.
.

Quỹ tín dụng nhân dân phải đồng hành với nông dân

Thứ Sáu, 12/07/2013|08:23

 

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần tập trung phối hợp với các tỉnh, thành phố nhằm tăng độ bao phủ của quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), là chỗ dựa tin cậy, gần gũi để hỗ trợ vốn vay cho hàng triệu hộ nông dân, tạo tiền đề quan trọng chấm dứt tình trạng cho vay nặng lãi, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững ở khu vực nông thôn.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị tổng kết thực hiện Chỉ thị 57/CT-TW ngày 10/10/2000 của Bộ Chính trị về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (giai đoạn 2000-2013).
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị tổng kết thực hiện Chỉ thị 57/CT-TW ngày 10/10/2000 của Bộ Chính trị về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (giai đoạn 2000-2013).

 

 

Đó là một trong những chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị tổng kết thực hiện Chỉ thị 57/CT-TW ngày 10/10/2000 của Bộ Chính trị về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (giai đoạn 2000-2013) do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức ngày 9/7/2013.

Thành tựu bước đầu 

Trong gần 13 năm qua, các hoạt động của hệ thống QTDND ngày càng ổn định, tăng trưởng bền vững, khẳng định chủ trương củng cố, chấn chỉnh, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND là đúng đắn, đáp ứng mục tiêu phát triển loại hình kinh tế hợp tác xã kiểu mới.

Cụ thể, từ năm 2000 đến nay, NHNN chi nhánh tại 56 tỉnh, thành phố có QTDND đã thực hiện tổng kết Chỉ thị 57 trên địa bàn, làm cơ sở cho việc thực hiện tổng kết Chỉ thị 57 trên phạm vi toàn quốc. Mô hình tổ chức hệ thống QTDND được tổ chức theo 2 cấp đã từng bước khắc phục được sự liên kết lỏng lẻo của mô hình 3 cấp trước đó. Công tác điều hòa vốn trong QTDND được cải thiện, linh hoạt hơn do giảm đầu mối trung gian. Khả năng ứng cứu, xử lý các sự cố trong hệ thống ngày càng nhanh nhạy, kịp thời hơn, hỗ trợ khả năng thanh khoản kịp thời cho các QTDND cơ sở trong những trường hợp cần thiết.

Những yếu kém của các QTDND từng bước được khắc phục, công tác quản trị điều hành, công tác đào tạo, chuẩn hoá cán bộ, công nghệ thông tin ngày càng được cải thiện. Quy mô và chất lượng hoạt động của hệ thống QTDND có sự tăng trưởng bền vững; mạng lưới của QTDND Trung ương được mở rộng, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển hỗ trợ các QTDND cơ sở thành viên trong giai đoạn mới.

Hệ thống QTDND ngày càng ổn định, tăng trưởng bền vững, khẳng định chủ trương củng cố, chấn chỉnh, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND là đúng đắn, đáp ứng mục tiêu phát triển loại hình kinh tế hợp tác xã kiểu mới. Đồng thời, chứng minh được uy tín của QTDND đối với cấp ủy, chính quyền địa phương, tạo dựng lòng tin của nhân dân đối với hệ thống các TCTD Việt Nam, cũng như đối với các tổ chức quốc tế.

Định hướng phát triển

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dự lễ ra mắt Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-op Bank)
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dự lễ ra mắt Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-op Bank)

 

 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, Chính phủ đánh giá cao nỗ lực của NHNN, cấp ủy, chính quyền địa phương và các bộ, ngành trong gần 13 năm qua quan tâm hỗ trợ hệ thống QTDND. 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nêu lên 2 hạn chế lớn nhất của QTDND cần phải khắc phục đó là: Tính đặc thù của QTDND phát huy chưa hiệu quả, vì vậy hiệu quả sản xuất kinh doanh từ những đồng vốn vay từ QTDND còn thấp; độ bao phủ của hệ thống QTDND trên cả nước còn hạn chế.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị NHNN khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến Ngân hàng Hợp tác xã và QTDND. Từ đó khuyến khích người dân góp vốn vào QTDND ở cơ sở.

NHNN, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với các địa phương cần tập trung thảo luận: Vì sao bức tranh về QTDND chưa có thay đổi gì lớn, độ phủ của QTDND, số xã, huyện còn trắng QTDND chiếm tỷ lệ đa số (tỷ lệ 11% số xã có QTDND là quá thấp - phóng viên).

Phó Thủ tướng nêu rõ: Nếu phối hợp tốt 3 trụ cột cung cấp vốn ở khu vực nông thôn là Ngân hàng Chính sách xã hội, QTDND và các tổ chức tài chính vi mô thì người nông dân sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn kênh cung cấp vốn phù hợp cho mình. Từ đó, sẽ chấm dứt tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn; xây dựng Ngân hàng Hợp tác xã trở thành đầu mối của hệ thống tín TDND với nhiệm vụ chính là đảm bảo an toàn, hiệu quả cho hoạt động của hệ thống QTDND; xây dựng hệ thống QTDND thành loại hình tài chính độc lập, tự chủ được quản lý chuyên nghiệp, tin học hóa cao và liên kết chặt chẽ với Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam; xây dựng Hiệp hội QTDND thực sự là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng Hợp tác xã và QTDND.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình và lãnh đạo một số bộ, ngành đã dự Lễ ra mắt và đi vào hoạt động của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-op Bank). 

Theo Chinhphu.vn

.
.
.
.