.
.

Báo cáo của Chính phủ đã đưa ra nhiều con số đáng suy nghĩ

Thứ Năm, 08/11/2012|10:40

Vì sao tỷ lệ các vụ việc khiếu nại, tố cáo (KNTC) tăng cao? Vì sao giải quyết các khiếu nại, tố cáo vẫn qua loa? Các chính sách đất đai vẫn chưa đồng bộ, kịp thời... là các nội dung được các đại biểu thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về KNTC của công dân đối với các quyết định hành chính  về đất đai sáng 7/11.

Đầu phiên thảo luận, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.

Báo cáo giám sát được hình thành trên cơ sở báo cáo của 8 bộ, ngành, 62 UBND cấp tỉnh, 46 đoàn đại biểu Quốc hội.

Theo số liệu tổng hợp của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2003 - 2010, các cơ quan liên quan đã tiếp nhận và xử lý hơn 1,2 triệu đơn khiếu nại, tố cáo, trong đó, bình quân mỗi năm có 69,79% số đơn từ liên quan đến đất đai. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt 84%... Số vụ khiếu nại đúng chiếm xấp xỉ 20%, có đúng có sai chiếm 28%; số vụ tố cáo đúng chiếm 16,2%, có đúng có sai chiếm 29,6%.

Hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều xảy ra các vụ khiếu nại, tố cáo đông người, trong đó có một số vụ đông người nhiều lần kéo đến trụ sở tiếp công dân, các cơ quan ở Trung ương với thái độ rất gay gắt. Các đoàn khiếu nại, tố cáo đông người ngày càng tăng về số lượng.

Tránh lạm dụng quyền thu hồi đất

Tham gia ý kiến, đại biểu (ĐB) Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) nhấn mạnh, Điều 5 Luật Đất đai quy định các quyền của Nhà nước về quyền định giá, quyền thu hồi đất. Tuy nhiên, trong điều kiện hệ thống văn bản chưa hoàn chỉnh, đặc biệt chưa có cơ chế kiểm soát hiệu quả các quyền của Nhà nước về đất đai, dẫn đến hệ quả người dân không có đủ điều kiện đảm bảo các quyền chính đáng về sử dụng đất; không những thế, Nhà nước cũng không thu được lợi ích tương xứng. “Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu nại đất đai.” - ĐB Đinh Thị Phương Lan nói.

Theo ĐB Phương Lan, về định giá đất phù hợp với thị trường quy định theo dự thảo Luật Đất đai, đây là xu thế đúng, tuy nhiên để định giá đúng với thị trường cũng không phải dễ, bởi vì hoạt động quản lý kinh tế tài chính về đất đai chưa hoàn thiện; chưa tổ chức được hệ thống định giá độc lập; thị trường quyền sử dụng đất đang có biến động lớn về việc chuyển mục đích sử dụng đất...Thực trạng trên kết hợp với việc xây dựng khung giá đất chưa phù hợp, dẫn đến hệ quả không chỉ người sử dụng đất phương hại đến lợi ích mà cũng không làm tốt được công tác định giá đất phù hợp cho thị trường.

ĐB Đinh Thị Phương Lan cho rằng, cần từng bước hoàn thiện thị trường bất động sản gắn với thị trường quyền sử dụng đất, hạn chế dần sự chênh lệch giá các loại đất có mục đích sử dụng khác nhau, theo hướng nâng dần giá trị đất nông nghiệp. Khung giá đất nên được dùng để can thiệp với quyết định thu hồi đất công, còn lại để thị trường tự điều tiết.

Liên quan đến việc thu hồi đất, Luật hiện hành quy định việc thu hồi đất vì mục đích kinh tế, trong Dự thảo nâng lên một bước vì mục đích kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, thực tế chưa có sự phân biệt rạch ròi giữa khu vực nhà nước và khu vực công, nên quy định vì mục đích kinh tế- xã hội là khá rộng, dẫn đến việc quy định này an toàn cho Nhà nước, nhưng đối với người dân thì trong một số trường hợp gây phương hại cho người sử dụng đất. Trong thực tế, theo ĐB Phương Lan, đây cũng là nội dung gây nhiều KNTC trong nhân dân.

Vì vậy, theo ĐB Phương Lan, trong quá trình hoàn thiện Luật Đất đai, cần chú trọng nội dung Hiến pháp 1992 quy định: Trong trường hợp thật cần thiết, vì lý do quốc phòng - an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân theo thời giá của thị trường. Theo đó, Nhà nước cần thực hiện đúng chức năng quản lý cung cấp dịch vụ công; trong việc thu hồi đất, Nhà nước chỉ điều chỉnh những quan hệ giao dịch đất trong trường hợp cần bảo vệ nhóm yếu thế hoặc vì lợi ích chung của quốc gia, không nên quá mở rộng quyền hạn của Nhà nước trong thu hồi đất; các chính sách pháp luật cần được hoàn thiện theo hướng xác lập các cơ chế giám sát, kiểm soát việc thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu toàn dân của Nhà nước về đất đai, tránh việc lạm dụng quyền giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là thu hồi đất.

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng chỉ ra, báo cáo của Chính phủ đã đưa ra nhiều con số đáng suy nghĩ, trong đó chỉ rõ có 7 tỉnh có tình trạng chậm triển khai các dự án đầu tư đã được giao đất, cho thuê đất với tỷ lệ cao từ 40% đến 75% diện tích; hoặc có 6 tỉnh, thành phố đã thu hồi đất nhưng chậm triển khai thực hiện từ 800ha- 3000ha. Tình trạng này tồn tại khá phổ biến tại nhiều địa phương. “Khi nhiều hộ dân không có đất sản xuất nhưng hàng ngày, hàng giờ vẫn phải nhìn những diện tích đất bị bỏ hoang thì sao không khỏi đau xót, bức xúc?” - ĐB Nguyễn Thái Học đặt câu hỏi.


Xử lý nghiêm cán bộ làm sai về công tác quản lý đất đai

 

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên).
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên).

 

Theo ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên), về trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu quản lý đất đai, báo cáo giám sát cũng nhận định: Một trong những nguyên nhân phát sinh KNTC do một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức năng lực yếu, hạn chế về kiến thức pháp luật; một bộ phận sa sút phẩm chất đạo đức, tiêu cực, gian lận.

Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Thái Học, trong nhiều báo cáo, khi đề cập đến tồn tại, yếu kém của đội ngũ cán bộ, chúng ta báo cáo thường sử dụng “một bộ phận”, “một bộ phận không nhỏ” được xác định như thế nào? Chỉ có ở cơ sở hay nhiều cấp hay nhiều ngành? Quan hệ giữa một bộ phận cán bộ được nêu ở đây với những tồn tại, hạn chế trong quản lý đất đai thời gian qua ra sao?

Số liệu giám sát cho thấy, năm 2003-2011, thông qua qua giải quyết KNTC đã kiến nghị xử lý hành chính 6.650 người, chuyển cơ quan điều tra 380 vụ, 665 đối tượng. Số liệu này cho thấy số cán bộ làm sai trái, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhưng bao nhiêu cán bộ đã bị xử lý, hình thức xử lý thế nào, nghiêm minh chưa? Số chưa xử lý hay xử lý chưa thỏa đáng là bao nhiêu?...  thì báo cáo giám sát lại không nêu rõ.

ĐB Nguyễn Thái Học đề nghị cần rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu quản lý đất đai ở các cấp, các ngành, từ trình độ chuyên môn nghiệp vụ đến phẩm chất đạo đức; xem xét xử lý hành chính đến hình sự và trách nhiệm bồi thường vật chất đối với quyết định hành chính sai về đất đai, gây thiệt hại về quyền lợi của công dân để có biện pháp khắc phục và cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật trong quản lý sử dụng đất đai.

Về xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, báo cáo giám sát cho rằng, nhiều địa phương chưa làm tốt việc tiếp dân, giải quyết còn thiếu sót, còn tình trạng qua loa, không hết trách nhiệm; nhiều khi nguyện vọng này chưa được đáp ứng.

Đại biểu Nguyễn Thái Học dẫn nguồn tin từ Báo Sài Gòn giải phóng về việc Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải ngày 6/11 trực tiếp giải quyết hai vụ khiếu nại lâu năm, kết quả là người khiếu nại hứa rút lại đơn kiện đã gửi ra tòa và cho biết, hai mươi phút gặp đồng chí Bí thư Thành ủy có tác dụng như 20 năm chạy vạy khiếu kiện của ông và khẳng định, công tác tiếp dân, giải quyết sớm khiếu nại từ cơ sở có ý nghĩa hết sức quan trọng. Theo đó, ĐB Nguyễn Thái Học đề nghị, cần ban hành quy định cán bộ lãnh đạo có nghĩa vụ chủ động tiếp xúc với dân, xem đây là một yêu cầu đổi mới phong cách, lề lối làm việc, đồng thời đổi mới theo hướng tăng cường tiếp xúc đối thoại với những người có liên quan đến KNTC; xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, từ khâu tiếp nhận đến khi giải quyết nhằm đạt kết quả cao nhất, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cũng đồng tình khi cho rằng, để dẫn đến thực trạng này có nguyên nhân là "thái độ vô cảm, bàng quan với bức xúc của dân" của cán bộ hoặc "cố tình bao che vì lợi ích dòng họ, lợi ích nhóm"; việc bồi thường còn để xảy ra sai sót, thiếu công khai, minh bạch; cán bộ cố tình làm sai để sách nhiễu....

Để giải quyết, theo ĐB Hồ Thị Thủy, khi sửa Luật Đất đai cần thống nhất quy định thu hồi phải do Nhà nước thực hiện; kết hợp với các chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ tái định cư.... "Cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu xảy ra vi phạm, tăng đối thoại với dân, tăng hòa giải cơ sở"- ĐB Hồ Thị Thủy nói.

Chính sách văn bản đất đai còn nhiều bất cập

Cũng trong phiên thảo luận, nhiều ĐB đã nêu nhiều bất cập trong chính sách, pháp luật về đất đai. Theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), chưa có lĩnh vực nào mà văn bản nhiều, nhanh lạc hậu như lĩnh vực này.

Chỉ ra sự bất cập trong công tác này, ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cho rằng, sự bất cập giữa các chính sách, pháp luật về đất đai, sự thiếu ổn định của các chính sách và có hiện tượng các văn bản về lĩnh vực này “đá nhau” như chính sách đền bù trước ít, sau nhiều; các cơ quan khác nhau đưa ra cách giải quyết không thống nhất. ĐB Khúc Thị Duyền kiến nghị, khung pháp lý hiện hành phải phân định rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan.

Các đại biểu cũng phân tích, chỉ ra các nguyên nhân lớn dẫn đến thực trạng trên. Đó là, chúng ta chưa đưa ra cơ sở pháp lý cụ thể để áp sát giá thị trường khi thu hồi đất của người dân đang sử dụng. Đặc biệt, theo đại biểu Khúc Thị Duyền, Nhà nước cần quy định thống nhất một giá đền bù đối với đất nông nghiệp, vì “đất nông nghiệp thì ở đâu cũng giống nhau, khả năng tạo ra lợi nhuận không chênh lệch đáng kể”.

Do đó, các đại biểu đề nghị Quốc hội sửa đổi những quy định của Luật Đất đai và các luật khác có nội dung điều chỉnh liên quan đến đất đai một cách đồng bộ./.

Theo Dangcongsan.vn

.
.
.
.