Tái cơ cấu ngân hàng đang đến đâu?
Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được chia làm ba giai đoạn: củng cố thanh khoản, lành mạnh tài chính thông qua xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hoạt động. Nhưng đến nay, khi kết thúc giai đoạn 1 thì tiến trình bị chậm lại.
Ông Lê Xuân Nghĩa: "Ở Việt Nam, trước mắt khi chưa có công ty mua bán nợ tập trung ra đời, cũng cần có hành động cụ thể và quyết liệt để xử lý việc đóng băng tín dụng có liên quan đến nợ xấu". |
Quanh chủ đề nêu trên, cũng như cách nào để giải quyết tình trạng đóng băng tín dụng, PV đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn tài Chính tiền tệ quốc gia.
“Sức đề kháng của hệ thống khá tốt”
Thưa ông, sau gần một năm triển khai Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, ông có đánh giá gì về kết quả thực hiện của giai đoạn 1?
Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là chương trình có tính nền tảng để tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế. Chương trình này được chia làm 3 giai đoạn, gồm: củng cố thanh khoản hệ thống ngân hàng mà trọng tâm là thanh khoản một số ngân hàng có vấn đề; lành mạnh hóa tài chính của các ngân hàng thương mại mà trọng tâm là xử lý nợ xấu và minh bạch hóa tài chính; tái cơ cấu tổ chức, hoạt động và quản trị hệ thống ngân hàng.
Cho đến nay, giai đoạn 1 đã đạt được kết quả quan trọng, thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng đã được củng cố và ổn định, một số ngân hàng nhỏ nguy cơ mất khả năng thanh toán đã được ngăn chặn và đang hoạt động ổn định trở lại.
Qua những sự kiện gần đây của một số ngân hàng càng chứng tỏ sức đề kháng của toàn hệ thống khá tốt và khả năng xử lý cú sốc của các ngân hàng và của Ngân hàng Nhà nước đáng tin cậy. Hoạt động thị trường liên ngân hàng đã được chấn chỉnh theo hướng minh bạch hơn. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng khá ổn định và giảm mạnh từ mức trên 20% xuống còn 10% - 12%, tùy thuộc vào kỳ hạn.
Nhiều ngân hàng thương mại quy mô vừa trở lên đều có dự trữ vốn khả dụng tốt. Tăng trưởng huy động vốn từ dân cư khá cao, kể cả nội tệ và ngoại tệ. Kết quả này tạo tiền đề cho việc thực hiện giai đoạn tiếp theo của chương trình.
Trong số 5 ngân hàng thương mại phải sáp nhập vừa qua, có 2 đơn vị là TienphongBank và Habubank được xử lý theo hướng “xã hội hóa” thay vì Nhà nước bỏ tiền tái cấu trúc như với 3 đơn vị trước đó. Ông nhận xét gì về cách làm này?
Có thể nói Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời can thiệp xử lý những ngân hàng có nguy cơ sụp đổ lớn nhất, đã thành công và đã loại bỏ được tác động xấu lan truyền của nó đến toàn hệ thống.
Một số ngân hàng khó khăn khác cũng được Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thanh khoản, và tạo điều kiện cho việc mua lại hoặc sáp nhập theo nguyên tắc thị trường. Bằng cách này, việc xử lý các ngân hàng yếu đỡ tốn kém hơn, đồng thời cùng tận dụng được lực lượng thị trường để giải quyết.
Cũng có ý kiến cho rằng nên giải quyết nhanh vấn đề này bằng việc quốc hữu hóa ngân hàng như một số nước đang làm. Tôi cho rằng chúng ta cần dùng tiền vào việc khác quan trọng hơn như xử lý nợ xấu, nhưng trong trường hợp cần thiết có thể đó cũng là một lựa chọn hợp lý.
Tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước đang để ngỏ vấn đề này để thị trường xử lý trước là một cách làm khôn ngoan.
“Công ty mua bán nợ phải có đầy đủ quyền lực”
Có ý kiến cho rằng, sự loay hoay của Ngân hàng Nhà nước với đề án xử lý nợ xấu thông qua công ty mua bán nợ chính là nguyên nhân dẫn đến sự đình trệ của giai đoạn tiếp theo, ý kiến ông như thế nào?
Giai đoạn 2 là lành mạnh hóa tài chính tập trung xử lý nợ xấu đã được khởi động bằng một loạt các quy định của Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tái cơ cấu lại nợ, như giãn nợ, giảm lãi suất, đẩy mạnh thủ tục pháp lý để xử lý nợ...
Ngân hàng Nhà nước cũng trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội cho phép miễn giảm một số loại thuế, phí đối với các ngân hàng được xử lý mua, bán, sát nhập.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ Đề án thành lập công ty mua bán nợ tập trung để xử lý trên quy mô lớn nợ xấu đang là “vật cản chủ yếu” đối với việc bình thường hóa quan hệ tín dụng, tạo ra dòng chảy hợp lý về vốn của nền kinh tế.
Tuy nhiên, quy mô nợ xấu là khá lớn, vượt quá khả năng tự xử lý các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp, vì vậy, nhất thiết phải đưa vào nguồn vốn của Nhà nước. Vốn cần nhiều hay ít lại phụ thuộc vào vòng quay của mua nợ và bán nợ nhanh hay chậm.
Điều quan trọng là Ngân hàng Nhà nước và Công ty mua bán nợ phải dự kiến thành lập có đầy đủ quyền lực để xử lý nhanh các giao dịch trên thị trường mua bán nợ.
Giai đoạn 3, các chương trình tái cơ cấu cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị, bằng việc chuẩn bị ban hành một số quy định sửa đổi quyết định 493 về phân loại tài sản, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, các quyết định về chỉ tiêu an toàn hệ thống, về công khai minh bạch tài chính, về chuẩn mực kế toán và báo cáo tài chính ...
Nếu các thao tác pháp lý thuận lợi thì năm 2013 sẽ là năm trọng tâm của chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và có thể kết thúc vào năm 2015.
Lòng tin được cải thiện
Ông thấy nhận thức của người dân với ngân hàng hiện nay so trước như thế nào?
Rất tốt là trong những năm qua chúng ta đã tạo lập được một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn, cùng với các ngân hàng thương mại Nhà nước hình thành trụ cột khá vững của thị trường tài chính nói chung và thị trường tiền tệ nói riêng.
Chính nhờ những ngân hàng hàng đầu này mà rủi ro đổ bể hệ thống đã giảm thiểu đáng kể. Thời gian gần đây, chúng ta đã chứng kiến Sacombank và ACB vẫn đứng vững và phục hồi ổn định trước những cú sốc mạnh gấp nhiều lần so với những cú sốc đã từng xảy ra trong lịch sử ngân hàng thương mại Việt Nam.
Điều này cũng chứng tỏ lòng tin của người gửi tiền đối với những ngân hàng này đã được cải thiện hơn nhiều so với cách đây 10 năm.
Các ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu đều có vốn điều lệ lớn, cấu trúc tài sản hợp lý, nền tảng công nghệ hiện đại, hệ thống quản trị đang được chuyên nghiệp hóa và khả năng sinh lời ổn định.
Cứ 6 tháng một lần chúng tôi xác lập bản đồ định vị hiệu quả hoạt động của tất cả các ngân hàng thương mại.
Kết quả cho thấy nhóm ngân hàng cổ phần hàng đầu như Sacombank, ACB, Eximbank, SHB… có vị thế khá ổn định trước, trong và sau khủng hoảng tài chính quốc tế. Trong khi một số ngân hàng nhỏ hơn như An Bình, Liên Việt, Quốc tế, Đại Dương… có sự thay đổi định vị khá tích cực.
Điều này cho thấy công cuộc tái cơ cấu ngân hàng là một quá trình mà từng ngân hàng tự tái cơ cấu và hiện đại hóa có vai trò quyết định, đó là những bằng chứng thực tiễn để các ngân hàng khác tham khảo.
Tất nhiên, quá trình tái cấu trúc mới đi được những bước đầu tiên rất cần sự chỉ đạo, giám sát và hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước cũng như sự cải thiện của cơ sở pháp lý và môi trường kinh doanh.
Sử dụng dự phòng để khoanh nợ xấu?
Dù vậy nhưng một điểm nóng của hệ thống ngân hàng từ nay đến hết năm là giải quyết tình trạng đóng băng tín dụng. Ông có “kế sách” gì?
Phục hồi lại tăng trưởng tín dụng hợp lý để tăng thanh khoản cho nền kinh tế là vấn đề đáng quan tâm nhất trước mắt. Tín dụng ngân hàng quyết định 80% đầu tư của doanh nghiệp nội địa, 30% đầu tư công từ ngân sách và khoảng 30% đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Điều này cho thấy vai trò chi phối của tính dụng ngân hàng đến toàn bộ hoạt động kinh tế lớn đến mức nào. Tín dụng bị đóng băng là căn bệnh đã bóp nghẹt nhiều nền kinh tế lớn như Thụy Điển, Nhật Bản, Brazil, Agentina trước đây và cả châu Âu, Mỹ hiện nay mà chủ yếu là do nợ xấu.
Mỹ, ECB và nhiều nước đã phải chi hàng ngàn tỷ đồng để mua nợ xấu, phá băng tín dụng. Gói QE3 của Mỹ vừa công bố có thể coi là hành động mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử tiền tệ thế giới.
Ở Việt Nam, trước mắt khi chưa có công ty mua bán nợ tập trung ra đời, cũng cần có hành động cụ thể và quyết liệt để xử lý việc đóng băng tín dụng có liên quan đến nợ xấu.
Tôi cho rằng Chính phủ nên quyết định cho phép Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại sử dụng dự phòng rủi ro để khoanh nợ xấu (đưa ra ngoại bảng, không thu lãi) và cho vay mới đối với các doanh nghiệp có nợ xấu nhưng có khả năng phục hồi và phát triển. Đặc biệt là cho vay vốn lưu động để duy trì sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm, ổn định kinh tế - xã hội lấy lại lòng tin cho doanh nghiệp.
Đây là một quyết định quan trọng có tầm ảnh hưởng rất lớn, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, nơi tạo ra phần lớn việc làm và thu nhập cho dân cư. Nợ khoanh sẽ được xử lý khi công ty mua bán nợ tập trung ra đời, hoặc các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp xử lý dần theo thị trường.
Theo Vneconomy