.
.

Ngân hàng thương mại đồng hành với nền kinh tế

Thứ Tư, 05/09/2012|07:30

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 của Chính phủ là tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, khoảng 6% - 6,5%, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Hỗ trợ cho việc thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội trên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có Chỉ thị 01, xác định định hướng điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng cả năm 2012 khoảng 15% - 17%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14% - 16%; giảm mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý với diễn biến kinh tế vĩ mô; tái cơ cấu hệ thống ngân hàng...

Ổn định vĩ mô được củng cố
Những tháng đầu năm 2012, ổn định vĩ mô tiếp tục được củng cố, CPI tính theo tháng không chỉ tiếp tục ở mức thấp so với nhiều năm trở lại đây, mà đã giảm tuyệt đối vào tháng 6, tháng 7. Tỷ giá VND/USD có chịu áp lực giảm giá vào những tháng đầu năm (dịp Tết Nguyên đán) nhưng về cơ bản là ổn định. Tuy nhiên, chỉ số sản xuất công nghiệp nền kinh tế giảm kể từ tháng 3 và ở mức thấp so với cùng kỳ năm 2011; tăng trưởng kinh tế tương ứng là 4% và 4,38% các quý I, II/2012. Đây là hệ quả tất yếu của sự suy giảm tổng cầu, đặc biệt là cầu nội địa. Theo số liệu thống kê, chỉ số tồn  kho của một số ngành công nghiệp có cải thiện theo thời gian, nhưng vẫn rất cao.

Trước thực tế đó, Chính phủ đã chuyển hướng nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ, theo đó, lãi suất liên tục được điều chỉnh giảm. Tính tới đầu tháng 7, đã 5 lần hạ lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn; 4 lần điều chỉnh trần lãi suất huy động. Tín dụng vào khu vực phi sản xuất cũng được cởi trói... NHNN cũng đã linh hoạt điều chỉnh cơ chế, chính sách, hỗ trợ luân chuyển vốn trong nền kinh tế (Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ đối với các khoản cho vay có chất lượng đảm bảo; Thực hiện cơ chế mua bán nợ trong hệ thống Ngân hàng thương mại (NHTM)...). Để giảm gánh nặng chi phí vốn cho các khu vực ưu tiên, NHNN cũng đã áp trần lãi suất cho cho vay ngắn hạn (tương ứng lãi suất huy động tối đa kỳ hạn một tháng cộng chênh lệch 3%) và đề xuất các NHTM điều chỉnh giảm lãi suất tiền vay đối với các khoản nợ cũ... Nhằm hạn chế cạnh tranh không lành mạnh (cản trở mục tiêu hạ lãi suất) và hạn chế các áp lực đối với VND (khi điều chỉnh hạ lãi suất), các cơ chế, chính sách trên đã được thực hiện song hành với việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng (Đưa 9 NHTM yếu kém vào giám sát đặc biệt; Hỗ trợ thanh khoản, tái cấp vốn dưới các hình thức cho vay lại hồ sơ tín dụng;…)

NHTM đồng hành cùng nền kinh tế: giảm margin lãi suất đầu vào – đầu ra, giảm lợi nhuận, linh hoạt trong đóng gói sản phẩm giúp giảm nhanh lãi suất cho vay đồng thời đảm bảo chất lượng hoạt động...

Khác với năm 2011, việc thiết lập lại ổn định vĩ mô và chủ trương hạ lãi suất về mức hợp lý đã có những tác động tích cực đối với hoạt động đầu vào của hầu hết các NHTM. Tuy nhiên, vấn đề tâm lý, nợ xấu và những khó khăn thanh khoản ở một số NHTM đã cản trở quá trình giảm lãi suất huy động. Cạnh tranh không lành mạnh và vấn đề lách trần lãi suất huy động vẫn âm ỉ cho tới gần đây. Cộng với những dịch chuyển sang các hình thức tiền gửi tiết kiệm, có kỳ hạn trong những tháng qua, có thể nói, chi phí huy động của các NHTM không giảm tương ứng với mức giảm trần của NHNN. Song qui mô huy động của các NHTM về cơ bản là tương đối khả quan. Tính đến cuối tháng 6/2012, huy động tiền gửi của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tăng tới 6,5% so với cuối năm 2011.

Đối với hoạt động tín dụng, do tổng cầu giảm, tồn kho tăng, tâm lý chờ lãi suất giảm thêm và đặc biệt là tình trạng xấu đi của các món nợ cũ, sự đóng băng và tụt dốc giá trị bất động sản – tài sản bảo đảm chính cho các món vay, nên tăng trưởng rất chậm. Theo báo cáo của NHNN, đến 30/6, dư nợ toàn hệ thống chỉ tăng 0,76% so với cuối năm 2011 và tới cuối tháng 7, con số này cũng chỉ khoảng trên 1%

Tăng trưởng dư nợ của các TCTD so với thời điểm 31/12/2011 (%)

 

Tháng 1

Tháng 2

Tháng 3

Tháng 4

Tháng 5

Tháng 6

Tháng 7

Tổng dư nợ (% tăng so với cuối tháng 12/2011)

-2,29

-2,3

-2,1

-1,2

-0,89

0,76

1,02

Nguồn: Tổng hợp của tác giả.

Các NHTM một mặt bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, linh hoạt điều chỉnh lãi suất của các khoản vay cũ và giảm lãi suất cho vay về các mức trần định hướng. Theo thống kê của NHNN, tính đến 16/8, tổng hợp từ 69 TCTD, chiếm 90% thị phần toàn hệ thống thì tới 75% dư nợ VND trong nền kinh tế có lãi suất dưới 15%/năm, trong đó: các khoản vay có mức lãi suất 10%/năm chiếm 4,1%; 10% đến 13%/năm chiếm 20%; 13% đến dưới 15%/năm chiếm 51,3%; Lãi suất giảm mạnh nhất ở nhóm 5 NHTM Nhà nước, với 93,8% các khoản vay cũ được giảm xuống dưới 15%/năm.

Bên cạnh đó, tiếp tục chia sẻ, đồng hành với khách hàng, đặc biệt là khách hàng vay vốn trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn, nhiều NHTM đã chủ động thực thi các chương trình cho vay phù hợp với đặc thù khách hàng và với lãi suất giảm mạnh so với trước đây nhằm thu hút các khách hàng có năng lực hấp thụ vốn tốt.

Cạnh tranh trên phân khúc cho vay thực sự đã diễn ra. Giảm lãi suất là biện pháp đầu tiên, vì việc giảm lãi suất đánh đúng vào lợi ích kinh tế của khách hàng. Các NHTM hạ lãi suất cho vay kể từ tháng 2, điển hình là các NHTM VietinBank, VCB (lãi suất cho vay tối thiểu tại các Ngân hàng này vào giữa tháng 2 lần lượt là 15,5% ; 14,5% ). Thời điểm hiện nay, nhiều ngân hàng áp lãi suất cho vay với các khách hàng hạng A là khoảng 10 - 12%/năm. VietinBank dành gói tín dụng trị giá 5.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng cá nhân và hộ gia đình vay sản xuất kinh doanh với mức lãi suất ưu đãi ngắn hạn là 10,99%/năm, đối với các khoản vay trung/dài hạn là 11,99%/năm trong thời hạn ưu đãi. Một số thậm chí áp lãi suất thấp hơn, bằng trần huy động hiện hành (VietinBank triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho DN với lãi suất ưu đãi 8,95%/năm; Vietcombank có gói cho vay 15.000 tỉ đồng với mức lãi suất thấp nhất 9%/năm, BIDV gói 10.000 tỷ đồng mức lãi suất sàn 9%/năm). Không chỉ các NHTM lớn, các NHTM khác cũng nhanh chóng nhập cuộc. HDBank hiện đã có các chương trình cho vay với lãi suất 10%/năm áp dụng đối với khách hàng DN có “sức khỏe” tốt, có dự án kinh doanh khả thi.... OCB áp dụng lãi suất cho vay với khách hàng DN hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu ở mức 12 - 13%/năm;...

Việc kết hợp các sản phẩm khác để có được mức lãi suất cho vay cạnh tranh hơn cũng được các NHTM linh hoạt áp dụng. NHTM tăng cường phối hợp các nhà cung cấp, nhà phân phối, người tiêu dùng, triển khai các chương trình cho vay ưu đãi như: cho vay mua nhà đất dự án, cho vay mua ô tô,... VietinBank và Novaland đã ký kết hợp đồng liên kết cho vay ưu đãi khách hàng mua nhà tại dự án Sunrise City và Tropic Garden lãi suất cố định 8%/năm đầu; lãi suất cố định 10%/năm trong 4 năm tiếp theo. VietinBank cũng dành 5.000 tỷ đồng cho vay mua nhà dự án thuộc danh mục của chương trình với lãi suất từ 12%/năm...

Thực trạng trên cho thấy chênh lệch lãi suất đầu vào – đầu ra của các NHTM đã giảm đáng kể. Cộng với qui mô tăng trưởng tín dụng khiêm tốn, sự chia sẻ khó khăn với khách hàng,… nên thu nhập của hầu hết các NHTM đều bị ảnh hưởng, giảm thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.

Xu hướng những tháng cuối năm
Với tình hình không mấy khả quan của kinh tế thế giới, cộng với cầu tiêu dùng khó bứt phá, chỉ số giá ở mức tương đối thấp, thì các nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế nhiều khả năng sẽ nhằm vào cầu đầu tư. Đây cũng là cơ hội để cải thiện công ăn việc làm, thu nhập, qua đó cải thiện cầu tiêu dùng. Lãi suất, do vậy, có thể tiếp tục được điều chỉnh giảm (nếu việc tăng giá cả các mặt hàng thiết yếu không đẩy chỉ số giá tiêu dùng cả năm vượt 7%), trong khi tín dụng nhiều khả năng sẽ được đẩy mạnh. Việc NHNN nới “room” tín dụng cho một số NHTM vừa qua là những tín hiệu ban đầu cho xu thế này.

Các NHTM đang đứng trước cả cơ hội và thách thức không nhỏ. Ổn định vĩ mô, giảm lãi suất và nới lỏng tín dụng đều có các tác động tích cực tới cả hoạt động huy động và cho vay. Tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện cần. Vấn đề nằm ở khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và việc kiểm soát nợ xấu của các NHTM.

Về vấn đề này, ngoài việc chủ động nguốn vốn cho các nhu cầu tín dụng dự kiến sẽ tăng, thì các NHTM còn cần phải phát huy hơn nữa vai trò là bà đỡ của nền kinh tế, đảm bảo sự chu chuyển, lưu thông thông suốt của các nguồn vốn và định hướng nguồn vốn vào các địa điểm tiềm năng của nền kinh tế, đồng hành cùng khách hàng.

Trên phương diện huy động vốn, các NHTM cần hài hòa lợi ích người gửi tiền với các kênh đầu tư khác, đồng thời cân đối được lãi suất/chi phí huy động với lãi suất cho vay. Cạnh tranh lãi suất do vậy sẽ có những giới hạn nhất định và các NHTM sẽ tìm kiếm các biện pháp, kênh khác để tạo nguồn phù hợp với điều kiện nền kinh tế, như đẩy mạnh các dịch vụ ngân hàng, thu hút các khoản tiền nhàn rỗi khác; Kết hợp các sản phẩm tiền gửi/tiết kiệm với các sản phẩm đầu tư,...

Về cho vay, khác với huy động, cạnh tranh lãi suất sẽ được các NHTM áp dụng, nhất là các NHTM lớn. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh lãi suất cho vay cũng hạn chế, vì bị giới hạn bởi cạnh tranh lãi suất huy động. Để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay, giảm gánh nặng chi phí vốn đối với khách hàng, cạnh tranh được trên thị trường, vấn đề đóng gói sản phẩm nhiều khả năng được đề cao. Đối với phương thức này, ngoài việc tăng doanh số bán các sản phẩm đi kèm, các NHTM còn linh hoạt bù trừ lợi ích từ những sản phẩm/dịch vụ đi kèm với lãi suất cho vay, có được mức lãi suất cho vay cạnh tranh hơn. Ngoài ra, việc cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ cho một khách hàng cũng tạo điều kiện để ngân hàng theo dõi, giám sát khách hàng hiệu qủa hơn.

Bên cạnh đó, việc phối kết hợp với các nhà cung cấp, phân phối, tiêu dùng cũng sẽ được các NHTM quan tâm, trong việc khơi thông đầu ra đang bế tắc của khu vực sản xuất, cung cấp dịch vụ, đồng thời tăng cường kiểm soát dòng tiền, bảo đảm chất lượng khoản vay khi thị trường tài sản bảo đảm đang gặp nhiều khó khăn./.
 

Tài liệu tham khảo:

  • Báo cáo tài chính 6 tháng của các NHTM niêm yết;
  • Thông cáo báo chí NHNN về điều hành CSTT và hoạt động Ngân hàng 6 tháng đầu năm, giải pháp 6 tháng cuối năm 2012;
  • Cập nhật kinh tế Việt Nam, tháng 6/2012, NHTG

TS.Nguyễn Thị Hải Hà
Trường Đào tạo & PTNNL - Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam

.
.
.
.