.
.

Đẩy mạnh hợp tác khai thác dầu khí ở nước ngoài

Thứ Tư, 02/05/2012|23:09

Dầu khí là nguồn tài nguyên quý hiếm có hạn và không thể tái tạo, đồng thời cũng là nguồn năng lượng và nhiên liệu quan trọng cho cuộc sống và cho phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí ở trong nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang tăng cường hợp tác khai thác dầu khí tại nước ngoài.

Trữ lượng dầu mỏ trong nước đang cạn dần

Các chuyên gia dầu khí cho biết, trữ lượng dầu mỏ của Việt Nam đang cạn dần. Mỏ dầu lớn nhất, là nguồn cung cấp dầu chủ yếu cho đất nước là mỏ Bạch Hổ có trữ lượng khoảng 300 triệu tấn, sau hơn 25 năm khai thác nay đã sắp cạn (Bạch Hổ được khai thác thương mại từ giữa năm 1986 và mỗi ngày Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro khai thác được từ mỏ này 38.000 tấn dầu thô, chiếm đến 80% tổng sản lượng dầu thô của Việt Nam).

Theo tính toán của các chuyên gia PVN, nếu trong vài năm tới, Việt Nam không tìm được mỏ dầu nào có trữ lượng đủ lớn để thay thế mỏ Bạch Hổ sắp cạn thì chương trình an ninh năng lượng quốc gia sẽ bị ảnh hưởng và ngân sách nhà nước sẽ có nguy cơ sụt giảm. Ý thức được điều này nên những năm qua, ngành dầu khí đã nỗ lực đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò, qua đó đã phát hiện và đưa vào khai thác các mỏ dầu như: Đại Hùng, Rạng Đông, Hồng Ngọc, Sư Tử Đen. Tuy nhiên các mỏ dầu này đều có trữ lượng nhỏ (mỏ dầu lớn nhất trong số các mỏ mới phát hiện là mỏ Sư Tử Đen với trữ lượng khoảng 100 triệu tấn, cũng mới chỉ bằng 1/3 mỏ Bạch Hổ). Điều đó cho thấy, khả năng nguồn dầu mỏ trong nước đủ sức thay thế mỏ Bạch Hổ là rất khó.

Phát biểu tại hội nghị với các tham tán, đại sứ mới đây, Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Quốc Thập nhấn mạnh: Dầu khí là nguồn tài nguyên quý hiếm có hạn và không thể tái tạo, đồng thời cũng là nguồn năng lượng và nhiên liệu quan trọng cho cuộc sống và phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí ở trong nước, PVN đang tăng cường hợp tác khai thác dầu khí tại nước ngoài, góp phần thiết thực đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Với vai trò chủ đạo và trụ cột kinh tế nước nhà trong quá trình phát triển đất nước, PVN luôn đi trước, xác định là tập đoàn tiên phong trong hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Từ năm 2010 đến nay, PVN đã tổ chức thành công các chương trình xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản (6-2010), tại Hàn Quốc (11-2010), tại Hoa Kỳ (tháng 6-2011) và thời gian tới sẽ tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư tại một số địa bàn tiềm năng châu Âu.

Cũng theo Phó Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Thập, PVN đang hoạt động ở 18 quốc gia và vùng lãnh thổ và hợp tác thực hiện 25 dự án dầu khí. PVN xác định đầu tư có trọng điểm vào những khu vực có tiềm năng dầu khí cao và có quan hệ chính trị tốt, đồng thời đa dạng hóa hình thức đầu tư với các công ty dầu khí lớn vừa để tránh rủi ro, vừa để học tập, hội nhập quốc tế. Theo đó, địa bàn Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ là môi trường mà ngành dầu khí có rất nhiều thuận lợi. Vì vậy trong hoạt động đầu tư dầu khí ra nước ngoài, Nga và các nước Liên Xô cũ luôn được PVN ưu tiên số một. Địa bàn quan trọng thứ hai là khu vực Đông Nam Á, hiện tại PVN hợp tác với Indonesia và Malaysia. Khu vực thứ ba là Venezuela và Mỹ La tinh, khu vực này có chính sách thu hút đầu tư vào dầu khí rất cởi mở. Địa bàn thứ tư và thứ năm là Trung Đông và Bắc Phi cũng được PVN quan tâm, tuy nhiên khu vực này gặp nhiều khó khăn do thường có diễn biến bất ổn về chính trị, quân sự, nên các hoạt động đầu tư dầu khí cũng gặp nhiều trở ngại.

Những dòng dầu đầu tiên từ Nga, Venezuela

Sự nỗ lực phấn đấu trong quá trình hợp tác khai thác dầu khí ở nước ngoài của PVN bước đầu đã đem lại nhiều kết quả tốt đẹp. Theo đó, vào ngày 30-9-2011, PVN và Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Nga - Việt Rusvietpetro đã đón mừng dòng dầu công nghiệp đầu tiên được khai thác trên lãnh thổ Nga tại thành phố Narian Mar - thủ phủ Khu tự trị Nhenhetsky thuộc Nga.

Sau dòng dầu thương mại đầu tiên thu được từ dự án đầu tư tại nước ngoài ở Nhenhetsky, mới đây, ngày 19-4-2012, PVN cũng đã chính thức khai thác tiếp mỏ dầu đầu tiên tại Venezuela. Sự kiện này là kết quả của hơn 4 năm đàm phán, chuẩn bị, triển khai thực hiện. Theo đó, từ giữa năm 2008, trong kỳ họp Ủy ban Liên chính phủ tại Caracas, hai bên đã cam kết trong lĩnh vực năng lượng: “Tăng cường các dự án liên doanh xây dựng các nhà máy lọc dầu ở VN, cung cấp dầu nhiên liệu từ Venezuela sang VN, thành lập một công ty liên doanh vận tải dầu khí và các sản phẩm dầu mỏ, các dự án thẩm định trữ lượng dầu mỏ tại lô Junin 2 thuộc vành đai dầu Oricono cũng như các hoạt động thăm dò dầu nặng trong khu vực hồ Maracaibo…”.

Ngày 29-6-2010, hợp đồng thành lập và quản lý công ty liên doanh Petromacareo đã được ký trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Venezuela. Ngày 14-4-2011, Công ty Dầu Quốc gia Venezuela và PVN đã ký thỏa thuận mở rộng nghiên cứu vùng lòng hồ Maracaibo. Thỏa thuận các công ty Dịch vụ Dầu khí Việt Nam tham gia cung cấp dịch vụ kỹ thuật tại lô Junin 2, cùng nhiều thỏa thuận, nguyên tắc khác.

Lô Junin 2 là mỏ dầu có trữ lượng lớn tới hơn 31 tỷ thùng dầu nằm cách thủ đô Caracas của Venezuela hơn 800km, có diện tích 247,7km², nằm trên vành đai dầu mỏ khí đốt Oricono. Vành đai này có trữ lượng lớn thứ nhì thế giới, và lô Junin 2 có trữ lượng lớn nhất. Tổng Giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu cho biết, dự kiến sang năm 2013, mỗi ngày giàn PDV-39 sẽ cho sản lượng 7.000 thùng dầu siêu nặng. Còn toàn lô Junin 2 sẽ cho sản lượng khoảng 200.000 thùng/ngày và phía PVN được hưởng 40% trong số đó, theo tỷ lệ góp vốn. Việc khai thác được dầu tại lô Junin 2 sẽ góp phần đảm bảo được an ninh năng lượng cho VN ít nhất trong vòng 25 năm nữa.

 

Nguyễn Thu Tuyết

(Theo SGGP)

.
.
.
.