Đề xuất gỡ khó cho doanh nghiệp FDI
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Luật sửa đổi điều 170 của Luật Doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục duy trì hoạt động, đặc biệt là các doanh nghiệp đã đi vào sản xuất kinh doanh ổn định, có lực lượng lao động gắn bó lâu dài, đóng góp cho xã hội và ngân sách Nhà nước.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc sửa đổi Điều 170 theo hướng này đảm bảo quyền tự chủ của doanh nghiệp trong việc quyết định phương thức tổ chức quản lý và hoạt động kinh doanh. |
Điều 170 của Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã được cấp Giấy phép đầu tư trước ngày 1/7/2006 phải đăng ký lại và tổ chức quản lý, hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và pháp luật có liên quan; việc đăng ký lại được thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực.
Nếu không đăng ký lại, trong trường hợp này, doanh nghiệp chỉ được quyền hoạt động kinh doanh trong phạm vi ngành nghề và thời hạn ghi trong Giấy phép đầu tư và tiếp tục hưởng ưu đãi theo quy định của Chính phủ.
Theo quy định trên, kể từ ngày 1/7/2011, những doanh nghiệp FDI chưa thực hiện đăng ký lại không được bổ sung ngành nghề kinh doanh, chỉ được hoạt động kinh doanh trong phạm vi ngành nghề quy định tại Giấy phép đầu tư.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không được gia hạn dự án đầu tư, chỉ được hoạt động trong thời hạn quy định tại Giấy phép đầu tư đã được cấp trước đây. Giấy phép đầu tư của các doanh nghiệp này quy định thời hạn hoạt động của doanh nghiệp với thời hạn phổ biến là 20 năm. Kết thúc thời hạn ghi tại Giấy phép đầu tư, các doanh nghiệp này phải chấm dứt hoạt động và giải thể.
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 12/2012, chỉ có khoảng 3.000 doanh nghiệp FDI hoàn thành đăng ký lại theo quy định này (trong tổng số 6.000 doanh nghiệp thuộc diện phải đăng ký lại).
Tình trạng nhiều doanh nghiệp FDI không thực hiện được thủ tục đăng ký lại đã và đang gây nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường đầu tư.
“Gỡ khó” cho doanh nghiệp
Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi khoản 2 Điều 170 Luật Doanh nghiệp năm 2005 theo hướng bãi bỏ thời hạn đăng ký lại của doanh nghiệp FDI, để cho phép các doanh nghiệp được lựa chọn không đăng ký lại hoặc đăng ký lại tại bất kỳ thời điểm nào thích hợp đối với doanh nghiệp.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc sửa đổi Điều 170 theo hướng này đảm bảo quyền tự chủ của doanh nghiệp trong việc quyết định phương thức tổ chức quản lý và hoạt động kinh doanh.
Đồng thời, cho phép doanh nghiệp không đăng ký lại tiếp tục hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Điều lệ doanh nghiệp, những nội dung khác thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan. Quy định này nhằm đảm bảo để doanh nghiệp không có nhu cầu đăng ký lại tiếp tục duy trì nguyên tắc tổ chức quản lý đã thỏa thuận trong Điều lệ, nhưng vẫn có thể thực hiện dự án đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư.
Theo phương án này, doanh nghiệp đăng ký lại và doanh nghiệp chưa đăng ký lại đều hoạt động trên cơ sở Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa đăng ký lại còn tiếp tục duy trì nguyên tắc tổ chức và hoạt động đã thỏa thuận tại Điều lệ doanh nghiệp không trái với quy định của pháp luật hiện hành.
Theo Chinhphu.vn