.
.

Thủ tướng chỉ đạo các nhiệm vụ năm 2013

Thứ Tư, 26/12/2012|23:28

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, năm 2013 phải ưu tiên cho tập trung tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, đưa lạm phát thấp hơn, đạt tăng trưởng cao hơn năm 2012.

 

Hội nghị của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Kết luận Hội nghị của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 diễn ra trong 2 ngày (25-26/12), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, lãnh đạo các Bộ, ngành địa phương đã có những đánh giá, đóng góp thiết thực vào các báo cáo, Nghị quyết của Chính phủ.

“Hai mươi bảy ý kiến phát biểu của các thành viên Chính phủ và lãnh đạo địa phương là hết sức sức thẳng thắn, trách nhiệm và sát với thực tế”, Thủ tướng đánh giá.

Đối với các kiến nghị của các địa phương liên quan đến cơ chế, chính sách chung, Văn phòng Chính phủ tiếp thu để đưa vào Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; đối với những kiến nghị cụ thể của các địa phương, Văn phòng Chính phủ tổng hợp thành văn bản gửi các Bộ, ngành chức năng xem xét theo thẩm quyền và trả lời các địa phương.

Cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát 2012

Theo Thủ tướng, bước vào năm 2012, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức, những khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo, song với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, năm 2012 chúng ta đã đạt được những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực.

Theo đó, chúng ta đã cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đề ra cho năm 2012: kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý; nông nghiệp phát triển ổn định; công nghiệp từng bước được phục hồi; các chính sách an sinh xã hội được quan tâm, đảm bảo (tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,76%); chính trị xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững; vai trò và vị thế của đất nước không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế…

Những kết quả đạt được là nền tảng, là tiền đề cho sự phát triển vững chắc hơn của đất nước trong năm 2013 và những năm tới.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế, trong đó nổi lên là kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc; nợ xấu ngân hàng ở mức cao; tái cơ cấu nền kinh tế gắn với xử lý hàng tồn kho, nợ xấu còn chậm, có mặt còn lúng túng; nhiều vấn đề xã hội còn bức xúc; các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư còn bất cập;… Thực trạng này đòi hỏi sự sự nỗ lực cố gắng và quyết tâm cao hơn nữa của các Bộ, ngành, địa phương trong xử lý, khắc phục.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm

Đề cập đến nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, phải ưu tiên tập trung  ổn định kinh tế vĩ mô, đưa lạm phát thấp hơn năm 2012 (giữ lạm phát năm 2013 khoảng 6%), đồng thời duy trì tăng trưởng ở mức cao hơn năm 2012.

Thông thường, giá cả tăng cao chủ yếu tập trung vào những tháng đầu năm, do đó các Bộ, ngành, địa phương phải kiểm soát giá cả, lạm phát ngay từ tháng 1, quý I của năm 2013, không để tình trạng thiếu hàng, sốt giá, găm hàng, đẩy giá lên cao, phát huy tốt hơn nữa cơ chế về bình ổn giá.

Đồng thời, tập trung điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, hiệu quả; sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ gắn kết chặt chẽ với chính sách tài khóa theo mục tiêu kiềm chế lạm phát, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo tăng trưởng hợp lý.

Cùng với đó, phải đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành lãi suất và tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, mục tiêu kiềm chế lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; đảm bảo an toàn thanh khoản và hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng; giữ vững sự ổn định về tỷ giá.

Thủ tướng yêu cầu thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đảm bảo cân đối thu chi ngân sách; thực hiện thu chi theo đúng kế hoạch, triệt để tiết kiệm chi, giảm bội chi ngân sách nhà nước.

Các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó lưu ý thực hiện các biện pháp phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn tín dụng với lãi suất hợp lý để phát triển sản xuất kinh doanh; ưu tiên vốn tín dụng cho sản xuất hàng xuất khẩu, nông nghiệp; tăng hạn mức tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn; hoàn thiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm, xử lý hàng tồn kho, giải quyết nợ xấu. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; tận dụng mọi khả năng để tăng xuất khẩu vào thị trường truyền thống, đồng thời tăng cường các biện pháp thâm nhập vào các thị trường mới.

Một nhiệm vụ khác là hết sức quan tâm đến hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước kinh doanh, đầu tư.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt phải tạo được những chuyển biến thực sự, khắc phục dàn trải trong đầu tư công, tiết giảm chi phí, đảm bảo chất lượng, hiệu quả của các công trình đầu tư công.

Thủ tướng cũng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện tốt hơn nữa công tác đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, trong đó chú trọng tới các giải pháp đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; tập trung giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững nhất là ở các huyện nghèo; thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, đối tượng chính sách, hộ nghèo…

Đồng thời, tiếp tục quan tâm đến công tác cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng, lãng phí; đảm bảo trật tự an toàn giao thông; phòng chống tội phạm xã hội, kiên quyết không để gia tăng các loại hình tội phạm; giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội; thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; bảo vệ vững chắc biên giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia;…

Đặc biệt, phải hết sức cảnh giác, đấu tranh đối với kẻ xấu lợi dụng công nghệ cao, internet để bôi nhọ, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước và phá hoại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta; dứt khoát không để nhen nhóm sự xuất hiện của các tổ chức phản động trên bất cứ địa bàn nào.

Tết Nguyên đán 2013 đang đến gần, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, các Bộ, ngành, địa phương phải đảm bảo đủ cung cầu hàng hóa, không để tình trạng đầu cơ, tăng giá; tạo các điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, về quê ăn Tết; thực hiện quyết liệt các biện pháp giữ gìn trật tự và giảm thiểu tai nạn giao thông; phòng, chống buôn bán, vận chuyển và đốt pháo nổ… Đảm bảo cho nhân dân đón Xuân mới vui tươi, an toàn, đầm ấm, lành mạnh.

Cuối cùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã  hội năm 2013, các Bộ, ngành, địa phương phải có sự phối hợp chặt chẽ trong hành động; triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành, địa phương mình; đồng thời làm tốt công tác cung cấp thông tin cho nhân dân, dư luận, qua đó tạo sự đồng thuận, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đề ra cho năm 2013./.

Nguyễn Hoàng/Chinhphu.vn

Tin liên quan:

• Chính phủ xem xét dự thảo Nghị quyết giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho

• Ổn định vĩ mô là mục tiêu hàng đầu năm 2013

• Từ Nghị quyết 01 và Nghị quyết 13: Tạo chuyển biến quan trọng

• Tập trung gỡ các "nút thắt" kinh tế trong 2013

• Cùng tìm cách gỡ khó

• Ngành Tài chính làm việc cả ngày lễ để bảo đảm thu – chi ngân sách

.
.
.
.