.
.

Việc không ai có thể làm thay Nhà nước

Thứ Hai, 17/09/2012|21:21

Cho rằng cần phải đủ dũng cảm và thông thái để nhìn nhận rõ từng trạng thái kinh tế thực tế. Phải có những cơ quan nghiên cứu để xác định những giới hạn hợp lý trong từng trạng thái phát triển kinh tế một, để giúp Nhà nước thấy rõ những cái ngưỡng, và ngoài những cái ngưỡng ấy thì Nhà nước buộc phải có sự chuẩn bị tinh thần để đối phó với rủi ro. Và đây là việc không ai có thể làm thay Nhà nước được, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo đầu tư và thị trường tài chính vừa qua.

Môi trường đầu tư mất cân đối
 
Việt Nam là nước có tỷ lệ vốn đầu tư/GDP luôn ở mức khoảng 40% trong những năm gần đây, thuộc nhóm cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và tỷ lệ tăng trưởng vẫn được duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, nếu nhìn vào các chỉ số đầu vào của tăng trưởng, như các chuyên gia đã chỉ rõ thì tăng trưởng của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào vốn, còn các yếu tố về lao động và năng suất, các yếu tố tổng hợp, trong đó có năng suất lao động vẫn còn ở mức khiêm tốn. Chỉ số năng lực canh tranh của Việt Nam theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), hiện đang xếp ở mức 75/144 nền kinh tế được khảo sát. Trong đó, 2 trong 3 nhóm tiêu chí để đánh giá là các yếu tố thúc đẩy hiệu quả nền kinh tế và các yếu tố thúc đẩy sự đổi mới của nền kinh tế của Việt Nam đều rơi vào mức rất thấp (lần lượt xếp hạng 90 và 91).

dddddd
Cần cân đối giữa đầu tư kinh tế và đầu tư vào các lĩnh vực xã hội.

 

 Theo nhận định của chuyên gia Nguyễn Trần Bạt tại Diễn đàn đầu tư và tài chính ngân hàng được tổ chức mới đây, sự mất cân đối vĩ mô của Việt Nam thể hiện ở chỗ mất cân đối trong mục tiêu phát triển công nghiệp. Hiện chúng ta chỉ mải mê kiếm tìm các dự án chứ chưa xác lập được các ngành công nghiệp. Thế nên, sau thời gian dài phát triển, chưa có một ngành công nghiệp nào được định hình rõ rệt, mặc dù tên gọi của chúng đã xuất hiện, chẳng hạn như công nghiệp ô tô, đóng tàu, thép… Cái gốc là nền tảng của công nghệ chưa hề có, chưa có những chỉ tiêu công nghiệp để kêu gọi, để khuyến khích, để ưu tiên. Tiếp đến là mất cân đối trong đầu tư kinh tế và đầu tư vào các lĩnh vực xã hội phát triển con người; giữa phát triển công nghiệp và nông nghiệp. Đầu tư cho kinh tế thời gian qua luôn chiếm trên 75% trong khi đầu tư cho xã hội cực kỳ khiêm tốn. Mặt khác, trong khi chiếm đến 70% dân số cả nước làm trong khu vực nông nghiệp nhưng nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này kém xa so với các lĩnh vực khác. Cụ thể, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này luôn biến thiên trong khoảng 10% tổng nguồn lực đầu tư. Việc đầu tư công nghiệp ồ ạt thời gian qua đã dẫn đến thu hẹp diện tích đất nông nghiệp và những bất ổn xã hội liên quan đến thu hồi đất. Điều này không được giải quyết triệt để có thể kéo theo nhiều bất ổn khác.
 
Nguồn lao động của nước ta cũng đang mất cân đối nghiêm trọng. Lao động của Việt Nam còn rất nhiều vấn đề như trình độ thấp, kỷ luật lao động thấp và một chế độ quản lý người lao động rất lỏng lẻo. Đa phần các doanh nghiệp khi tuyển lao động đều phải tiến hành đào tạo lại. Theo kết quả khảo sát Thiếu hụt lao động kỹ năng ở Việt Nam do Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ LĐ, TB và XH khảo sát trên 6.000 doanh nghiệp, chất lượng lao động của nước ta xếp ở mức 10% - mức đáy so với khu vực. Và như vậy, khi muốn và kêu gọi đầu tư các dự án công nghệ cao thì lực lượng lao động không thể đáp ứng và làm chủ được công nghệ thì ước muốn kia thật khó có thể thực hiện được!
 
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, môi trường đầu tư của Việt Nam đang mất cân đối lớn về năng lực phục vụ tài chính. Các ngân hàng hiện nay có thể quản lý 10 tỷ, 20 tỷ USD, nhưng quản lý một dự án 10 tỷ USD thì không thể vì phải có năng lực thẩm định công nghiệp. Nước ta chưa có bất kỳ một tổ chức tín dụng nào đủ trình độ chuyên nghiệp để quản lý một dự án công nghiệp 10 tỷ USD, mà hiện nay, nước ta càng ngày càng có nhiều dự án như thế.

Năng lượng hiện cũng đang được dự báo có sự mất cân đối lớn. Sự mất cân đối chủ yếu do việc không thể bảo đảm cung cấp đủ năng lượng đối với nhu cầu ngày càng tăng của đất nước. Theo số liệu thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI mới đây, dự kiến đến năm 2015, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng và đến năm 2025 thì Việt Nam chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong nước. Sự thiếu hụt này đòi hỏi một sự gắn kết giữa phát triển kinh tế năng lượng và các lĩnh vực kinh tế khác đi đôi với công tác tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và tiêu dùng.
 
Ổn định vĩ mô cho môi trường đầu tư từ đâu?
 
Trong việc xác lập lại ổn định vĩ mô cho môi trường đầu tư, chuyên gia Nguyễn Trần Bạt cho rằng, cần phải xác lập sự cân đối cho không gian kinh tế, đồng thời xác lập lại cách nhìn nhận đối với vấn đề tài chính và quan niệm về phân cấp quản lý và thẩm định đầu tư. Mặt khác, chất lượng môi trường đầu của Việt Nam có được nâng cao được hay không phải trông chờ vào sự thành công của công cuộc cải cách giáo dục đào tạo.
 
Nhìn từ không gian kinh tế Việt Nam cho thấy, hiện đang có dấu hiệu biến một nền kinh tế thống nhất thành 63 nền kinh tế khi mà chúng ta mở rộng phân cấp cho các địa phương. Trong quá trình phân cấp, nếu như thiếu một bản quy hoạch thống nhất, khoa học cho nền kinh tế sẽ dẫn tới sự phát triển tự phát mất cân đối vĩ mô. Bối cảnh mà tỉnh nào cũng đua nhau làm sân golf, cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế cạnh tranh nhau thay vì có một sự phân công dựa vào nguồn lực cụ thể và sự kết nối thống nhất giữa các khu vực kinh tế. Điều cần nhất là tất cả các đối tượng đầu tư, nội dung đầu tư ở mỗi địa phương phải nằm trong một quy hoạch đầu tư chuẩn, cái đấy chính là hạt nhân, là nền tảng của sự ổn định vĩ mô của một nền kinh tế. 
 
Bên cạnh sự mất cân đối giữa không gian kinh tế vùng, còn có sự mất phân công giữa không gian kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân. Hiện nay kinh tế của chúng ta phát triển theo thế lực của nó. Mà xét trên các yếu tố từ chủ trương, tín dụng, mặt bằng đất đai… tất cả các ưu thế chính trị xã hội và vật chất đều nằm ngoài khu vực kinh tế tư nhân. Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt đặt câu hỏi: vậy ai sẽ làm ăn với "người yếu" như những doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam? Ông kết luận, khu vực tư nhân không chỉ bị các định kiến thông thường ở trong nước bỏ rơi mà còn bị cả đầu tư nước ngoài bỏ rơi nữa. Đấy là một "thảm trạng" của sự phát triển. 
 
Trong không gian kinh tế, hiện cũng đang diễn ra tình trạng mất cân đối kinh tế giữa không gian nội địa và không gian hướng ngoại. Khi nền kinh tế bị xô lệch theo hướng xuất khẩu, thị trường trong nước bị bỏ ngỏ cho hàng hóa chất lượng thấp của nước ngoài tràn ngập. Đã đến lúc cần phải có những đầu tư đủ mạnh để có thể kiến thiết, có thể đặt nền móng cho những ngành công nghiệp tiêu dùng với một thế hệ công nghệ cao hơn, với một chất lượng hàng hóa tốt hơn, sẵn sàng đón lõng sự phát triển của chất lượng tiêu dùng cho thị trường nội địa 100 triệu dân trong những năm tới. Tóm lại, xác lập lại sự cân đối của một tổng phổ kinh tế để biến nó trở thành một ý chí chính trị của tất cả các nhánh quyền lực là công việc quan trọng. Công việc này gắn liền với trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
 
Về phân cấp quản lý và thẩm định đầu tư, việc tổ chức lại quy trình thẩm định các dự án cần phải dựa trên một kế hoạch phát triển nền kinh tế rõ ràng. Do vậy, cần phải nghiên cứu lại chế độ phân cấp; phải có các quy định rõ ràng rành mạch về các giới hạn, đến tỉnh thì làm đến bao nhiêu, động chạm đến bao nhiêu tài nguyên, bao nhiêu đất đai, bao nhiêu tín dụng; trên mức ấy thì thuộc về quyền của Chính phủ. Tất cả các giới hạn như vậy phải nằm trong sự kiểm soát của Quốc hội, dự án nhỏ cũng phải kiểm soát chứ không phải 35.000 tỷ đồng mới bắt đầu kiểm soát. 
 
Ngoài ra, cũng cần quan niệm lại vấn đề trách nhiệm trong phân cấp đầu tư. Trách nhiệm của những người đứng đầu ở các địa phương trong việc thẩm định các dự án đầu tư cần phải được quy định trong luật. Hiện nay, chưa có một hệ thống pháp luật đủ để quy định trách nhiệm, kể cả thưởng lẫn phạt những người chỉ huy ở các cấp độ khác nhau của hệ thống nhà nước. Đặc biệt, trong các dự án đầu tư, cần đạt được sự đồng thuận xã hội, đặc biệt là trong vấn đề thu hồi đất. Sự đồng thuận xã hội chính là thước đo thực chất và sự hiệu quả trong hoạt động của Nhà nước của dân, do dân, vì dân.
 
Cuối cùng, vấn đề cốt lõi, vấn đề vẫn được coi là quốc sách hàng đầu là giáo dục làm sao để có thể hoàn thành đầy đủ 2 sứ mệnh là dạy người và dạy nghề. Câu hỏi đặt ra là tại sao lao động nước ta lại đang khủng hoảng về chất lượng như vậy, tại sao chỉ số thông minh của dân tộc không hề thấp, người lao động cần cù, khéo léo mà năng suất lao động vẫn xếp ở đáy của khu vực và thế giới? Và mục tiêu tạo ra đội ngũ lao động có kỹ năng, đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng như đủ bản lĩnh để làm chủ chính mình và phát huy sức sáng tạo trong các môi trường lao động khác nhau bao giờ sẽ trở thành hiện thực?

                                                                                                                                                T.C

.
.
.
.