.
.

ĐẢNG BỘ TỔNG CÔNG TY CÔNG NGHIỆP XI MĂNG VIỆT NAM

GIỮ VAI TRÒ ĐỊNH HƯỚNG VÀ ỔN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG XI MĂNG TRONG NƯỚC

Thứ Tư, 07/12/2011|14:25

 

(ĐUKDNTW) - LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO CỦA ĐẢNG ỦY TRONG SẢN XUẤT, KINH DOANH; ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN; ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI VÀ TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG; GIỮ VAI TRÒ ĐỊNH HƯỚNG VÀ ỔN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG XI MĂNG TRONG NƯỚC

 

Đảng bộ Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam trước đây là Đảng bộ cơ quan, trực thuộc Đảng ủy Khối cơ quan Kinh tế Trung ương, Đảng bộ các đơn vị thành viên của Tổng công ty trực thuộc cấp ủy Đảng các địa phương nơi đặt trụ sở của đơn vị.
 
Ngày 02/11/2007, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương có quyết định lập Đảng bộ Công ty mẹ mở rộng Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam trên cơ sở hợp nhất Đảng bộ cơ quan Tổng công ty với 09 Đảng bộ đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty, là Đảng bộ cấp trên cơ sở, trực thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương.
 
Việc thành lập Đảng bộ Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống tổ chức Đảng trong Tổng công ty phù hợp với cơ cấu tổ chức theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con và phù hợp với Điều lệ Đảng, đồng bộ giữa tổ chức Đảng với cơ quan điều hành và các tổ chức chính trị - xã hội trong Tổng công ty. Đảng ủy thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện các lĩnh vực hoạt động trong Tổng công ty, đảm bảo sự thống nhất, hiệu quả, thiết thực đối với công tác sản xuất, kinh doanh; công tác tổ chức, cán bộ; công tác xây dựng đảng và công tác quần chúng trong Tổng công ty. Đảm bảo thực hiện kịp thời, đầy đủ sự chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ đối với một Tổng công ty Nhà nước hạng đặc biệt, tạo điều kiện để Trung ương trực tiếp nắm công tác Đảng, công tác cán bộ và nhiệm vụ chính trị toàn ngành; làm công cụ vật chất quan trọng để Nhà nước điều tiết vĩ mô nền kinh tế quốc dân theo định hướng XHCN.
 
Cơ cấu tổ chức của Đảng bộ Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam đến nay gồm 18 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với tổng số 2.326 đảng viên, trong đó có 01 tổ chức cơ sở đảng được giao quyền cấp trên cơ sở. Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng công ty lần thứ I (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đã bầu Ban Chấp hành gồm 29 đồng chí, Ban thường vụ 09 đồng chí và ủy ban Kiểm tra Đảng ủy 07 đồng chí.
 
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn thử thách, thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh có hiệu quả, hoàn thành vượt mức các mục tiêu kế hoạch nhà nước giao và liên tục tăng trưởng, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước, bảo toàn và phát triển nguồn vốn, góp phần vào sự nghiệp ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đáp ứng nhu cầu xi măng ngày càng cao cho xây dựng cơ bản trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; hàng năm trên chục triệu tấn xi măng và các sản phẩm vật liệu xây dựng của Tổng công ty được đưa tới các địa bàn vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, các công trình trọng điểm của nhà nước và các công trình bảo vệ an ninh, quốc phòng.
 
Đảng ủy lãnh đạo Tổng công ty và các đơn vị thành viên vừa đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, vừa thực hiện bình ổn thị trường, giữ cân đối lớn của Nhà nước đối với mặt hàng xi măng. Trong thời gian qua giá cước phí vận tải, giá nhiên liệu, nguyên liệu và vật tư đầu vào đều tăng cao, cụ thể từ năm 2003 đến nay, giá than tăng gấp 3,65 lần; giá dầu MFO tăng gấp 3,83 lần, trong khi đó giá bán xi măng gần như không tăng, từ năm 2003 đến nay giá xi măng mới tăng 1,25 lần.
 
Đầu năm 2008, kinh tế đất nước có những dấu hiệu lạm phát tăng cao, giá vật tư đầu vào và cước phí vận tải tăng đột biến, xi măng các tỉnh phía Nam đột nhiên trở nên khan hiếm, nguy cơ xảy ra cơn sốt xi măng tại thị trường TP HCM và các tỉnh miền Đông nam bộ. Thực hiện Kết luận số 22 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 02-CT/ĐŒK của Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Đảng ủy Tổng công ty Công nghiệp Xi măng đã chỉ đạo các đơn vị vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ của từng đơn vị, vừa chủ động bằng mọi biện pháp để tiếp ứng kịp thời clinker, xi măng cho các tỉnh phía Nam, các đơn vị phải chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ ổn định giá, đồng thời Tổng công ty điều hành giá bán để bù đắp chi phí sản xuất, nên đã kịp thời làm tăng được nguồn cung cho thị trường. Nhờ những cố gắng đó chỉ sau thời gian ngắn thị trường xi măng đã ổn định trở lại.
 
Từ giữa năm 2008, phải tiếp tục đối phó với cuộc giảm phát, khủng hoảng tài chính thế giới đã tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế trong nước và ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư xây dựng và thị trường xi măng. Đảng ủy Tổng công ty tiếp tục lập Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 30-NQ/CP của Chính phủ, triển khai thực hiện những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội, đến nay đã góp phần cùng cả nước vượt qua cơn khủng hoảng.
 
Từ năm 2003 đến nay các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty liên tục tăng trưởng. Sản lượng xi măng tăng 1,51 lần; vốn nhà nước tăng 2,56 lần; doanh thu tăng 1,98 lần; lợi nhuận tăng 3,67 lần; thu nhập bình quân của người lao động tăng 2,89 lần; đảm bảo thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước.
 
 Lãnh đạo công tác đầu tư phát triển: Thấm nhuần chủ trương phát triển bền vững, đòi hỏi phải kết hợp hài hòa phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Từ năm 2003 đến nay Tổng công ty đã đầu tư 10 dự án cải tạo, mở rộng nâng công suất các nhà máy xi măng hiện có, đầu tư thêm các dây chuyền sản xuất mới và các trạm nghiền xi măng với tổng công suất thiết kế trên 11,6 triệu tấn/năm và tổng số vốn đầu tư trên 22.000 tỷ đồng, nâng năng lực sản xuất của Tổng công ty lên hơn gấp đôi nhiệm kỳ trước. Các dự án đầu tư đều có công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại vượt trội so với các nước trong khu vực, đảm bảo các chỉ tiêu về vệ sinh, môi trường và an toàn lao động. Cùng với việc đầu tư, đổi mới công nghệ, Tổng công ty đã chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật có trình độ làm chủ được những dây chuyền sản xuất tiên tiến; đưa tin học vào hoạt động quản lý nhằm tinh giản bộ máy, nâng cao năng suất lao động. Các dự án đầu tư đều phát huy hiệu quả, giúp Vicem giữ ổn định thị trường, ổn định đời sống, việc làm cho người lao động, tạo điều kiện để thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.
 
Để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Đảng ủy đã chỉ đạo áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; giảm tiêu hao nhiên liệu, giảm chi phí sửa chữa... Trong đó điển hình là dự án chuyển đổi nhiên liệu đốt dầu sang than của nhà máy Xi măng Kiên Lương, đã được đưa vào sử dụng, dự án này tiết kiệm mỗi năm khoảng 200 tỷ đồng; dự án nâng công suất lò nung thêm 10% của nhà máy Xi măng Hoàng Mai. Dự án này thành công và đang được triển khai áp dụng cho các nhà máy khác trong toàn Tổng công ty thì riêng sản lượng tăng thêm do áp dụng tiến bộ kỹ thuật mỗi năm khoảng 1,4 triệu tấn xi măng (làm lợi khoảng 1.200 - 1.300 tỷ đồng/năm).
 
      
Ngoài ra, còn nghiên cứu triển khai một số dự án khác như: Tận dụng nhiệt thừa lò nung của các nhà máy xi măng để chạy máy phát điện; sử dụng phụ gia hợp lý để giảm chi phí sản xuất; rà soát, sắp xếp nhằm giảm chi phí trong các khâu lưu thông, tiêu thụ sản phẩm.
 
Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp một cách tinh gọn, đảm bảo tính hiệu quả cao. Đến nay, Tổng công ty đã thực hiện chuyển đổi 19 đơn vị 100% vốn Nhà nước sang hoạt động theo hình thức Công ty cổ phần, các đơn vị sau khi cổ phần hóa đều phát triển tốt, sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, đảm bảo cổ tức cho các cổ đông, vốn chủ sở hữu được bảo toàn và ngày càng tăng trưởng.
 
Thông qua cổ phần hóa Tổng công ty có thêm vốn để cấu trúc lại các công ty thua lỗ do tiếp nhận từ các địa phương về như: Nhà máy xi măng Hoàng Mai (Nghệ án), Xi măng Hải Vân (TP Đà Nẵng) và từ đó cổ phần hóa tiếp các đơn vị này, đến nay các công ty mới được tiếp nhận về cũng đều hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi.
 
Đảng ủy đã lãnh đạo Tổng công ty xây dựng kế hoạch chiến lược tổng thể từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2050, lãnh đạo toàn Tổng công ty thực hiện theo mục tiêu, định hướng của chiến lược với thông điệp "Một Vicem", xây dựng Vicem trở thành doanh nghiệp có vị trí dẫn đầu trong khu vực vì lợi ích của cổ đông, lợi ích của khách hàng và lợi ích của các thành viên trong Tổng công ty.
 
Lãnh đạo công tác an sinh xã hội, đảm bảo việc làm ổn định cho trên 18.000 lao động với mức thu nhập khá; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể vận động cán bộ, đảng viên, CNV, lao động trong Tổng công ty quyên góp ủng hộ các Quỹ vì người nghèo, Quỹ đền ơn đáp nghĩa; xây dựng công trình phúc lợi, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; ủng hộ nạn nhân chất độc mầu da cam, đồng bào vùng thiên tai bão lũ; thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về hỗ trợ 04 huyện nghèo.... Tổng công ty đã lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, cử 01 đồng chí phó Tổng giám đốc làm trưởng Ban để lập kế hoạch, chuẩn bị ngân sách trên 300 tỷ đồng để thực hiện chương trình này.
 
Đảng ủy đã thực hiện được vai trò lãnh đạo trên tất cả các mặt công tác chính trị tư tưởng, thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác tổ chức cán bộ, và lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội trong Tổng công ty; xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Tổng công ty, kiên định vững vàng vượt qua thử thách, đồng tâm hiệp lực cùng các Tập đoàn, các Tổng công ty, các Ngân hàng trong Khối Doanh nghiệp Trung ương tạo nên sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
 
Để Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam phát triển bền vững, giữ được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Đề nghị Chính phủ, các Bộ, Ngành, địa phương ủng hộ chiến lược phát triển của Vicem, đặc biệt tạo điều kiện để các nhà máy xi măng, vật liệu xây dựng không nung của Vicem có đủ nguyên vật liệu sản xuất ổn định, lâu dài. Chính phủ và Bộ Tài chính ủng hộ đề xuất của Vicem về việc tái cấu trúc Công ty xi măng Tam điệp (tiếp nhận của tỉnh Ninh Bình) để có đủ vốn chuyển thành Công ty TNHH một thành viên.
 
Về qui hoạch phát triển xi măng: Đề nghị Chính phủ, các Bộ, Ngành chỉ cho phép phát triển các dự án lớn, có công suất từ 4.000 tấn/ngày trở lên; chủ đầu tư phải có đủ năng lực tài chính để trả nợ vốn vay đầu tư; dự án phải đảm bảo các chỉ tiêu về môi trường, năng suất, tiết kiệm nhiên liệu và chất lượng sản phẩm. Kiên quyết không cho đầu tư các dự án công suất nhỏ, thiết bị do các nước khác thải ra, tiêu hao nhiều năng lượng và ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường. Ủng hộ chủ trương của Vicem tiếp nhận, quản lý các dự án xi măng do các chủ đầu tư khác đầu tư có vốn Nhà nước chi phối, hiện đang khó khăn về tài chính để trả nợ vốn vay đầu tư. Giúp chi Vicem tăng thêm thị phần, giữ được vai trò đẫn dắt và bình ổn thị trường xi măng theo chỉ đạo của Nhà nước.
 
Lê Văn Chung
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV
Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam
 

 

.
.
.
.