.
.

Nhật Bản luôn là thị trường ưu tiên xúc tiến đầu tư

Thứ Tư, 02/10/2013|10:03

Sau 40 năm kể từ ngày chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ kinh tế Việt Nam-Nhật Bản đã có những bước phát triển vượt bậc, trong đó phải kể đến thành tựu trong thu hút FDI của Nhật Bản vào Việt Nam. 

Hoạt động sản xuất của Công ty Mabuchi Motor Việt Nam (100% vốn đầu tư Nhật Bản) ở Khu công nghiêp Biên Hòa 2
Hoạt động sản xuất của Công ty Mabuchi Motor Việt Nam (100% vốn đầu tư Nhật Bản) ở Khu công nghiêp Biên Hòa 2

 


Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung đã trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam về các vấn đề nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ kinh tế giữa hai nước cũng như các giải pháp để đón đầu làn sóng đầu tư của Nhật Bản đang có xu hướng dịch chuyển vào khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Dưới đây là nội dung cuộc trả lời phỏng vấn:

- Ông có thể đánh giá khái quát về tình hình thu hút FDI của Nhật Bản trong thời gian qua?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung: Tính đến nay Nhật Bản đã có 2 .047 dự án FDI còn hiệu lực ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký 33,4 tỷ USD. Nhật Bản hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, chiếm tới 15% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam. 

Phần lớn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo (chiếm 83,7% tổng đầu tư của Nhật Bản và chiếm 24% tổng vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo), đã giúp Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp, phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa-hiện đại hóa của Việt Nam.

Đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam có xu hướng gia tăng trong một vài năm gần đây. Nếu như năm 2010, Nhật Bản chỉ có 144 dự án với tổng vốn đầu tư 2,37 tỷ USD vào Việt Nam thì sang năm 2011 con số này là 227 dự án và vốn đầu tư 2,6 tỷ USD, tăng 9,7%. 

Năm 2012 là 317 dự án, vốn đầu tư 5,6 tỷ USD, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2011. Trong 9 tháng năm 2013 đầu tư của Nhật Bản vẫn tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với 210 dự án và 4,7 tỷ USD vốn đăng ký.

- Có ý kiến cho rằng, Việt Nam chưa tận dụng được những cơ hội do làn sóng FDI của Nhật Bản vào Việt Nam trong những năm qua, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung: Theo tôi, quan điểm trên chưa hoàn toàn chính xác. Như đã trình bày ở trên, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đang có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Đặc biệt, sau năm 2011 do chịu ảnh hưởng của thảm họa thiên nhiên và sự lên giá của đồng yen, các nhà đầu tư Nhật Bản đã ồ ạt đầu tư ra nước ngoài trong đó có Việt Nam. 

Con số đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam năm 2012 đã thể hiện điều này với 5,6 tỷ USD vốn đầu tư, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2011 và cao nhất kể từ khi Nhật Bản có hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Để đón nhận làn sóng đầu tư của Nhật Bản, trong thời gian qua Việt Nam đã thực hiện rất nhiều các hoạt động, chương trình xúc tiến đầu tư để quảng bá môi trường đầu tư của Việt Nam. Trong đó, Nhật Bản luôn là thị trường ưu tiên của các hoạt động xúc tiến đầu tư. 

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã thực hiện nhiều hoạt động để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư Nhật Bản trong quá trình đầu tư kinh doanh tại Việt Nam như Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản (phối hợp với các doanh nghiệp Nhật Bản để tháo gỡ các vướng mắc về luật pháp, chính sách. Hiện Sáng kiến này đang triển khai giai đoạn 5) , hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật vùng Ichi. 

Bộ cũng đang xúc tiến việc thành lập “Saitama Desk” để hỗ trợ các doanh nghiệp vùng Saitama. Các nhà đầu tư Nhật Bản đều đánh giá đây là những công cụ hỗ trợ rất tích cực và có hiệu quả cao cho các nhà đầu tư Nhật Bản.


Tuy nhiên, nếu xét theo mong muốn của Việt Nam và tiềm năng của hai bên thì đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam vẫn chưa tương xứng và chúng ta cũng chưa tận dụng được hết những hiệu quả mà dòng vốn này mang lại. 

Một trong những nguyên nhân đó chính là sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của các dự án FDI Nhật Bản đặc biệt là các dự án lớn trong các lĩnh vực như sản xuất ôtô, xe máy, điện tử...

Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác là hệ thống cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực của Việt Nam cũng chưa đáp ứng được yêu cầu để thu hút và phát huy hết hiệu quả của các dự án đầu tư của Nhật Bản.

- Ngành công nghiệp phụ trợ yếu, tỷ lệ nội địa hóa thấp đang làm mất dần lợi thế cạnh tranh thu hút FDI của Nhật Bản so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia? Theo ông cần có giải pháp gì để khắc phục hạn chế nêu trên?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung: Đây đúng là một trong những điểm yếu của môi trường đầu tư Việt Nam so với các nước trong khu vực. Để tăng cường khả năng cạnh tranh và tiếp tục thu hút FDI nói chung và FDI từ Nhật Bản nói riêng thì việc khắc phục các vấn đề này đóng vai trò quan trọng. 

Để cải thiện vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1043/QĐ-TTg ngày 1/7/2013 phê duyệt Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. 

Theo đó, 6 ngành công nghiệp được xác định cần tập trung phát triển, gồm điện tử, chế biến nông, thủy sản; máy nông nghiệp; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô và phụ tùng ôtô và đóng tàu. Định hướng đến năm 2020 sẽ tăng cường năng lực sản xuất của sáu ngành được lựa chọn, đồng thời tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ cho sáu ngành này gắn với chuyển giao công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Một loạt các giải pháp cũng đã được đề ra và giao cho các bộ, ngành triển khai thực hiện.

Về các giải pháp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ nói chung, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ và đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 103/NQ – CP ngày 29/8/2013 về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới .

Trước mắt, Bộ thực hiện ngay việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới thay thế Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2011 về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ theo hướng quy định cụ thể, chi tiết ngành, sản phẩm thuộc công nghiệp hỗ trợ theo hướng tập trung vào một số ngành, sản phẩm trọng điểm; quy định các tiêu chí xác định ngành, sản phẩm được hưởng ưu đãi theo diện công nghiệp hỗ trợ theo hướng đảm bảo rõ ràng, dễ hiểu, minh bạch

Bộ cũng nghiên cứu, nâng mức ưu đãi đủ sức hấp dẫn các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ theo danh mục lĩnh vực và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ do Chính phủ ban hành, cũng như các dự án sử dụng nhiều nguồn cung cấp vật tư, nguyên liệu,... từ thị trường nội địa.

Về lâu dài, Bộ nghiên cứu, xây dựng Luật khuyến khích và phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Việt Nam thu hút FDI từ Nhật Bản chủ yếu là nhân công giá rẻ, nhưng lợi thế này là không bền vững và cũng đang mất dần so với các nước trong khu vực Đông Nam Á (Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Malaysia,...), quan điểm của ông về vấn đề này?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung: Đúng là lợi thế nhân công giá rẻ của Việt Nam là không bền vững và cũng đang giảm dần trong bối cảnh lương cơ bản liên tục tăng trong những năm vừa qua.

Tuy nhiên, hiện nay bên cạnh chi phí nhân công thì các doanh nghiệp của Nhật Bản cũng đang rất quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực. Do đó, trong thời gian tới, để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực, chiến lược của Việt Nam sẽ là tập trung để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020, trong đó, xác định mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 55% và năm 2020 sẽ có 70% lao động qua đào tạo; đến năm 2020 xây dựng được 4 trường đại học và 10 trường đào tạo nghề đẳng cấp quốc tế. 

Chiến lược này cũng đã đề ra một loạt các giải pháp để đạt được các mục tiêu nêu trên. Tôi tin tưởng, rằng nếu các ngành, các cấp cùng quyết tâm thực hiện các giải pháp này một cách triệt để thì chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam sẽ được cải thiện, qua đó tăng cường năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, môi trường đầu tư của Việt Nam đã có những cải thiện nhưng vẫn chưa nhiều. Đây vẫn là điểm yếu chính trong thu hút đầu tư nước ngoài. Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có những giải pháp nào để cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút đầu tư nói chung và đầu tư của Nhật Bản nói riêng?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung: Các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư đã được Bộ Kế hoạch Đầu tư trình Chính phủ thông qua tại Nghị quyết của Chính phủ số 103/NQ-CP ngày 29/8/2013 về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới. 

Theo đó một số giải pháp cụ thể là hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư theo hướng nhất quán, công khai, minh bạch, có tính dự báo, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và có tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực; điều chỉnh một số nguyên tắc quản lý và phân cấp đầu tư nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, chịu trách nhiệm của địa phương, đồng thời đảm bảo quản lý thống nhất của trung ương.

Hoạt động xúc tiến đầu tư được đổi mới theo hướng gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội quốc gia, đồng thời có sự điều phối chung thống nhất của Trung ương về nội dung, thời gian, địa điểm, được thực hiện theo kế hoạch và theo định hướng thu hút đầu tư nước ngoài; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư.

Mặt khác, tăng cường đối thoại giữa các cơ quan của Chính phủ với các doanh nghiệp FDI nói chung và doanh nghiệp của Nhật Bản nói riêng nhằm nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. 

Cùng với đó, Bộ sẽ nhanh chóng giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đảm bảo các doanh nghiệp hoạt động bình thường và có hiệu quả. Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các biện pháp để ổn định kinh tế vĩ mô nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh ổn định và lành mạnh cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài./.

Quốc Huy (TTXVN)

 

.
.
.
.