Giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. |
Đến cuối năm 2012, cả nước có khoảng trên 380.000 lượt người đi khiếu nại, tố cáo; đã gửi trên 124.000 lượt đơn tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã nhận đơn, thụ lý và giải quyết được trên 54.000 đơn, đạt trên 85% tổng số đơn , thư khiếu nại.
“Các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo rất tích cực, có trách nhiệm, vì vậy tỉ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm 2012 cao hơn năm 2011. Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn ra rất phức tạp và vẫn cần tiếp tục thực hiện các giải pháp để công tác này có hiệu quả, hạn chế việc khiếu kiện của công dân” - Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh.
Về tiến độ giải quyết 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp kéo dài, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết: Tháng 5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 14 về thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; trong đó chỉ đạo Thanh tra Chính phủ phải phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương trong cả nước, thực hiện việc giải quyết khiếu nại với 528 vụ tồn đọng, phức tạp kéo dài.
Thực hiện chủ trương này của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã xây dựng kế hoạch và thành lập 28 tổ công tác, hoạt động từ tháng 5/2012 cho đến nay. Thanh tra Chính phủ đã tiến hành rà soát lại tất cả các vụ việc. Việc rà soát đã kết thúc cuối năm 2012.
Đầu năm 2013, Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành chức năng và các địa phương đã thống nhất phương án giải quyết được trên 300 vụ (chiếm trên 60% tổng số vụ việc); đến cuối tháng 2/2013, đã giải quyết dứt điểm hơn 110 vụ.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khẳng định: “Trong quá trình thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là giải quyết 528 vụ việc tồn đọng kéo dài, Thanh tra Chính phủ cùng các bộ, ngành, các địa phương đã tích cực vào cuộc và đến nay đã thực hiện được một bước rất đáng kể. Chúng tôi sẽ tập trung cao hơn trong thời gian sắp tới.”
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng có nhiều vụ việc khiếu kiện tồn đọng, phức tạp kéo dài, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh chỉ rõ: Nguyên nhân đầu tiên là vấn đề của cơ chế, chính sách trong thời gian vừa qua chưa đầy đủ, chưa kịp thời, đặc biệt là một số trường hợp còn chưa đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Trong 528 vụ việc tồn đọng, khi phân loại ra, có tới 422 vụ việc (79,9%) thuộc lĩnh vực đất đai , gồm: Lĩnh vực thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng; tranh chấp đất đai; đòi lại đất cũ. Nguyên nhân những vụ việc này tồn đọng một phần là do chính sách. Thứ hai là do lịch sử để lại, như những vụ việc đòi lại đất cũ, tranh chấp đất đai, vẫn phải tiếp tục giải quyết. Nguyên nhân thứ ba là trong quá trình giải quyết khiếu nại, nhiều địa phương đã hết sức tích cực, giải quyết đến nơi, đến chốn, có trách nhiệm; nhưng cũng có một số địa phương, một số ngành giải quyết chưa dứt điểm, chưa rõ ràng, đặc biệt chưa làm rõ việc khiếu nại của công dân, nên người dân chưa đồng tình.
Bên cạnh đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng chỉ ra rằng, có một số vụ việc là do người dân chưa hiểu về pháp luật, quyền và nghĩa vụ của khiếu nại, tố cáo, nên nhiều vụ việc đã được giải quyết ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lần, đã đúng pháp luật, nhưng vẫn tiếp tục khiếu nại.
“Trên cơ sở nhìn ra 4 nguyên nhân trên, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung tháo gỡ. Đặc biệt về nguyên nhân do cơ chế chính sách thì Quốc hội và Chính phủ cũng đang thực hiện những thay đổi về mặt chính sách, đặc biệt là sửa đổi Luật Đất đai lần này,” Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh.
"Trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ đã có kế hoạch rà soát toàn bộ các vụ việc tồn đọng kéo dài. Khi triển khai rà soát các vụ việc, chúng tôi thấy có vụ việc vừa qua kéo dài 35-36 năm, đã qua nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lần giải quyết, và có thể nói một số vụ việc đã hết thẩm quyền, vì đã giải quyết rồi, nhưng người dân chưa đồng tình. Nên chủ trương lần này là tập trung rà soát tất cả các vụ việc, kể cả các vụ việc đã hết thẩm quyền. Trong trường hợp những vụ việc này đã giải quyết đúng pháp luật, có lý, có tình rồi, thì cũng thông báo rõ cho người khiếu nại để họ chấm dứt khiếu nại, không đi khiếu nại nhiều cấp, nhiều ngành nữa. Làm như vậy sẽ rõ ràng về mặt trách nhiệm, pháp luật, đồng thời để người dân hiểu rõ vụ việc của mình đã được giải quyết trên cơ sở pháp luật, có tình, có lý, để họ chấp hành quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước” - Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khẳng định./.
Phúc Hằng (TTXVN)