Bế mạc hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết TW 6
Chiều 27/12, Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức đã hoàn thành chương trình đề ra sau 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc.
Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận hội nghị. |
Hội nghị đã nghe ý kiến chỉ đạo của ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải truyền đạt Nghị quyết về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh truyền đạt Kết luận về Đề án Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân truyền đạt Nghị quyết về phát triển khoa học và công nghệ.
Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ông Đinh Thế Huynh đã nhấn mạnh thêm một số điểm để tổ chức học tập, quán triệt và thực hiện Nghị quyết một cách hiệu quả, thiết thực.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh đề nghị các đại biểu quán triệt sâu sắc ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh và Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương. Việc học tập, quán triệt và thực hiện Nghị quyết tại địa phương cơ sở phải được tổ chức nghiêm túc, tránh qua loa, hình thức.
Tại địa phương, cơ sở, tại các đảng bộ, cả hai Nghị quyết và ba kết luận của Hội nghị Trung ương 6 đều phải được tổ chức học tập, quán triệt một cách đầy đủ, kỹ càng và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện. Các hội nghị học tập, quán triệt phải thực hiện nghiêm túc, khoa học, có đủ điều kiện phục vụ cho việc học tập. Các báo cáo viên cần được tập huấn trước và phải là người am hiểu về các lĩnh vực mình báo cáo.
Bí thư cấp ủy là người chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng của việc học tập, quán triệt các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, đồng thời cần xây dựng dự thảo kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương để thảo luận trong Hội nghị học tập, quán triệt, để phát huy dân chủ và tập hợp được trí tuệ của đông đảo cán bộ, đảng viên, nắm bắt được những vấn đề thực tiễn đặt ra. Chương trình hành động cần chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo, khoa học và thiết thực. Đặc biệt cần hết sức chú ý đến các giải pháp đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Đối với Nghị quyết về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại , sau hội nghị này, Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung Luật đất đai năm 2003, rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện Nghị quyết và giám sát thực hiện trong phạm vi cả nước.
Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện Nghị quyết một cách đồng bộ, hiệu quả; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết và kịp thời điều chỉnh các chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình. Các bộ, ngành, địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện Nghị quyết.
Về Kết luận “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước”, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội và các cơ quan liên quan chỉ đạo thể chế hóa những nội dung mà Trung ương đã kết luận; tổng kết việc thực hiện Luật doanh nghiệp năm 2005; đề xuất phương án quy định pháp luật phù hợp với doanh nghiệp Nhà nước. Ban Cán sự Đảng Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, làm rõ một số vấn đề có ý kiến khác nhau: mô hình tổ chức thực hiện chức năng chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước…
Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất phương án đổi mới mô hình, tổ chức và hoạt động của tổ chức Đảng và công tác cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước. Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng chương trình hành động thực hiện Kết luận và tổ chức thực hiện.
Về Nghị quyết "Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện Nghị quyết và giám sát thực hiện trên phạm vi cả nước.
Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung các chính sách, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng các chương trình kế hoạch hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện và kịp thời điều chỉnh các chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể, phù hợp với yêu cầu của thực tế. Các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở Nghị quyết xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện Nghị quyết.
Về Kết luận Kết luận về tình hình năm 2012 và kế hoạch năm 2013 về kinh tế-xã hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội căn cứ vào Kết luận này hoàn chỉnh các báo cáo, dự thảo Kế hoạch trình Quốc hội xem xét, quyết định. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần xây dựng chương trình hành động cụ thể thực hiện Kết luận này và Quyết định của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, tài chính, ngân sách năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, tài chính ngân sách năm 2013.
Về Kết luận "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế," Ban cán sự Đảng Chính phủ chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh Đề án để trình Ban Chấp hành Trung ương vào thời gian tới. Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng đoàn, ban cán sự Đảng các bộ, ngành Trung ương xây dựng chương trình hành động và triển khai các nhiệm vụ nêu trong Kết luận.
Ngoài việc xây dựng và thông qua các chương trình hành động, cần chú trọng công tác tuyên truyền về các nghị quyết, Kết luận của Hội nghị trung ương 6 trong nhân dân qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền miệng, bằng hình thức đa dạng, phù hợp. Các cấp ủy Đảng chỉ đạo, phối hợp với các đoàn thể chính trị- xã hội, các tổ chức quần chúng, tổ chức xã hội … tổ chức các hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 6 cho các đoàn viên, hội viên… Công tác kiểm tra, giám sát việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện cũng cần được chú trọng.
Tại Hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh đã trao đổi, làm rõ hơn một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh đề nghị sau Hội nghị này, lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương tích cực quán triệt nội dung Hội nghị Trung ương 6 tới cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, đoàn kết nhất trí, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thành công các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị Trung ương 6, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng./.
Theo Hương Thủy/TTXVN