Ngành dệt may 2013 sẽ khởi sắc hơn
Đó là nhận định của nữ doanh nhân tiêu biểu ngành Dệt may, bà Ninh Thị Ty - Chủ tịch HĐQT - TGĐ Công ty CP may Chiến Thắng, Công ty CP may Hồ Gươm, trong cuộc trao đổi với báo chí về triển vọng phát triển của ngành dệt may năm 2013.
Theo bà Ty, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lại thêm sự cạnh tranh trên thị trường hàng may mặc ngày càng khốc liệt do sự phát triển ồ ạt hàng may giá rẻ của Trung Quốc, Ấn Ðộ, các nước Nam Á, giá gia công may giảm từ 30 đến 50%, thị trường trong nước tràn ngập hàng nhập khẩu, hàng trốn lậu thuế… đã buộc nhiều DN dệt may phải cơ cấu tìm hướng đi cho riêng mình.
- Là người quản lý hai thương hiệu lớn trong “làng” dệt may là May Hồ Gươm và May Chiến Thắng, bà nhìn đánh giá kết quả hoạt động của ngành dệt may năm qua như thế nào ?
Hiệp hội Dệt may VN (VITAS) đã nhận định, năm 2012 là một năm đầy khó khăn đối với các DN dệt may VN. Về thị trường xuất khẩu, hầu hết các DN đều thiếu đơn hàng, đặc biệt vào giai đoạn thấp điểm. Nhiều DN phải thu hẹp quy mô sản xuất, giảm bớt giờ làm, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động.
Thêm vào đó, giá cả đầu vào liên tục tăng. Đặc biệt, giá nhân công tăng trong khi đầu ra có xu hướng giảm. Do vậy cạnh tranh giành đơn hàng và nhân công giữa các nước cung ứng dệt may trên thế giới diễn ra khốc liệt làm các DN dệt may VN càng thêm khó khăn.
Còn thị trường trong nước trầm lắng, tiêu thụ chậm, tồn kho tăng do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Các chính sách của Nhà nước mặc dù có hướng tạo điều kiện cho các DN, tháo gỡ khó khăn nhưng không được giải quyết dứt điểm và kịp thời cho DN cùng với mức lãi suất ngân hàng dù đã được giảm nhưng vẫn duy trì ở mức cao đang là sức ép đối với DN.
Mặc dù vậy, trong năm 2012, kim ngạch XK của toàn ngành dệt may vẫn duy trì tăng trưởng mặc dù tốc độ tăng trưởng có chậm lại, đạt 7,4% so với năm 2011, trong đó các DN FDI đóng góp khoảng 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành.
- Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, vẫn có một số DN dệt may vững vàng trước “bão”, còn với May Hồ Gươm thì sao, thưa bà ?
Đối với May Hồ Gươm, từ những năm 2008 do Cty đã lường trước và hoạch định chiến lược phát triển riêng như : Chuyển từ sản xuất gia công mang nặng tính thụ động về đơn hàng, giá cả sang tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm, chủ động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, với chiến lược lấy giá của Trung Quốc để phấn đấu, lấy chất lượng của hãng có tên tuổi trên thế giới làm mục tiêu. Cty đã đầu tư nhiều máy móc hiện đại, chuyên môn hoá theo từng giây chuyền sản xuất… Nhờ đó chúng tôi đã xây dựng được một định hướng phát triển vững chắc trong từng giai đoạn, thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, đặc biệt là công tác quản lý, sản xuất kinh doanh, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư. Uy tín thương hiệu May Hồ Gươm từng bước được khẳng định, các sản phẩm như áo, quần âu, quần Jean, quần áo trẻ em, quần áo dệt kim, vet nữ… đã từng bước trở thành thế mạnh của Cty. Khách hàng từ các nước Âu, Mỹ, Nhật Bản đến với Cty ngày càng nhiều, trong đó có những tên tuổi lớn như: Mango, Target Stores, Lee, Catimini, South Pole, Jack Wolfskin... Có thể nói, đến nay Cty đã xây dựng thương hiệu sản phẩm cho riêng mình ở trong và ngoài nước, khẳng định một thương hiệu dệt may VN.
Vì vậy mà trong bối cảnh khó khăn của năm 2012, doanh thu của Cty vẫn đạt 285 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 5,5 tỉ đồng.
Tuy nhiên, mặc dù đã có tiên liệu trước, nhưng Cty vẫn gặp những khó khăn nhất định do VN cạnh tranh với các nước chủ yếu là hàng cao cấp, còn hàng may mặc giá rẻ và trung bình rất khó cạnh tranh, bởi một số nước như : Lào, Campuchia và Bangladesh được miễn thuế. Cho nên năm 2012 các đơn đặt hàng của Cty nhỏ, thị trường bị co hẹp, các hợp đồng thương hiệu cao cấp giảm mạnh.
- Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, năm 2013 vẫn là năm khó khăn với các DN dệt may. Vậy chắc hẳn bà đã vạch ra định hướng, chiến lược phát triển cho May Hồ Gươm?
Theo cảm nhận của tôi năm 2013, ngành dệt may sẽ thuận lợi hơn, vì ngay trong quý I Cty đã nhận được nhiều đơn đặt hàng so với quý I năm 2012. Do vậy, dự kiến năm 2013 doanh thu Cty sẽ tăng khoảng 10-15%. Ngoài thuận lợi khách quan do nền kinh tế thế giới đã hồi phục, trong nước Chính phủ đã có một số chính sách nhằm kích thích nền kinh tế trong nước phát triển nên thị trường cũng khởi sắc. Cùng đó, Cty đã chủ động phát triển thị trường, tiếp cận khách hàng thông qua xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài như tham gia hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm...
Với chiến lược phát triển bền vững, Cty sẽ không ngừng cải tiến kỹ thuật, đầu tư chiều sâu, đổi mới trang thiết bị công nghệ tiên tiến, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động từ 4,2 triệu lên 4,4 triệu đồng/ người/ tháng, song song với đó là tổ chức các đoàn cán bộ đi học tập tại các nước phát triển để nâng cao trình độ tay nghề, thiết kế… nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như đa dạng hóa các sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động đưa ra nhiều mẫu mã thời trang phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, đáp ứng các yêu cầu của các khách hàng, từ đó khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Mặt khác, chúng tôi tập trung nguồn lực, xây dựng thương hiệu May Hồ Gươm, đặc biệt quan tâm phát triển thị trường nội địa, phấn đấu doanh thu nội địa tăng 200% trong những năm tới. Cụ thể Cty đã đầu tư mở rộng sản xuất phát triển thêm nhà máy may tại xã Hưng Công, Bình Lục, Hà Nam, dự kiến đưa nhà máy vào hoạt động trong quý I/2013…
- Xin cảm ơn bà !
P.V