.
.

Chìa khóa để Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam phát triển vững chắc

Chủ Nhật, 04/03/2012|22:18

Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3-1-2012 và Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 17-1-2012 về đẩy mạnh tái cơ cấu, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước rà soát các DN thành viên, đẩy nhanh cổ phần hóa (CPH), thoái vốn tại các ngành, các lĩnh vực không phải là kinh doanh chính, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, đổi mới công nghệ, tiết giảm chi phí để nâng cao hiệu quả.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo đọc diễn văn chính thức công cố hệ thống nhận diện thương hiệu mới Petrolimex
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo đọc diễn văn chính thức công cố hệ thống nhận diện thương hiệu mới Petrolimex

Lấy sản xuất, kinh doanh xăng, dầu làm trục chính

Là một doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vừa hoàn thành cổ phần hóa (CPH), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã và đang khẩn trương xây dựng đề án tái cấu trúc sau CPH trình Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo của Ðảng, Chính phủ, các bộ, ngành và chiến lược dài hạn cũng như đặc thù tổ chức, hoạt động Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã xác định các định hướng lớn trong tái cấu trúc:

Một là, phương án tái cấu trúc tập đoàn phải phù hợp phương án tổng thể của Chính phủ về tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó Petrolimex nằm ở nhóm các DNNN giữ cổ phần chi phối, có quy mô và đóng góp lớn cho ngân sách, đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giữ vai trò bình ổn thị trường trong lĩnh vực cung cấp xăng, dầu và các sản phẩm hóa dầu.

Hai là, xây dựng và phát triển Petrolimex trong cơ chế thị trường định hướng XHCN, có sự cạnh tranh và bình đẳng giữa các DN, bảo đảm mục tiêu hiệu quả kinh tế - xã hội, phát triển bền vững, có tích lũy, gắn tăng trưởng DN với tăng trưởng chung của nền kinh tế, với an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội.

Ba là, Petrolimex sẽ vận hành theo mô hình tập đoàn kinh tế đa sở hữu với công ty mẹ là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam từng bước nâng quy mô, tập trung nguồn lực và tri thức trở thành tổ chức kinh tế mạnh, năng động, có trình độ quản lý, công nghệ hiện đại, lấy kinh doanh xăng, dầu - lọc hóa dầu là trục chính, gắn kết chặt chẽ với các lĩnh vực phụ trợ, có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực và hợp tác bình đẳng với các tập đoàn kinh tế ngoài nước.

Bốn là, xác định nguồn nhân lực và yếu tố con người vừa là động lực vừa là mục tiêu của toàn bộ quá trình phát triển của Petrolimex trong tương lai.

Năm là, khẩn trương áp dụng các hệ thống quản trị tiên tiến, tái cấu trúc cần bảo đảm tính thống nhất trên toàn bộ hệ thống tổ chức và quản lý của Petrolimex.

Sáu là, các lĩnh vực kinh doanh sau tái cấu trúc, trong đó lấy sản xuất, kinh doanh xăng, dầu là trục chính, bao gồm: Sản xuất, kinh doanh xăng, dầu; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hóa dầu, khí hóa lỏng; vận tải xăng dầu; xây lắp các công trình xăng dầu, lọc hóa dầu; dịch vụ xăng, dầu.

Mục tiêu của tái cấu trúc

Hệ thống những quan điểm chiến lược trong tái cấu trúc nói trên là cơ sở quan trọng để xây dựng các mục tiêu phát triển của tập đoàn từ nay đến năm 2015 và các giai đoạn tiếp theo. Các mục tiêu cơ bản cần đạt được sau khi hoàn thành tái cấu trúc gồm:

Một là, chính thức hoạt động theo mô hình tập đoàn đa sở hữu với công ty mẹ và các công ty con, công ty liên kết. Chuyển đổi hình thức sở hữu của công ty mẹ từ công ty nhà nước sang công ty cổ phần để huy động nguồn vốn của xã hội phục vụ đầu tư phát triển. CPH Petrolimex cũng là tiền đề cho việc minh bạch hóa, thị trường hóa hơn nữa hoạt động kinh doanh xăng, dầu.

Hai là, nâng cao hiệu quả hoạt động, hoàn thành tốt hơn vai trò bảo đảm an ninh năng lượng, bình ổn thị trường xăng, dầu, góp phần vào điều tiết các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ba là, đổi mới và áp dụng các hệ thống quản trị DN tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động.

Bốn là, phân bổ lại nguồn lực theo hướng hợp lý hóa, nhất là nguồn lực con người và nguồn lực tài chính.

Năm là, phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực nhằm tối đa hóa lợi ích, tăng cường lợi thế kinh doanh trên thị trường.

Sáu là, tăng cường quản trị rủi ro trên toàn hệ thống.

Ðể hoàn thành các mục tiêu này, dưới góc độ quản trị DN có quy mô lớn, thực tiễn đang đòi hỏi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cần tiến hành cấu trúc lại trên các lĩnh vực cốt yếu của DN. Trước hết là tái cấu trúc chiến lược kinh doanh và định hướng thị trường mục tiêu, bảo đảm duy trì lợi thế trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi và truyền thống của tập đoàn là kinh doanh xăng, dầu. Mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước để kinh doanh có hiệu quả: tăng sản lượng, tăng doanh số với tốc độ cao và kinh doanh có lãi trên cơ sở tiết giảm chi phí (nhất là chi phí lưu thông), từ đó tăng lợi nhuận. Phát triển hệ thống cửa hàng kinh doanh xăng, dầu thứ cấp (các cửa hàng được phát triển bởi các công ty con đa sở hữu) sẽ được thực hiện gắn với khai thác giá trị gia tăng tại các cửa hàng bán lẻ mang thương hiệu Petrolimex. Với các lĩnh vực kinh doanh phụ trợ cho kinh doanh xăng, dầu, cần phát triển có chọn lọc, tập trung vào các lĩnh vực, thị trường mà tập đoàn đang có lợi thế và đạt hiệu quả cao, phấn đấu đạt tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ tối thiểu 15% trong giai đoạn hiện nay.

Xác định rõ chiến lược kinh doanh là cơ sở để tái cấu trúc về mô hình tổ chức và hệ thống quản trị, bắt đầu bằng việc khảo sát, đánh giá mô hình, hiện trạng của tập đoàn về mọi mặt trước CPH, chỉ ra các bất hợp lý, các khiếm khuyết cần khắc phục. Thiết lập mô hình cấu trúc mới gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Công ty mẹ, các tổng công ty, công ty con, các công ty liên kết và cơ cấu tổ chức của Văn phòng tập đoàn. Một số công ty con, công ty liên kết có thể được gộp lại thành nhóm tiến tới sáp nhập để hình thành các tổng công ty chuyên ngành, giảm số đầu mối, phát triển về quy mô để tiết giảm chi phí bình quân, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Sau khi mô hình mới được xác lập sẽ là bước rà soát, sửa đổi để hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định nội bộ trên cơ sở tuân thủ các văn bản pháp quy phù hợp mô hình quản trị mới.

Gắn kết chặt chẽ với mô hình tổ chức là tái cấu trúc nguồn nhân lực. Xây dựng chức năng, nhiệm vụ, định biên các bộ phận để nâng cao năng suất lao động, tối ưu tỷ lệ lao động quản lý, lao động trực tiếp, kiên quyết thực hiện nguyên tắc: tái cấu trúc không kèm theo gia tăng lao động... Ðây là những nội dung sẽ triển khai khi sắp xếp và tổ chức lại lực lượng lao động của Petrolimex.

Tái cấu trúc về tài chính luôn được tập đoàn coi là giải pháp quan trọng, có hiệu quả nhanh trong ngắn hạn và cần phải được định kỳ xem xét, điều chỉnh. Trước hết cần xây dựng phương án tổng thể về cân đối vốn và bảo đảm nguồn vốn cho kinh doanh và đầu tư phát triển đến năm 2015. Trên cơ sở nhu cầu vốn xác định được sẽ lựa chọn các phương án thu xếp thích hợp, trong đó tập trung khai thông nguồn vốn từ các kênh huy động khác nhau, nhất là từ việc CPH. Thoái vốn theo chỉ đạo của Chính phủ, đối với các lĩnh vực kinh doanh có quy mô nhỏ, không có tiềm năng phát triển tập trung nguồn lực tài chính cho các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi phát huy hiệu quả trong trung hạn. Quản lý tốt dòng tiền, tiến độ, hiệu quả các dự án đầu tư, quản lý tài chính ngắn hạn tại các công ty thành viên sẽ góp phần tăng đáng kể vòng quay và hiệu quả của đồng vốn.

Các nội dung tái cấu trúc lớn trên đây được hiện thực bởi các giải pháp cụ thể mà Petrolimex đang khẩn trương triển khai.

Khó khăn, vướng mắc

Một số khó khăn, vướng mắc chủ yếu trong quá trình tái cấu trúc được chia thành hai nhóm, xuất phát từ nội tại DN và môi trường kinh doanh. Không phải các giải pháp tái cấu trúc đều cho hiệu quả tức thì, cho nên quá trình thực hiện luôn có một lực cản rất lớn, từ bên trong DN đối với những thay đổi khi thực hiện tái cấu trúc. Ðiều này đặc biệt đúng với các DN có quy mô kinh doanh toàn quốc như Petrolimex với quán tính rất lớn của cả hệ thống. Tái cấu trúc chắc chắn sẽ ảnh hưởng quyền lợi của một hay nhiều vị trí. Ðể vượt qua lực cản này cần sự quyết liệt và thống nhất ý chí, hành động của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và ban lãnh đạo tập đoàn. Tái cấu trúc cũng có thể làm cho toàn tập đoàn phải đối mặt một số rủi ro như hiệu quả giảm sút trong ngắn hạn, tâm lý người lao động không ổn định, nguồn lực con người bị giới hạn, tiến hành nhiều thay đổi một lúc nhưng nếu không có điểm đột phá sẽ khó kiểm soát được quá trình tái cấu trúc.

Những vướng mắc đến từ môi trường kinh doanh cần phải vượt qua là tình hình kinh tế thế giới, trong nước diễn biến không thuận lợi, giá dầu biến đổi khó lường trước những căng thẳng, xung đột tại các điểm nóng quốc tế và khu vực, các quy định của pháp luật còn chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ hoặc chậm được ban hành, mâu thuẫn giữa vai trò bình ổn thị trường bảo đảm cân đối lớn cho nền kinh tế với yêu cầu bảo đảm hiệu quả kinh doanh và đầu tư phát triển, công tác quản lý thị trường chống gian lận thương mại chưa đạt kết quả như mong muốn, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh.

Tái cấu trúc Petrolimex suy cho cùng là thay đổi tổ chức và cách thức vận hành DN. Ðể thực hiện thành công, sự thay đổi trước hết cần bắt đầu từ những người đứng đầu DN và lan tỏa đến mọi người lao động trong toàn hệ thống. Khách quan, khoa học, gắn với thực tiễn và minh bạch trong xây dựng, triển khai đề án tái cấu trúc là chìa khóa để Petrolimex hiện thực hóa Kết luận Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành T.Ư khóa XI và Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 17-1-2012 của Thủ tướng Chính phủ, đưa Petrolimex tiến từng bước vững chắc thành một tập đoàn kinh tế mạnh, hiệu quả và năng động, đáp ứng kỳ vọng của cổ đông.

TS BÙI NGỌC BẢO

Chủ tịch HÐQT

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam

.
.
.
.