.
.

Kinh tế sẽ còn khó khăn trong năm 2013

Thứ Năm, 18/10/2012|13:45

 

Ngày 16-10, tại Hà Nội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình phiên họp thứ 12,   cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về: tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2013. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp.


Nợ xấu ngân hàng đang là nút thắt của nền kinh tế
Nợ xấu ngân hàng đang là nút thắt của nền kinh tế

 

Qua thảo luận, các thành viên Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2012 và cho rằng: Trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực gặp rất nhiều khó khăn, triển vọng đạt và vượt kế hoạch 10/15 chỉ tiêu kinh tế- xã hội theo Nghị quyết Quốc hội là nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, đa số ý kiến nhận định: Nền kinh tế nước ta đang đối mặt với những dấu hiệu đáng lo ngại về sự trì trệ. Thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng thừa nhưng doanh nghiệp vẫn khó khăn khi tiếp cận vốn. Hai nút thắt của nền kinh tế là nợ xấu và hàng tồn kho đang làm tắc nghẽn quá trình chu chuyển nguồn lực quốc gia. Đáng chú ý là chỉ số giá tiêu dùng đang có xu hướng tăng trở lại, tháng 9 so với tháng 8 tăng 2,2%, là mức tăng cao nhất trong 9 tháng qua. Bên cạnh đó, thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 67,3% dự toán, là năm có tiến độ thu thấp nhất trong các năm gần đây.

Đối với 5 chỉ tiêu dự kiến không đạt so với kế hoạch, đều là những chỉ tiêu quan trọng phản ánh tính bền vững của nền kinh tế trong trung và dài hạn. Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị: báo cáo của Chính phủ cần đánh giá sâu sắc hơn 2 chỉ tiêu về mức giảm tỉ lệ hộ nghèo và tạo việc làm: “Nếu so sánh các vùng miền thì sự chênh lệch rất lớn. Ở đây, Chính phủ cần quan tâm để tác động bằng những cách thức khác nhau để giảm nghèo đạt được kết quả sâu sắc và bền vững hơn. Tôi xin đơn cử như tỉ lệ nghèo ở Đông Bắc còn 18,31%, Tây Bắc 28,86%. Rõ ràng có sự phân hoá rất sâu sắc. Như vậy cách thức tác động không thể như nhau. Chúng ta ban hành chính sách hỗ trợ giảm nghèo và xem như là xong. Tôi nghĩ như vậy là không ổn”

Hầu hết các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với dự báo, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường và các giải pháp chủ yếu trong báo cáo của Chính phủ và nhận định: xu hướng khó khăn của nền kinh tế nước ta sẽ còn kéo dài trong năm 2013. Do vậy, cần tiếp tục kiềm chế lạm phát, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng hợp lý, gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội đề nghị: 3 tháng cuối năm và năm 2013 cần ưu tiên tập trung giải quyết các nút thắt của nền kinh tế là hàng tồn kho và nợ xấu.

"Tồn kho và nợ xấu ngân hàng có mối quan hệ với nhau. Nhưng còn có 1 yếu tố nữa đó là thị trường. Nếu cởi trói, mở rộng được thị trường thì chúng ta cũng giải quyết được vấn đề tồn kho. Mà tồn kho giải quyết được thì cũng giải quyết được vấn đề nợ xấu. Vậy chúng ta phải kích hoạt cái gì trong thị trường? Kích hoạt tất cả thì không có lực phải chọn khâu quan trọng nhất hiện nay, khâu đang ảm đạm nhất mà có mối quan hệ hữu cơ và tác động nhất trong nền kinh tế. Đó là thị trường bất động sản và toàn bộ thị trường đầu tư của chúng ta” – ông Hiển nói.

Cũng tại phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ về các kiến nghị, giải pháp để hoàn thành dự toán ngân sách nhà nước năm 2013. Đồng thời đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung Luật ngân sách nhà nước, sửa đổi Luật thuế xuất nhập khẩu theo hướng bỏ cơ chế cho phép tạm nhập, tái xuất đối với một số mặt hàng; rà soát, rút gọn các chương trình hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương trên nguyên tắc Trung ương chỉ hỗ trợ, phần còn lại địa phương tự cân đối hoặc tự huy động nguồn vốn đầu tư./.

 

.
.
.
.