Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm chính thức Nhật Bản
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lần này sẽ góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản |
Đêm 4/12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các thành viên trong Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã rời Thái Lan để lên đường đi thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Hirata Kenji.
Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 9/1973. Sau năm 1975, hai bên trao đổi Đại sứ quán. Sau một thời gian gián đoạn, từ năm 1992 đến nay, quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước không ngừng được củng cố, phát triển mạnh trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục…
Hàng năm, hai nước đều trao đổi các chuyến thăm chính thức, gặp gỡ của lãnh đạo cấp cao, trong đó có các đoàn quốc hội hai nước. Năm 2002, lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất xây dựng quan hệ Việt Nam-Nhật Bản theo phương châm “đối tác tin cậy, ổn định lâu dài”.
Nhật Bản ủng hộ đường lối đổi mới, mở cửa của Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam hội nhập vào khu vực và thế giới thông qua các tổ chức quốc tế như APEC, WTO, ASEM, ARF; vận động OECD giúp Việt Nam về kỹ thuật… Hai bên ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế quan trọng, trong đó có Liên Hợp Quốc.
Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011). Đến nay, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam (cả về tổng vốn đầu tư và vốn đã giải ngân), đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam.
Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (tháng 12/2004), Hiệp định đối tác kinh tế Việt-Nhật (VJEPA) (tháng 10/2009)... tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.
Về thương mại, năm 2009, do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản chỉ đạt 13,76 tỷ USD, giảm 26,2% so với năm 2008. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại song phương hai nước đã phục hồi ngay trong năm 2010, đạt hơn 16,74 tỷ và đạt mức tăng cao nhất từ trước đến nay trong năm 2011 là hơn 21 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản đạt 10,78 tỷ USD và nhập khẩu đạt 10,40 tỷ USD. Việt Nam trở lại xuất siêu sau 2 năm liên tiếp nhập siêu trong quan hệ thương mại với Nhật Bản. Trong Tuyên bố chung năm 2011, hai bên đặt mục tiêu tăng ít nhất gấp đôi kim ngạch thương mại song phương đến năm 2020.
Kim ngạch thương mại hai nước 9 tháng đầu năm 2012, đạt 18,32 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản đạt gần 9,75 tỷ USD tăng gần 30%; nhập khẩu đạt gần 8,6 tỷ USD tăng gần 14,5% so với cùng kỳ năm 2011. Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là thủy sản, dệt may, dầu thô, cáp điện, than đá, đồ gỗ… Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép các loại; vải các loại; linh kiện ôtô; nguyên liệu dệt, da…
Về đầu tư trực tiếp, tính đến ngày 20/10/2012, Nhật Bản có 1.779 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 29 tỷ USD, đứng 1/96 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. ODA của Nhật Bản chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Từ năm 1992 đến năm 2011, Nhật Bản đã cam kết gần 20 tỷ USD vốn vay ODA cho Việt Nam. Trong năm tài khóa 2011 (kết thúc vào ngày 31/3/2012), mặc dù phải tập trung giải quyết hậu quả động đất, sóng thần, nhưng Nhật Bản vẫn dành cho Việt Nam khoản ODA vốn vay là hơn 208 tỷ yên, tương đương 2,8 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lần này sẽ góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, mở ra hướng phát triển mới trong quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp Việt Nam-Nhật Bản./.
Theo VOV