.
.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề cao quyền con người

Thứ Ba, 19/02/2013|13:48

 

Theo luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh), việc đề cao quyền con người trong hoạt động tố tụng là một điểm tiến bộ trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Họp báo triển khai thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Họp báo triển khai thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 



Tại Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật, thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh, luật sư Phan Trung Hoài nhận xét, lần đầu tiên trong khoản 3 điều 32 của Dự thảo quy định: “Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa.”

Đây là một quy định mới mang tính chất tiến bộ, thể hiện quan điểm đề cao quyền con người trong hoạt động tố tụng, đồng thời đặt vị thế quan trọng của người bào chữa thực hiện chức năng gỡ tội trong mối quan hệ biện chứng với các chủ thể thực hiện chức năng buộc tội và chức năng xét xử.

Theo luật sư Phan Trung Hoài, quyền được tiếp cận và sử dụng trợ giúp pháp lý của luật sư không nên chỉ giới hạn khi có quyết định bắt người tạm giữ, hoặc khi quyết định khởi tố trong tố tụng vụ án hình sự, mà ngay cả khi người bị tình nghi phạm tội bị triệu tập mời lên cơ quan công an do có đơn tố cáo hoặc có thông tin tố giác tội phạm, họ được quyền mời luật sư tham gia tư vấn, trợ giúp về pháp lý ngay từ đầu. 

Nguyên nhân là do thực trạng hiện nay cơ quan điều tra các cấp thường từ chối sự có mặt của luật sư trong các hoạt động “tiền tố tụng” rất phổ biến, gây ra sự lo lắng và quan ngại cho những người bị triệu tập, bị câu lưu nhưng có đơn “tự nguyện hợp tác với cơ quan điều tra”, bị thu giữ hộ chiếu, hạn chế đi lại… 

Lý do các cơ quan điều tra đưa ra thường là vụ án chưa khởi tố, người bị tình nghi chưa có tư cách là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nên không chấp nhận cho luật sư tham gia. 

Vì vậy luật sư Phan Trung Hoài góp ý, ở điều luật này nên bổ sung “Người bị tình nghi phạm tội, bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa.”

Luật sư Phan Trung Hoài cũng đánh giá, tại khoản 5 điều 108 Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi lần đầu tiên quy định: “Nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm”, ghi nhận này đã đề cao quá trình dân chủ hóa hoạt động tố tụng hình sự và sự bình đẳng trong quá trình giải quyết vụ án. 

Đó cũng là cơ sở nâng cao năng lực, trình độ, trách nhiệm, bản lĩnh nghề nghiệp của từng chủ thể thực hiện chức năng của mình, đáp ứng những đòi hỏi mới của quá trình cải cách tư pháp hình sự. 

Tuy nhiên, để thể chế hóa chủ trương đã được đề cập trong Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị nhằm mở rộng và tăng cường hơn nữa môi trường dân chủ, tính công khai, công bằng của quá trình giải quyết vụ án hình sự, luật sư Phan Trung Hoài cũng đề nghị bổ sung thêm vào dự thảo tại khoản 5, điều 108 là: “Nguyên tắc tranh tụng được bảo đảm. Phán quyết của Tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa”./.

Liên Phương (TTXVN)

.
.
.
.