Chỉ thị cải thiện môi trường đầu tư đã thực hiện đến đâu?
Tháng 9/2011, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bắt đầu sụt giảm, với sự tham mưu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị 1617/CT-Ttg về việc tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư.
Văn bản này khi đó được kỳ vọng sẽ là "cú hích" để các bộ ngành cùng xắn tay cải thiện môi trường đầu tư, qua đó khôi phục niềm tin của giới đầu tư quốc tế.
Tuy nhiên, sau gần một năm chỉ thị được ban hành, hàng loạt công việc quan trọng liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư chưa được các bộ ngành thực hiện nghiêm chỉnh theo yêu cầu của Thủ tướng.
Cụ thể, theo phân công công việc trong chỉ thị này, đến hết quý 2/2012, một loạt văn bản quan trọng cần được ban hành để làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư mới cũng như chấn chỉnh, khắc phục những yếu kém hiện hành của lĩnh vực đầu tư nước ngoài.
Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các công việc chính được giao bao gồm: xây dựng đề án định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư nước ngoài giai đoạn 2011 - 2020, trong đó đề xuất cụ thể định hướng chính sách ưu đãi đầu tư theo lĩnh vực và địa bàn đầu tư, hoàn thành trong quý 2/2012; xây dựng đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác quy hoạch, hoàn thành trong quý 1/2012; xây dựng đề án ngăn ngừa và hạn chế tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn FDI, hoàn thành trong quý 4/2011; ban hành cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài, hoàn thành trong quý 2/2012.
Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng đề án nâng cao chất lượng đầu tư, hiệu quả quản lý nhà nước và định hướng đầu tư nước ngoài trong các ngành công nghiệp hỗ trợ, điện, thương mại giai đoạn 2011 - 2020, xây dựng đề án tăng cường quản lý nhà nước đối với việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hoàn thành trong tháng 5/2012.
Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ đề xuất các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư thay thế các biện pháp phải loại bỏ theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, trong khi Ngân hàng Nhà nước được giao chủ trì xây dựng đề án nâng cao hiệu quả quản lý dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Tương tự, các bộ ngành khác cũng được giao các công việc rất quan trọng theo lĩnh vực của mình, chẳng hạn Bộ Xây dựng được yêu cầu xây dựng đề án nâng cao chất lượng đầu tư, hiệu quả quản lý nhà nước và định hướng đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản giai đoạn 2011 - 2020; Bộ Tài nguyên và Môi trường phải chủ trì xây dựng đề án nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, môi trường và sử dụng tài nguyên, khoáng sản của dự án đầu tư nước ngoài; Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng đề án nâng cao hiệu quả chuyển giao công nghệ của dự án có vốn đầu tư nước ngoài; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của khu vực đầu tư nước ngoài giai đoạn 2011 - 2020; Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo giai đoạn 2011 - 2020; Bộ Y tế chủ trì đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước và định hướng đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực y tế giai đoạn 2011 - 2020; Bộ Giao thông vận tải chủ trì xây dựng đề án thu hút đầu tư nước ngoài trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2011 - 2020; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng đề án tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp giai đoạn 2011 - 2020...
Tất cả các đề án này đều được yêu cầu hoàn thành trong tháng 5/2012.
Về phía các UBND các tỉnh thành phố, khối lượng công việc được giao cũng rất lớn và đều phải hoàn thành trong năm 2012, bao gồm hoàn thiện và ban hành cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc thẩm tra, cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư nước ngoài ở địa phương, hoàn thành trong quý 1/2012; chủ trì rà soát quy hoạch và công bố định hướng đầu tư nước ngoài theo địa phương/vùng lãnh thổ giai đoạn 2011 - 2020, hoàn thành trong năm 2012; chủ trì ban hành quy định về suất đầu tư tối thiểu/ha đối với các dự án đầu tư có yêu cầu sử dụng diện tích đất lớn, đặc biệt là đất nông nghiệp chuyên trồng lúa.
Chỉ thị là vậy, song theo ghi nhận của VnEconomy, đa số các công việc này chưa được hoàn tất cho đến thời điểm 15/8.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tư cách là đơn vị chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện chỉ thị này, cũng chưa nắm được cụ thể tình hình triển khai công việc tại bộ ngành khác như thế nào.
Đáng chú ý là chỉ thị đã giao các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố phải "chịu trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện với Thủ tướng Chính phủ theo đúng tiến độ", nhưng trong thời gian qua, khá nhiều bộ đã có văn bản xin hoãn tiến độ vì không thể tổng hợp kịp thời số liệu để báo cáo.
Trao đổi với VnEconomy, một chuyên gia về FDI nói tình trạng các cơ quan nhà nước không hoàn tất công việc đúng tiến độ là chuyện đã xảy ra từ nhiều năm nay và đó là lý do khiến nhiều nhà đầu tư có thái độ lo lắng và thiếu tin tưởng.
"Lấy ví dụ một nhà đầu tư quan tâm vào một lĩnh vực nào đó, nếu "thật thà" họ sẽ ngồi đợi xem chính sách mới sẽ được ban hành như thế nào. Nhưng vì chúng ta cứ lần lữa, họ sẽ nghĩ rằng chúng ta không định ban hành chính sách đó", ông phân tích, nhấn mạnh rằng vấn đề là Việt Nam thiếu một cơ chế giải trình đầy đủ.
"Chỉ thị giao cho các bộ thực hiện các công việc với thời hạn cụ thể, nhưng lại không thấy nói là nếu không hoàn thành thì sẽ thế nào, trách nhiệm của ông bộ trưởng đến đâu, nhất là trong bối cảnh phần lớn các bộ trưởng đều đang ở trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ", ông nói thêm.
Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam