.
.

Chính phủ báo cáo việc thực hiện Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn

Thứ Hai, 12/11/2012|16:01

Sáng 12/11, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo Quốc hội về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo Quốc hội về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo Quốc hội về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3

 

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, Chính phủ đã thực hiện nghiêm túc, kịp thời, quyết liệt Nghị quyết của Quốc hội trong các lĩnh vực lớn như giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giáo dục và đào tạo, tài chính, ngân hàng, tài nguyên và môi trường, kế hoạch và đầu tư, công thương, bảo đảm an ninh trật tự và phòng chống tội phạm.

Kiềm chế hiệu quả TNGT

Trong lĩnh vực GTVT, Chính phủ đã xác định năm 2012 là năm “An toàn giao thông”, ban hành Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ đến năm 2020, sửa đổi và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật mới, ưu tiên nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông, đẩy mạnh tuyên truyền về ATGT…

Ngoài các giải pháp nêu trên, đã tập trung thực hiện một số giải pháp khác chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, giải toả lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, điều chỉnh giờ làm việc, giờ học tập, hiện đại hoá giao thông kết hợp với phân làn, phân luồng giao thông.

Kết quả, trong 10 tháng đầu năm, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) giảm 27,61%, số người chết giảm 16,8%, số người bị thương giảm 27,85% so với cùng kỳ năm 2011. Mặc dù TNGT giảm sâu cả 3 tiêu chí nhưng số vụ TNGT, số người chết và bị thương vẫn ở mức cao, còn xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng. Chính phủ xác định năm 2013 là năm “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thi hành công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”.

Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã được tăng cường đầu tư, phấn đấu đến năm 2015 cả nước có 20% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới; việc áp dụng tiêu chuẩn nhập khẩu hàng hoá nông sản phù hợp với thông lệ quốc tế và quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp, hạn chế chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, hỗ trợ nông dân sản xuất lúa, bảo đảm giữ được 3,812 triệu ha đất lúa.

Phát triển các hình thức hợp tác trong nông nghiệp, liên kết 4 nhà, liên kết vùng, nhân rộng mô hình “cánh đồng mẫu lớn”; tổ chức thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp cho người nông dân; rà soát điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế xã hội gắn với việc ứng phó tác động của biến đổi khí hậu, phòng chống bão lụt, đặc biệt là quy hoạch hệ thống đê biển; thực hiện quản lý rừng và đất rừng; đã xử nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, hỗ trợ chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm và nông dân trồng rừng, bảo vệ rừng.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đã xây dựng đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; về liên kết đào tạo nước ngoài và đào tạo từ xa đã khẩn trương sửa đổi, bổ sung, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong liên kết đào tạo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở đào tạo đại học vi phạm các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo; quản lý chặt chẽ dạy thêm, học thêm; chế độ chính sách với nhà giáo, ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo cho con em đồng bào dân tộc thiểu số và vùng khó khăn…

Thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo quyết liệt theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 (khoá XI), tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở đào tạo không bảo đảm chất lượng, vi phạm các quy định của pháp luật.

Sửa chính sách về giá xăng dầu trong tháng 12/2012

Trong lĩnh vực tài chính, việc thực hiện cơ chế giá thị trường đối điện, than, xăng dầu và việc công khai, minh bạch kết quả sản xuất, kinh doanh, giá thành đối với ngành trên. Riêng đối với giá xăng dầu, Chính phủ sẽ sửa đổi, bổ sung chính sách ngay trong tháng 12/2012.

Việc thoái vốn ngoài ngành kinh doanh chính tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, điện, than đã và đang được thực hiện theo lộ trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Cơ cấu lại thị trường chứng khoán, trái phiếu, bảo hiểm và chống thất thoát ngân sách và lộ trình giảm bội chi ngân sách, tăng cường quản lý nợ công.

Trong lĩnh vực ngân hàng: tiến hành cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu, tập trung chỉ đạo quyết liệt và xử lý ngân hàng yếu kém. Về chính sách tiền tệ đã thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; lãi suất đã giảm; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, ưu tiên vốn cho nông nghiệp, nông thôn; giám sát hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại, kiểm soát cho vay bất động sản, chứng khoán…

Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, công tác quản lý đất đai đã được tập trung chỉ đạo, đã ban hành chính sách quản lý, sử dụng đất trồng lúa, chính sách giá đất trong bồi thường giải phóng mặt bằng đã quy định việc thực hiện bồi thường theo nguyên tắc định giá đất sát giá thị trường. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà lần đầu ở địa phương, bảo đảm cơ bản hoàn thành trong năm 2013.

Tập trung giải quyết các vụ khiếu kiện kéo dài, phức tạp về đất đai, tính đến tháng 10/2012 đã kiểm tra, rà soát và có phương án giải quyết đối với 513/528 vụ việc. Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, khu công nghiệp, lưu vực sông… với việc Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.

Siết chặt quản lý vốn đầu tư công

Trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, đã huy động và sử dụng vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, góp phần quan trọng vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, để khắc phục những tồn tại trong lĩnh vực này, Chính phủ đã ban hành chỉ thị về tăng cường quản lý đầu tư vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, chú trọng các giải pháp quản lý, phê duyệt đầu tư, bố trí vốn đầu tư tập trung, tránh dàn trải, thất thoát, lãng phí, xác định rõ quyền và trách nhiệm của từng cấp trong quyết định đầu tư và phân bổ nguồn lực.

Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, với những định hướng, mục tiêu, giải pháp cho quá trình tái cơ cấu để doanh nghiệp nhà nước hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.

Trong lĩnh vực công thương, đã thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, xử lý hàng tồn kho, phát triển thị trường trong và ngoài nước, tăng tổng cầu của nền kinh tế. Lộ trình thực hiện thị trường cạnh tranh, chống độc quyền, nhất là đối với sản phẩm điện, xăng dầu, than, vật tư nông nghiệp. Rà soát quy hoạch điện và quy hoạch phát triển thuỷ điện, kiểm tra, xử lý bảo đảm an toàn các công trình thuỷ điện, bổ sung các chính sách hỗ trợ cho nhân dân vùng tái định cư các công trình thuỷ điện.

Trong lĩnh vực bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội và phòng chống tội phạm, đã chỉ đạo quyết liệt và mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tập trung điều tra, xử lý các vụ án nghiêm trọng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, các vụ án tham nhũng, buôn bán ma tuý, xâm phạm an ninh quốc gia, chống người thi hành công vụ, tội phạm công nghệ cao.

Tuy vậy, tình hình trật tự an toàn xã hội vẫn diễn biến phức tạp, nhiều loại tội phạm vẫn đe doạ cuộc sống bình yên của nhân dân, xâm hại tài sản Nhà nước… Hệ thống thể chế vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc.

Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả 3 chương trình, mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm, đẩy mạnh phong trào toàn dân phòng, chống tội phạm, tạo chuyển biến tích cực trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Theo Chinhphu.vn

.
.
.
.