Công nghiệp titan đang vướng đủ bề
Tại Việt Nam, titan là một trong những nguồn khoáng sản có trữ lượng lớn. Theo dự báo và các thống kê sơ bộ, trữ lượng titan tại Việt Nam ở vào khoảng 658 triệu tấn. Ở thời điểm hiện tại, đã có 38 đơn vị thành viên trong Hiệp hội titan Việt Nam đang tiến hành khai thác, chế biến titan tại 89 mỏ và điểm quặng trong cả nước.
Tuy nhiên, ông Lê Văn Lịch, Chủ tịch Hiệp hội titan Việt Nam cho biết, thời gian vừa qua, với chủ trương cấm xuất khẩu một số loại quặng thô nói chung và quặng tinh Ilmenite nói riêng để tập trung làm nguyên liệu cho chế biến sâu đã gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành công nghiệp này.
“Chủ trương trên của chính phủ là đúng đắn, tuy nhiên việc xuất khẩu titan chỉ được giải quyết trong từng năm, riêng trong năm 2012 chỉ được xuất khẩu trong thời gian ngắn nên hầu hết các khách hàng nước ngoài đã chuyển sang thị trường khác hoặc ép giá, ép giảm khối lượng… Việc này đã làm cho các doanh nghiệp rơi vào khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản và nhà nước cũng thất thu ngân sách. Cùng với đó là hàng loạt các bất cập trong chính sách cho thuê đất, thuế, phí,… cũng gây ra những trở ngại không nhỏ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp” – Ông Lê Văn Lịch bày tỏ.
Dây chuyền tuyển quặng titan tại Thái Nguyên |
Gia hạn xuất khẩu cứu nguy doanh nghiệp
Ông Nguyễn Văn Tống, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần khoáng sản Bình Định (BIMICO) trăn trở, việc tồn kho titan xuất khẩu lớn đang đẩy nhiều doanh nghiệp vào bờ vực phá sản.
“Cần phải ngăn chặn việc xuất lậu quặng titan thô ra nước ngoài trá hình bằng cách bán cho các đơn vị trung gian, hoặc tránh tình trạng tỉnh này cấm còn tỉnh kia lại cho phép” – Ông Tống bức xúc.
Ông Đặng Xuân Huề, Tổng Giám đốc công ty xuất nhập khẩu Quảng Bình chia sẻ, công ty đã bỏ ra 40 tỷ đồng đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất xỉ titan, nghiền Zizcon siêu mịn, nhưng đến nay nhà máy đang phải “đắp chiếu” do không có nguyên liệu để sản xuất vì chưa được cấp mỏ khai thác.
“Do không được tiếp tục xuất khẩu quặng titan nên lượng quặng tồn kho ngày càng nhiêu. Hệ lụy là doanh nghiệp ứ đọng vốn trong khi lãi suất ngân hàng vẫn phải trả, hàng nghìn người lao động đang mất việc làm. Trong thời gian tới nếu không có giải pháp kịp thời, chuyện doanh nghiệp khai tử là hoàn toàn có thể xảy ra”- ông Huề khẳng định.
Định chế mới về tài chính, thuế suất
Tồn kho lớn do chính sách hạn chế xuất khẩu titan thô của Chính phủ, bên cạnh đó, thuế xuất khẩu cao, công nghệ chậm thay đổi khiến nhiều doanh nghiệp phải chống đỡ vất vả để duy trì sản xuất.
Ông Ngô Quốc Hội - Giám đốc Công ty Cổ phần khoáng sản An Khánh (Thái Nguyên) cho hay, tính đến thời điểm hiện tại, tinh quặng titan của công ty còn tồn khi trên 200.000 tấn. Tuy nhiên để duy trì và giữ chân người lao động, các doanh nghiệp vẫn phải sản xuất dẫn đến tình trạng titan tồn kho ngày càng lớn.
“Bộ Công thương nên trình Chính phủ tiếp tục cho phép xuất khẩu tinh quặng titan đến hết năm 2013. Đồng thời Chính phủ cần bổ sung quy hoạch chế biến sâu titan theo hướng mở mang tính định hướng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ không có tích lũy với mức thuế suất 30% thuế xuất khẩu tinh quặng titan, thuế suất đối với các sản phẩm chế biến sâu 10%, trong khi đó toàn bộ thuế VAT đầu vào không được hoàn và bù trừ thuế” – Ông Hội kiến nghị.
Có chung vướng mắc về cơ chế tài chính, ông Dương Tất Thắng - Tổng Giám đốc Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (MITRACO) cho rằng, đang có thực tế thuế chồng lên thuế bởi doanh nghiệp phải chịu thuế suất từ các khoản chi phí về môi trường, tài nguyên, vận chuyển, bốc xúc…
Xem xét cấp phép và chú trọng chế biến sâu
Trước những khó khăn kể trên, Hiệp hội titan Việt Nam kêu gọi các đơn vị thành viên cần đẩy mạnh việc phát triển theo hướng liên kết, hợp tác chặc chẽ trong vùng, sản phẩm của đơn vị này là nguyên liệu sản xuất cho đơn vị khác nhằm khuyến khích sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.
Với chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp khai thác cũng như xuất khẩu khoáng sản, ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công Thương khẳng định, hiện Bộ Công thương đang trình Chính phủ xem xét để cho xuất khẩu một số lượng khoáng sản còn tồn kho cao, trong đó có titan, nhưng hạn cuối cùng cũng chỉ đến hết năm 2012 nhằm giải quyết bớt những tồn tại từ trước để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Cũng theo ông Quân, Bộ Công thương đang tính toán, phân loại cụ thể từng loại khoáng sản và có đánh giá tổng thể để giúp cho việc sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản có hiệu quả hơn.
“Sắp tới, Chính phủ sẽ có phiên họp với các Bộ, ngành có liên quan bàn về vấn đề tồn kho cũng như việc cấp phép, thăm dò, khai thác khoáng sản… Riêng với việc thẩm định dự án chế biến sâu, Chỉ thị 02/CT-TTg ghi rõ, phải có địa chỉ chế biến sâu cụ thể, có thể là liên kết giữa các doanh nghiệp; chỉ cấp phép thăm dò khi có dự án chế biến sâu đã được Bộ Công Thương thẩm định, đảm bảo quy mô, công nghệ, quy hoạch và các quy định khác của Luật Khoáng sản” – ông Quân chỉ rõ./.
Theo VOV