Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam: Tái cấu trúc để khẳng định vị thế
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) được thành lập theo Quyết định 249/QĐ-TTg, ngày 30-10-2006 của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, VRG vừa hoàn chỉnh đề án tái cấu trúc doanh nghiệp. Tại buổi lễ đón nhận Huân chương Sao Vàng, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng cho ngành cao su Việt Nam, ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn đã công bố nội dung chính trong đề án tái cấu trúc tập đoàn. Ông Thuận cũng khẳng định: VRG quyết tâm thực hiện đề án tái cấu trúc bằng một chiến lược phát triển dài hạn để khẳng định vai trò, vị trí của mình trong nền kinh tế đất nước.
BÀI 1: TẬP ĐOÀN KINH TẾ SỐ 1 CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM QUA NHỮNG CON SỐ
Hiện nay, VRG có 134 đơn vị thành viên, gồm: 22 công ty trồng, chăm sóc và khai thác cao su; 1 công ty dịch vụ hoạt động trong lĩnh vực tài chính; 4 đơn vị sự nghiệp có thu thuộc các lĩnh vực: báo chí, y tế, đào tạo, nghiên cứu; 24 công ty cổ phần do công ty mẹ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; 27 đơn vị do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ; 39 công ty liên kết (công ty mẹ góp dưới 50% vốn điều lệ); 44 đơn vị do các công ty con và cháu góp vốn thành lập.
Công nhân Nông trường Minh Hưng (Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng) trong giờ trút mủ - Ảnh: H.K |
VRG hiện đang quản lý 333.235,9 ha; trong đó: 165.309 ha cao su đang khai thác; diện tích cao su kiến thiết cơ bản có 125.512,5 ha; diện tích cao su tái canh có 10.152,8 ha và diện tích trồng mới là 32.261,6 ha. Trong tổng diện tích kể trên, có 262.627,9 ha ở trong nước và 70.608 ha ở nước ngoài (gồm: 15 dự án ở Campuchia và 9 dự án ở Lào). Theo kế hoạch, cuối năm 2012, một số diện tích thuộc dự án đầu tư ở nước ngoài của tập đoàn sẽ được đưa vào khai thác.
Năm 2011, VRG đạt tổng lợi nhuận (trước thuế) là 11.692,53 tỷ đồng, nộp ngân sách 3.571,9 tỷ đồng. Năm 2011, tiền lương bình quân toàn tập đoàn là 7.722.587 đồng/người/tháng; thu nhập bình quân toàn tập đoàn là 8.904.258 đồng/người/tháng, tăng 27% so với năm 2010. Hiện VRG có 123.473 lao động, trong đó có 24.324 lao động là người dân tộc thiểu số, (chiếm 19,7%). Với kim ngạch xuất khẩu trong năm 2011 đạt hơn 3,2 tỷ USD và nộp ngân sách nhà nước 3.571,9 tỷ đồng, VRG đã vươn lên trở thành tập đoàn kinh tế mạnh nhất trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Năm 2012, VRG đề ra mục tiêu phấn đấu trồng mới 39.848 ha, tái canh 11.055 ha, khai thác đạt 260.500 tấn, tiêu thụ 320 ngàn tấn (trong đó thu mua cao su tiểu điền 40 ngàn tấn) và lợi nhuận trước thuế đạt 9.385 tỷ đồng.
TIẾT GIẢM CHI PHÍ TRONG MỌI HOẠT ĐỘNG
Thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, VRG đã có văn bản yêu cầu các đơn vị thành viên phát động phong trào thi đua tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm đến từng người lao động trong đơn vị và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành sản xuất - kinh doanh năm 2012. Cụ thể là từ tập đoàn đến các đơn vị trực thuộc tiến hành rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư các hạng mục, dự án theo hướng đình hoãn, giãn tiến độ triển khai đối với các danh mục, dự án chưa cấp bách và không làm ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả hoạt động các đơn vị. Chỉ triển khai thực hiện các danh mục, dự án đã rõ hiệu quả và đảm bảo nguồn vốn; đồng thời cắt giảm, sắp xếp lại các dự án đầu tư theo hướng tập trung cho các lĩnh vực kinh doanh chính.
Mặt khác, VRG cũng đã chỉ đạo các đơn vị rà soát lại các định mức kinh tế kỹ thuật, tìm giải pháp tiết giảm các chi phí. Trong công tác quản lý, VRG yêu cầu tập trung thực hiện tiết kiệm, giảm chi phí hợp lý ở các hoạt động: Tổ chức hội nghị, hội thảo, sơ kết, tổng kết, tiếp khách; sử dụng công cụ, dụng cụ, trang thiết bị văn phòng, điện, nước, phương tiện đi lại, chi phí bán hàng và các chi phí khác. Trong sản xuất, các đơn vị phải tính toán sử dụng tiết kiệm vật tư, năng lượng, chi phí vận chuyển, bố trí thật hợp lý lao động...
Theo kế hoạch của VRG, việc cắt giảm chi phí trong năm nay sẽ dựa trên cơ sở giá thành năm 2011. Theo đó, VRG cam kết tiết giảm chi phí tối thiểu 320 tỷ đồng trong năm 2012 (giảm 1 triệu đồng/tấn giá thành sản phẩm bình quân). Việc cắt giảm sẽ được thực hiện qua chi phí vật tư, chi phí bán hàng, chi phí vận chuyển, chi phí quản lý...
Tính đến cuối năm 2011, tập đoàn có 38 dự án đầu tư ngoài lĩnh vực sản xuất chính, trong đó có 27 dự án đang đầu tư, 11 dự án đã đầu tư xong. Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tập đoàn đã cắt giảm 1.200 tỷ đồng đối với các dự án thủy điện tại Lào, Campuchia, Vũng Tàu Intourco, dự án Công ty CP thép Essar Việt Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Công ty EVN Quốc tế, Công ty CP điện Việt Lào, Dự án sản xuất gỗ MDF - Long An...
LỘ TRÌNH THOÁI VỐN ĐẦU TƯ NGOÀI NGÀNH
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, VRG đã hoàn thành đề án với lộ trình và các giải pháp cụ thể là thu hẹp danh mục đầu tư để tập trung nguồn lực cho các công ty thành viên. VRG sẽ thoái 100% vốn ở các công ty mà VRG không chi phối, bao gồm 40 công ty (trong đó các công ty trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán thực hiện trong năm 2012 và 2013). VRG chỉ giữ lại những công ty vì có quan hệ mật thiết đến hoạt động của tập đoàn, gồm: 2 công ty chế biến gỗ ở Hà Tĩnh (phục vụ cho việc tận thu gỗ từ lâm phần do 2 công ty cao su đang quản lý), 1 công ty cảng phục vụ cho các khu công nghiệp; 2 dự án đường BOT ở tỉnh Bình Phước qua vùng cao su trọng điểm của VRG và 1 khoản góp vốn cho công ty cà phê để trồng cao su.
Về lộ trình thực hiện thoái vốn ngoài ngành, theo kế hoạch thì từ năm 2012 đến 2015 VRG sẽ thoái 100% vốn ở 43 công ty; tiến hành sáp nhập 3 công ty vào công ty thành viên; đồng thời thoái một phần vốn ở 12 công ty. Tổng số vốn dự kiến VRG sẽ thu hồi trong giai đoạn này là 2.528 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến 2020, VRG sẽ tiếp tục thoái vốn để giảm vốn VRG tại 8 công ty, với số vốn dự kiến thu hồi 1.743 tỷ đồng.
Để minh bạch trong quá trình thoái vốn, VRG sẽ ưu tiên thoái vốn qua sàn giao dịch chứng khoán. Phương án thoái vốn được VRG thực hiện như sau: Đối với các quỹ đầu tư, toàn bộ là các quỹ đóng, sẽ đáo hạn trong năm 2012-1013 thì VRG sẽ rút vốn và không tiếp tục tham gia. Đối với lượng vốn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, VRG thực hiện giao dịch trên sàn chứng khoán nên việc thoái vốn thuận lợi và đảm bảo được hiệu quả sử dụng vốn.
Thanh Hải
(Bài 2: Chiến lược phát triển bền vững )
Báo Bình Phước điện tử