.
.

Tái cấu trúc DNNN:Cần tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và QLNN

Thứ Ba, 29/05/2012|22:10

Đây là khẳng định của TS. Trần Tiến Cường, nguyên Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tại Hội thảo “Tái cấu trúc đầu tư công và tái cấu trúc DNNN” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Nhu cầu bức thiết từ thực tế

Khẳng định tái cấu trúc DNNN là nội dung quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế, TS. Trần Tiến Cường nhấn mạnh: Những nỗ lực đổi mới kinh tế nhà nước lâu nay chủ yếu tập trung vào cải cách khu vực các DNNN nhưng hiệu quả của tái cấu trúc DNNN không chỉ phụ thuộc vào đổi mới bản thân DNNN, mà phần rất quan trọng được quyết định bởi năng lực, hiệu quả, tính chuyên nghiệp, thống nhất, đồng bộ của các cơ quan nhà nước trong thực hiện vai trò và chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN.

Tái cấu trúc DNNN dứt khoát cần phải giải quyết nút thắt này. Để làm được điều này, cần tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước để thực hiện chức năng chủ sở hữu có hiệu lực, hiệu quả hơn.

Trên thực tế, phải thừa nhận rằng mặc dù đã có những cải tiến hoặc điều chỉnh nhưng tình trạng phổ biến và kéo dài trong nhiều năm qua là có quá nhiều cơ quan QLNN đồng thời là các chủ thể đại diện chủ sở hữu DNNN và vốn nhà nước tại các DN.

Việc thiếu phân tách cụ thể giữa 2 chức năng này dẫn đến việc không rõ cơ quan nào là đại diện chủ sở hữu, là đầu mối của các cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước; có sự lấn sân từ QLNN sang quản lý của chủ sở hữu DNNN và ngược lại; bộ máy và cán bộ quản lý không chuyên nghiệp, chuyên tâm vào mục đích nhất quán; nhiều văn bản của cơ quan này ban hành, áp dụng đối với DNNN không rõ là thuộc nội dung QLNN hay là thực hiện thẩm quyền đại diện chủ sở hữu DNNN. TS Cường cũng cho rằng không những lẫn lộn vai trò QLNN và quản lý của chủ sở hữu DNNN trong cùng một cơ quan mà còn có sự lấn sân giữa cơ quan QLNN này tham gia chức năng quản lý chủ sở hữu của cơ quan khác...

Việc phân tách chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước và chức năng QLNN của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước sẽ giúp triển khai thực hiện một trong các cam kết gia nhập WTO là Nhà nước phải đối xử với DNNN tương tự như các chủ DN khác đối với DN mình, nghĩa là Nhà nước phải đối xử bình đẳng giữa DNNN và DN ngoài NN. Thực tế cũng đặt ra yêu cầu bức thiết phải tách bạch ngay 2 chức năng này nếu không muốn dẫn đến tình trạng kém hiệu quả, thiếu trách nhiệm trong quản lý DNNN, Tập đoàn kinh tế, TCT nhà nước, từ đó dẫn đến mất vốn, tài sản nhà nước, đầu tư công tràn lan...

10 giải pháp phân tách

Nêu rõ nhu cầu bức thiết phải tách bạch 2 chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước và chức năng QLNN của các cơ quan nhà nước, TS Trần Tiến Cường cũng đưa ra 10 giải pháp mang tính định hướng để thực hiện công việc này.

Giải pháp đầu tiên phải nhắc tới là việc áp dụng cách tiếp cận mới thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tách bạch với chức năng QLNN trong đó phải phân biệt rõ về mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, phương pháp, công cụ quản lý của 2 chức năng này. Các giải pháp khác phải kể tới là tách về tổ chức và bộ máy thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước; Tăng cường giám sát thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước; Tăng cường quyền lực, trách nhiệm của quốc hội trong giám sát thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước; Tăng cường tính minh bạch trong thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước; Thiết lập hệ thống thông tin, dữ liệu về DNNN và xây dựng các căn cứ tạo nền tảng cho việc thực hiện chức năng giám sát của đại diện chủ sở hữu nhà nước; Tăng cường năng lực quản trị của người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu nhà nước và người đại diện vốn...

Ngân Anh

Theo GTVT

.
.
.
.