Cần quy định cụ thể trách nhiệm người đứng đầu
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc rất khó, rất phức tạp. Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Đã làm phải làm đến nơi, đến chốn, không được qua loa, hình thức. Toàn Đảng phải có quyết tâm lớn, thống nhất cao và phải dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Trước hết cần xây dựng đội ngũ cán bộ đủ tâm và tầm, trong đó phải xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu. Chấm dứt tình trạng chung chung, không rõ ràng về trách nhiệm. Để xử lý vi phạm được đúng người, đúng tội. Chỉ có như thế đổi mới, chỉnh đốn Đảng mới thành công.
Thực tế thời gian qua, trong nhiều trường hợp, chúng ta được chứng kiến tình trạng trong xét khen thưởng, khi nêu thành tích có tập thể, cá nhân rõ ràng. Nhưng khi có vi phạm, nhất là trong các vụ tham nhũng thì trách nhiệm đó thuộc về cơ chế, tập thể, trách nhiệm của người đứng đầu quá chung chung, mờ nhạt. Một trong những nguyên nhân là do việc thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” không nghiêm, nhân dân chưa hoàn toàn được thực hiện quyền làm chủ của mình. Không phải mọi việc đều “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Do đó Nghị quyết Trung ương 4 khẳng định cần “xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền” là một vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay.
Đầu tháng 3-2012, Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí” và tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Hai thông tin tổng kết nêu ra tại Hội nghị đã gây xôn xao dư luận:
Thứ nhất, trong thời gian gần 5 năm thực hiện Nghị quyết nhiều địa phương không phát hiện vụ án tham nhũng nào.
Thứ hai, cả nước có 625 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm.
Số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý ít không những không đem lại niềm vui cho người dân mà ngược lại, vì nó chưa phản ánh đúng tình hình tham nhũng đang diễn ra. Đó mới là thực trạng đáng lo ngại.Vì đâu có hiện tượng này? Đó có phải là kết quả của việc thực hiện một cách hình thức các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương? Là xử lý “lấy lệ”, là đặt lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm lên trên lợi ích nhân dân, đất nước của một bộ phận cán bộ, đảng viên?
Kết quả xử lý vụ cưỡng chế đất trái pháp luật ở Tiên Lãng, Hải Phòng gần đây là một ví dụ. Chỉ xác định trách nhiệm, xử lý sai phạm người đứng đầu ở cấp huyện là chưa thoả đáng. Tại sao trách nhiệm của lãnh đạo TP. Hải Phòng không được xử lý nghiêm khắc? Xử lý như thế chưa đúng với tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 “nói đi đôi với làm, xử lý dứt điểm một số vụ việc mà dư luận quan tâm”. Việc xử lý người có trách nhiệm trong việc găm hàng chờ giá, trách nhiệm của người để lộ thông tin tăng giá… còn quá chung chung.
Mới đây, trong lần Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo đối thoại trực tiếp với dân, khi trả lời câu hỏi: Vì sao quy định về phụ cấp thâm niên đã quá ngày có hiệu lực nhưng giáo viên vẫn chưa được nhận, trách nhiệm thuộc về ai? Bộ trưởng cho rằng: “do có 4 bộ tham gia ban hành…, một phần do năng lực… nên triển khai chưa được nhanh”. Chẳng lẽ Bộ trưởng Bộ giáo dục- Đào tạo không có trách nhiệm gì?
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc rất khó, rất phức tạp. Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Đã làm phải làm đến nơi, đến chốn, không được qua loa, hình thức. Toàn Đảng phải có quyết tâm lớn, thống nhất cao và phải dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Trước hết cần xây dựng đội ngũ cán bộ đủ tâm và tầm, trong đó phải xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu. Chấm dứt tình trạng chung chung, không rõ ràng về trách nhiệm. Để xử lý vi phạm được đúng người, đúng tội. Chỉ có như thế đổi mới, chỉnh đốn Đảng mới thành công.