt của cách mạng, đồng chí luôn bám sát thực tiễn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để từ đó, đề xuất với Đảng, Nhà nước những ý kiến quan trọng, góp phần làm xoay chuyển tình hình, đưa đất nước vượt qua khó khăn, thử thách.

Đồng chí Võ Chí Công là người sống tình nghĩa, đồng cam cộng khổ với đồng chí, đồng bào những lúc hoạt động bí mật đầy gian lao, cũng như khi cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi. Đồng chí không bao giờ quên những cơ sở cách mạng đã cưu mang giúp đỡ mình trong các chặng đường hoạt động cách mạng. Khi ở tuổi ngoài 90, sức khỏe giảm sút, đồng chí vẫn thường đến thăm, tìm hiểu tình hình và lắng nghe ý kiến nhân dân tại các địa phương, quan tâm đến các tầng lớp nhân dân từ em thiếu nhi đến các cụ già, các đồng chí thương binh, gia đình liệt sĩ, góp ý với địa phương chú ý chăm lo đời sống của nhân dân.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Võ Chí Công, chúng ta thành kính tưởng nhớ một người cộng sản trung kiên, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân; một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của cách mạng Việt Nam đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong cuộc đấu tranh của nhân dân ta vì độc lập dân tộc, vì cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Kiên định đi theo con đường mà Bác Hồ và Đảng ta đã chọn, sau hơn 25 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, giữ vững ổn định chính trị - xã hội; thoát khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện; thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước lớn hơn nhiều so với trước đây; vị thế, uy tín quốc tế của đất nước không ngừng được nâng lên và bước vào giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thời cơ, thuận lợi lớn và cả những khó khăn, thách thức gay gắt, đan xen. Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế xã hội năm 2011-2020; thực hiện phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ “tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại” mà Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đề ra. Nhiệm vụ đặt ra cho Đảng ta, nhân dân ta trong những năm tới là hết sức to lớn, nặng nề. Để vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra, đòi hỏi sự đồng tâm hợp lực, sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Noi gương đồng chí Võ Chí Công và các bậc cách mạng tiền bối, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tăng cường đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, nhất là tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện đạt hiệu quả thiết thực Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; kiên quyết đấu tranh đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tại Lễ kỷ niệm trọng thể này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, phát huy bản lĩnh, trí tuệ, truyền thống anh hùng và văn hiến Việt Nam, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh thi đua yêu nước, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trên mọi lĩnh vực, tiếp tục giành được những thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi thân ái gửi đến các vị đại biểu, các đồng chí lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các vị khách quý, gia tộc của đồng chí Võ Chí Công, cùng toàn thể đồng chí, đồng bào lời chúc tốt đẹp và những tình cảm thân thiết nhất.

Theo Báo Quân đội nhân dân

.
.
.
.