.
.

Vai trò kinh tế Nhà nước trong Hiến pháp sửa đổi

Thứ Năm, 14/03/2013|13:53

 

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, với việc sửa đổi Hiến pháp lần này, khẳng định lại vị trí, vai trò của kinh tế Nhà nước, chắc chắn các DNNN sẽ phải thu hẹp qui mô, chỉ đầu tư vào những lĩnh vực then chốt.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, với việc sửa đổi Hiến pháp lần này, khẳng định lại vị trí, vai trò của kinh tế Nhà nước, chắc chắn các DNNN sẽ phải thu hẹp qui mô, chỉ đầu tư vào những lĩnh vực then chốt.

Điều 54, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định: “1/ Nền Kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. 2/ Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”.

Góp ý cho điều này, ông Hoàng Đăng Quang – Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, tại điều này, không đề cập vai trò của kinh tế Nhà nước. Vì vậy, đề nghị cần bổ sung và khẳng định “Vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước” để bảo đảm định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường ở nước ta. Do đó, tại Khoản 2, Điều 54, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần bổ sung thêm đoạn: “… trong đó kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo”.

Theo lập luận của ông Hoàng Đăng Quang, Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển 2011) do Đại hội XI của Đảng thông qua, khẳng định: “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế Nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Đảng ta đã nhất quán chủ trương chỉ đạo Nhà nước thi hành các chính sách kinh tế không phân biệt đối xử với các hình thức sở hữu. Đây là một bước tiến mới trong quan điểm của Đảng ta về kinh tế nhiều thành phần. Đảng ta cũng đã đặt kinh tế Nhà nước nói chung, doanh nghiệp Nhà nước nói riêng trong môi trường thị trường thống nhất, đồng bộ, cạnh tranh đầy đủ và hội nhập quốc tế. Chúng ta cũng thấy rằng, các thành phần kinh tế không tồn tại một cách biệt lập, mà có mối quan hệ và tác động qua lại, đan xen. Để bảo đảm nền kinh tế phát triển theo định hướng XHCN, trong quá trình vận động vừa hợp tác, vừa cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, thành phần kinh tế Nhà nước phải tự chính mình vươn lên, khắc phục những tồn tại, yếu kém vốn có để cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng cho nền kinh tế quốc dân.

Theo ông Quang, thời gian qua, có một số doanh nghiệp Nhà nước, một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát tài sản lớn của đất nước, của nhân dân. Những sai phạm đó, suy cho cùng không phải là lỗi vốn có của bản thân doanh nghiệp Nhà nước và lại càng không phải là lỗi của thành phần kinh tế Nhà nước. Nếu chúng ta ngộ nhận những sai phạm đó là lỗi của kinh tế Nhà nước mà không quy định trong Hiến pháp là một sai lầm, dẫn đến có thể thực hiện không đúng định hướng XHCN. “Tôi cho rằng, những khuyết lỗi của doanh nghiệp Nhà nước vừa qua là hệ quả của sự yếu kém kéo dài trong quản lý vĩ mô. Vừa qua, Quốc hội và Chính phủ đã thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước. Đó là bước đi hoàn toàn đúng đắn, khách quan, góp phần thay đổi cơ cấu quản lý và phân bổ nguồn lực quốc gia, từng bước đưa kinh tế Nhà nước trở lại đúng vị trí, vai trò của nó với tư cách là thành phần kinh tế chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Chính vì vậy, kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân là điều kiện cần thiết để bảo đảm định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường” – ông Quang nói.

Lý do phải nhấn mạnh vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước trong Hiến pháp được ông Quang đưa ra là do chế độ sở hữu toàn dân mà Nhà nước là đại diện về tư liệu sản xuất, về vốn… là chế độ sở hữu phù hợp với xu hướng xã hội hóa của lực lượng sản xuất; Kinh tế Nhà nước nắm giữ những vị trí then chốt, yết hầu của nền kinh tế; chi phối các thành phần kinh tế khác, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển theo định hướng XHCN; Kinh tế Nhà nước là lực lượng bảo đảm sự ổn định và phát triển của nền kinh tế quốc dân, có khả năng điều tiết, hướng dẫn, liên kết, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác cùng phát triển; Kinh tế Nhà nước dẫn đầu trong việc ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại, đóng góp phần lớn cho ngân sách Nhà nước và tích tụ để không ngừng tái sản xuất mở rộng; Kinh tế Nhà nước là lực lượng nòng cốt hình thành các trung tâm kinh tế, đô thị mới; có khả năng đầu tư vào những lĩnh vực có vị trí quan trọng.

Phân tích ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Viết Thông – Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, đang có sự nhầm lẫn giữa khái niệm kinh tế nhà nước và DNNN. Kinh tế nhà nước là một khái niệm rộng hơn nhiều. DNNN chỉ là một bộ phận của kinh tế nhà nước.Trong Văn kiện Đảng gần đây đều khẳng định, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo chứ không nói DNNN giữ vai trò chủ đạo.

Sự nhầm lẫn này, tới đây phải sửa. Quốc hội sẽ thảo luận trên cơ sở từ Hội nghị Trung ương 6 đã giao cho Đảng đoàn Quốc hội chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổng kết việc thực hiện Luật Doanh nghiệp năm 2005 để đề xuất Trung ương một phương án quy định về pháp luật đối với DNNN để DNNN cũng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật cho chặt chẽ, tránh thất thoát.

Vừa rồi kiểm điểm lại DNNN thua lỗ, một trong những nguyên nhân dẫn đến là Luật chưa chặt chẽ. Cho nên mới có chuyện đối xử ưu ái với DNNN. Với Dự thảo Hiến pháp lần này và các luật khác liên quan, sẽ tạo ra sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Khi đó, sẽ tạo ra cạnh tranh lành mạnh. Đó cũng là cơ sở pháp lý để kinh tế nước ta có điều kiện phát triển lành mạnh.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, với việc sửa đổi Hiến pháp lần này, khẳng định lại vị trí, vai trò của kinh tế Nhà nước, chắc chắn các DNNN sẽ phải thu hẹp qui mô, chỉ đầu tư vào những lĩnh vực then chốt.

Theo thống kê, hiện nay, nước ta có 1.060 DNNN, trong đó 452 DN thuộc lĩnh vực quốc phòng an ninh, còn 608 DN thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Theo kế hoạch, tới đây, 608 DN này sẽ được sắp xếp lại./.

Vũ Hạnh/VOV online

 

 

.
.
.
.