.
.

Đảng, Nhà nước tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Thứ Tư, 27/02/2013|12:30

 

Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân
Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân

 

Tại buổi làm việc với Ban Tôn giáo Chính phủ, ngày 26/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; bảo đảm cho các tôn giáo hoạt động bình thường trong khuôn khổ pháp luật; coi nhiệm vụ đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, công tác vận động quần chúng trong đồng bào có đạo là hết sức quan trọng.

Hiện nay trên cả nước có 13 tôn giáo với 36 tổ chức tôn giáo và 1 pháp môn tu hành được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động với gần 24 triệu tín đồ (chiếm khoảng 27% dân số cả nước), 83.000 chức sắc, 250.000 chức việc, 46 cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo, 25.000 cơ sở thờ tự, trong đó Phật giáo có khoảng 11 triệu tín đồ, Công giáo gần 7 triệu tín đồ, Cao đài khoảng 2,4 triệu tín đồ, Tin lành hơn 1 triệu tín đồ,…

Công tác tôn giáo cơ bản đạt yêu cầu

Theo thống kê hiện nay có 95% dân số nước ta có đời sống tín ngưỡng. Những người không theo tôn giáo nào nhưng đại đa số họ lại có tín ngưỡng với các tập tục thờ cúng tổ tiên, thờ thần, thờ mẫu, thờ thành hoàng làng, các vị tổ nghề nghiệp, những người có công với quê hương đất nước. Trong đó, có nhiều tín ngưỡng gắn với lễ và hội, mỗi tín ngưỡng, mỗi vùng lại có những lễ hội riêng mang đậm nét văn hóa của từng khu vực.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Phạm Dũng cho biết, tình hình tôn giáo ở nước ta thời gian qua chuyển biến tích cực và ổn định.

Về cơ bản các tổ chức tôn giáo đồng thuận và các hoạt động tôn giáo tuân thủ pháp luật; các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhất là lĩnh vực từ thiện, nhân đạo; các tổ chức tôn giáo mở rộng các hoạt động quốc tế góp phần làm cho thế giới hiểu về Việt Nam, về chính sách đổi mới đối với tôn giáo và chuyển biến đời sống sống tôn giáo ở Việt Nam.

Qua công tác quản lý nhà nước về tôn giáo cho thấy vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo đã cơ bản đạt được yêu cầu.

Tuy nhiên, trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: các văn bản pháp luật, pháp quy về tín ngưỡng và tôn giáo còn thiếu, nhiều quy định chưa theo kịp thực tiễn trong thời kỳ hội nhập quốc tế; tổ chức và cán bộ của hệ thống quản lý nhà nước về tôn giáo còn nhiều bất cập, cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo từ trung ương đến địa phương còn chưa được mạnh cả về công tác tham mưu, công tác quản lý, công tác hướng dẫn; vấn đề tín ngưỡng chưa được giao cho cơ quan nào quản lý, vì vậy hoạt động của hàng nghìn tín ngưỡng ở tất cả các vùng miền, các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam đang phức tạp, không có sự định hướng, hướng dẫn;…

Bên cạnh đó, hiện tượng giảng đạo, truyền đạo trái phép vẫn tiếp tục diễn ra ở một số vùng người dân tộc thiểu số, vùng biên giới; tình trạng chức sắc phong chui, tự nhận tuy có giảm nhưng vẫn tiếp diễn; do vấn đề lợi ích cá nhân hoặc không thống nhất được đường hướng hoạt động trong các hệ phái tôn giáo dẫn đến mâu thuẫn nội bộ của một số tổ chức tôn giáo diễn biến phức tạp, từ đó hình thành các nhóm, hệ phái khác nhau hoạt động nhằm tranh giành tín đồ làm ảnh hưởng không nhỏ tới công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; còn xuất hiện hiện tượng tôn giáo mới (thường gọi là đạo lạ và tà đạo) với các biểu hiện dị đoan…

Bảo đảm các tôn giáo hoạt động bình thường trong khuôn khổ pháp luật

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, đất nước ta là một đất nước đa tôn giáo. Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; bảo đảm cho các tôn giáo hoạt động bình thường trong khuôn khổ pháp luật; coi nhiệm vụ đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, công tác vận động quần chúng trong đồng bào có đạo là hết sức quan trọng.

Đảng, Nhà nước đã đề ra các chủ trương, chính sách hết sức đúng đắn về tôn giáo và những chủ trương, chính sách đúng đắn này đã đem lại những kết quả tốt đẹp, hoạt động tôn giáo ngày càng phát triển tích cực, ổn định; đồng bào có đạo ngày càng tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; bản thân từng tôn giáo cũng hoạt động thuận lợi hơn;…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ban Tôn giáo Chính phủ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, làm tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, trong đó trước hết là làm tốt công tác tham mưu, xây dựng về thể chế, chính sách liên quan đến quản lý nhà nước về tôn giáo, hoạt động tôn giáo. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động tôn giáo. Chú trọng hoạt động tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo…

Bên cạnh đó, cần cảnh giác cao độ trước mọi thủ đoạn, âm mưu lợi dụng tôn giáo để kích động, chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm mất ổn định chính trị-xã hội của các thế lực thù địch.

Ngoài ra, Thủ tướng đặc biệt lưu ý Ban Tôn giáo Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến công tác tổ chức; đào tạo cán bộ quản lý nhà nước về tôn giáo, đảm bảo cho đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo vững vàng về chính trị, hiểu rõ chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn giáo cũng như hiểu về tôn giáo, thực hiện đúng đắn, sáng tạo, nhuần nhuyễn chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước trong thực tiễn.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương cũng đã xem xét và cho ý kiến cụ thể đối với các đề xuất, kiến nghị của Ban Tôn giáo Chính phủ liên quan đến việc xây dựng hệ thống văn bản pháp lý hoàn chỉnh về tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; cơ chế chỉ đạo công tác tôn giáo; tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo các cấp.

* Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói chuyện thân mật với cán bộ, công chức, viên chức Ban Tôn giáo Chính phủ.

Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của những người làm công tác tôn giáo trong năm qua, đóng góp vào sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Khẳng định, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của nhân dân, coi đó là nhu cầu tất yếu trong đời sống tinh thần của nhân dân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ, các cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo cần chăm lo, tạo điều kiện để các tôn giáo được hoạt động bình thường theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cần cảnh giác với âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn các việc làm sai trái, đấu tranh với những hành vi kích động tôn giáo nhằm mất ổn định chính trị, xã hội.

Nhấn mạnh việc làm tốt công tác tôn giáo có ý nghĩa quan trọng đến sự ổn định chính trị của  mỗi quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Ban Tôn giáo Chính phủ trong năm 2013 tiếp tục tập trung vào xây dựng bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo từ trung ương đến địa phương, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo vững vàng về chính trị, hiểu biết rõ về chủ trương, đường lối của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước về tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, từ đó có chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. 

Theo Chinhphu.vn

 

.
.
.
.