.
.

Tái cấu trúc doanh nghiệp nhìn từ góc độ chuyên nghiệp hóa

Thứ Hai, 14/05/2012|10:25

Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp mở ra khá nhiều ngành nghề, dịch vụ khác nhau. Từ sản xuất hàng hóa cho đến các sản phẩm dịch vụ khách sạn, du lịch, kinh doanh thương mại… Nhưng không phải đơn vị nào cũng mang lại hiệu quả. Trái lại, có những đơn vị phải bù lỗ từ những sản phẩm chính. Câu chuyện về chuyên nghiệp hóa trong sản xuất kinh doanh xem ra cần phải xem xét kỹ hơn.

Sản xuất dầu nhờn tại Công ty vật tư vận tải và xếp dỡ
Sản xuất dầu nhờn tại Công ty vật tư vận tải và xếp dỡ

 

Năm 1999, Ngành Than bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, than không bán được, công nhân thiếu việc làm, đời sống bấp bênh. Lãnh đạo Tập đoàn thành lập Công ty May Bái Tử Long với kỳ vọng giải quyết được phần lớn lao động nữ là công nhân các đơn vị. Đi vào hoạt động không lâu, Nhà máy làm ăn thua lỗ và phải nhượng lại cho một đơn vị khác ngoài Ngành quản lý vận hành. Và họ vẫn làm từ đó đến nay. Có thể khẳng định đó là một ý tưởng hay, một hướng đi đúng trong chiến lược đa ngành của mình. Nhưng có lẽ cái không thành công là ở chỗ ta đưa những chị em là những công nhân lâu nay chỉ biết làm than, lao động thủ công ra đào tạo nhanh để làm may. May quần áo bảo hộ cho công nhân thì chỉ một thời gian ngắn đã hết việc. Còn cạnh tranh với những công ty may lớn thì không đủ sức. Ngay cả cho đến bây giờ, ngành dệt may nhiều khi vẫn còn điêu đứng trong thị trường.

Câu chuyện này cũng giống như kịch bản của ngành Cơ khí. Cùng thời kỳ đó, khi cơ cấu lại ngành cơ khí, người ta đưa các đơn vị cơ khí ra khỏi Ngành Than về với ngành cơ khí năng lượng. Chỉ không lâu sau đó, các đơn vị cơ khí này rơi vào tình trạng khó khăn khốc liệt. Việc làm không có, công nhân phải ra đường chạy xe ôm, chạy chợ, đi biển… kiếm sống. Cuộc sống của hàng vạn người bị ảnh hưởng khiến Trung Ương phải về xem xét tình hình và lại quyết định đưa các đơn vị này về với Ngành Than. Quả là như vậy, cũng không lâu sau, đời sống của công nhân cơ khí ổn định trở lại. Người viết bài này cũng đã có bài viết khẳng định Cơ khí của ta phải là Cơ khí Mỏ. Nếu bỏ chữ Mỏ ra họ không thể cạnh tranh được. Bởi hầu hết các nhà máy cơ khí tại vùng mỏ trước đây đều do Liên Xô giúp xây dựng và lắp đặt thiết bị. Các loại thiết bị này chủ yếu gia công các chi tiết phục vụ sửa chữa xe máy, thiết bị mỏ. Nay nếu cạnh tranh ra ngoài cần phải thay đổi quá nhiều từ máy móc thiết bị tư bản cũng như đào tạo kỹ sư thiết kế, công nhân lành nghề…

Gần đây, nhiều Công ty cũng xin đầu tư và xây dựng những khách sạn cao tầng tại các khu nghỉ mát. Nhưng rốt cuộc, đa phần các khách sạn này đều phải bù lỗ. Có lần đến khách sạn của một Công ty than nằm trong một khu nghỉ mát khá đẹp ở Quảng Ninh. Tôi thấy nhiều người trước đây là những người làm than tại mỏ chuyển đến làm việc. Có người chuẩn bị về hưu, hoặc ở Công ty không có chỗ bố trí được đưa ra làm cán bộ quản lý. Nhân viên buồng, bàn, lễ tân, nhà ăn… là những người làm than hoặc diện ưu tiên gia đình khó khăn… ra làm việc. Đây cũng phải nói đến những ưu điểm là giải quyết được khá nhiều công ăn việc làm cho công nhân mỏ, hay con em công nhân cán bộ trong mỏ. Tuy nhiên, việc quan trọng hơn là cả đống tiền được đầu tư ra rồi phải bù lỗ như vậy khó có thể chấp nhận trong thời buổi kinh tế thị trường. Dù là nguồn tiền phúc lợi hay tiền đầu tư đi chăng nữa thì suy cho cùng cũng là do người lao động làm ra, cần phải được trân trọng. Cũng có không ít đơn vị từ đó mở thêm ngành nghề dịch vụ du lịch lữ hành, cung ứng vật tư thiết bị…

Từ những câu chuyện trên, thiết nghĩ, trong nền kinh tế thị trường, để đưa ra một sản phẩm dịch vụ nào đó, người ta phải trải qua rất nhiều khâu quan trọng như: nghiên cứu thị trường, khảo sát công nghệ, đào tạo nhân lực, cho đến quảng bá thương hiệu, tiếp thị v.v. Đó là cả một quá trình cần xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng và cao hơn là tính chuyên nghiệp nếu không nói là một nghệ thuật. Không thể đầu tư theo kiểu phong trào rồi lỗ thì lấy chỗ khác bù vào.

Những câu chuyện trên đây là những ví dụ cụ thể. Về cơ khí Mỏ, nếu các đơn vị tập trung sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị xe máy cho các đơn vị mỏ, hoặc tập trung vào nghiên cứu các loại máy móc thiết bị, vật tư phù hợp cho các Mỏ của ta… sẽ có hiệu quả. Chẳng hạn, việc sửa chữa, bảo dưỡng ô tô xe máy, sản xuất các thiết bị đèn lò, ắc quy… Cơ khí ô tô Uông Bí làm rất tốt. Các sản phẩm cột chống thủy lực, giàn chống do Công ty Cổ phần Chế tạo máy làm ra rõ ràng mang lại hiệu quả hơn nhập ngoại. Dầu nhờn 12-11 của Công ty Vật tư Vận tải Xếp dỡ đâu có kém các loại dầu nhớt khác? Nhưng nếu ra ngoài để làm cơ khí dân dụng thì không trụ nổi. Những người làm than đưa ra làm may mặc hay làm du lịch cần phải có một quá trình. Một thợ may lành nghề cần phải có bàn tay khéo léo và nhiều năm kinh nghiệm. Một người làm du lịch cần được chọn lọc và đào tạo bài bản nhiều năm…

Đó là sự chuyên nghiệp. Tái cấu trúc doanh nghiệp cũng cần phải xem xét từ tính chuyên nghiệp của mỗi ngành nghề để từ đó đưa ra những quyết định hợp lý. Không làm mất việc của người lao động, nhưng bố trí hợp lý với khả năng và trình độ của họ sẽ giúp họ phát huy được khả năng của mình để cống hiến nhiều hơn. Doanh nghiệp chuyên nghiệp hóa cũng sẽ dễ dàng tạo dựng được thương hiệu hơn, từ đó mang lại hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Hiệu quả sản xuất kinh doanh, đó là cái đích cuối cùng của mỗi doanh nghiệp.
 
.
.
.
.