.
.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước phải bảo đảm có lợi cho doanh nghiệp và người lao động

Thứ Hai, 10/03/2014|11:53

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong hai năm 2014-2015, số lượng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải cổ phần hóa (CPH) là 432 doanh nghiệp (DN), đồng thời các bộ, ngành, địa phương còn phải tiếp tục rà soát các DNNN còn nắm giữ 100% vốn để bổ sung vào diện CPH theo tiêu chí mới phân loại DNNN... Có ý kiến lo ngại rằng, việc mỗi năm phải hoàn thành CPH 216 DNNN và thêm nữa... sẽ có thể dẫn đến tình trạng chạy theo số lượng, không bảo đảm chất lượng CPH. Chung quanh vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi ý kiến với Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Ðổi mới và phát triển doanh nghiệp Phạm Viết Muôn.

PV: Thưa đồng chí, sau Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN 2014-2015 diễn ra ngày 18-2 vừa qua, có ý kiến lo ngại rằng, việc hoàn thành mục tiêu mỗi năm CPH 216 DNNN và nhiều hơn nữa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, có thể dẫn đến tình trạng các bộ, ngành, địa phương chạy theo số lượng, coi nhẹ chất lượng CPH. Ý kiến của đồng chí về vấn đề này như thế nào?

Ðồng chí Phạm Viết Muôn: Nếu nhìn toàn diện quá trình CPH DNNN, từ khi bắt đầu vào năm 1990 đến nay, nhất là giai đoạn 2001 - 2010, có thể khẳng định số lượng DNNN phải hoàn thành CPH trong hai năm tới đây không phải là nhiều. Trong 10 năm (2001 - 2010), chúng ta đã CPH được gần 4.000 DN, bình quân mỗi năm 400 DN, các năm cao nhất 2004 - 2006, mỗi năm CPH tới 700 -800 DN. Bây giờ mỗi năm làm 216 DN, tôi nghĩ không phải là quá sức. Căn cứ Kết luận số 50-KL/TW của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XI), Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí mới về phân loại DNNN và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước rà soát, bổ sung các DN hiện Nhà nước còn giữ 100% vốn vào diện CPH. Mục tiêu là tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ để DNNN tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, quốc phòng, an ninh, làm tốt vai trò của nó trong nền kinh tế nhiều thành phần định hướng XHCN ở nước ta.

Trong tổng số 432 DN CPH, có tới 183 DN (chiếm 43%) thuộc các TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng công ty Hàng hải, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam. Ðây là những nơi có điều kiện hạ tầng, kinh tế - xã hội, mức sống của người dân, sự quan tâm của nhà đầu tư cao hơn nơi khác, có tiền đề vật chất cho CPH thuận lợi hơn nơi khác. Hơn nữa, các đơn vị này trong các năm trước 2010 đều là những đơn vị đi đầu trong sắp xếp, CPH DNNN, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng. Nhiều bài học kinh nghiệm, cơ chế, chính sách sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả DNNN cũng được khởi nguồn từ thực tế sinh động ở những nơi đây. Vừa qua, các đồng chí có làm, nhưng chưa tới kết quả cuối cùng. Nếu tới đây chỉ đạo tốt thì nhiệm vụ đặt ra không phải không có căn cứ để hoàn thành.

PV: Bên cạnh CPH, Thủ tướng cũng chỉ đạo đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Và để làm được điều này, Chính phủ cho phép, với những khoản đầu tư không hiệu quả, có thể thoái vốn bằng cách bán dưới mệnh giá. Như vậy, liệu giải pháp này có làm mất vốn nhà nước không, thưa đồng chí?

Ðồng chí Phạm Viết Muôn: Vấn đề này cũng giống như việc nhìn nhận, đánh giá số DNNN phải CPH. Tổng số vốn phải thoái từ các hoạt động đầu tư ngoài ngành của DNNN là hơn 22 nghìn tỷ đồng, vừa qua đã thoái được 4.164 tỷ đồng, còn lại hơn 17 nghìn tỷ đồng là con số không đáng lo ngại. Chúng ta cần nhìn nhận tương quan: 17 nghìn tỷ đồng đặt riêng thì rất lớn, nhưng khi chúng ta nhìn ra xa hơn, đặt trong tổng thể thực tiễn hoạt động của DNNN thì lại rất khác. Bởi so với tổng số vốn điều lệ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vào khoảng 840 nghìn tỷ đồng (chiếm 85% tổng số vốn DNNN), 17 nghìn tỷ đồng chỉ chiếm khoảng 2% thôi.

Trước đây, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện đầu tư ra ngoài ngành cũng là thực hiện theo Nghị quyết của Trung ương nhằm đa dạng hóa ngành nghề, giải quyết thêm việc làm, tạo sản phẩm cho xã hội. Số vốn 17 nghìn tỷ đồng chúng ta nói ở đây hiện đang nằm trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán là chủ yếu. Ðầu tư thì không thể lúc nào cũng lãi, có lúc lãi, có lúc lỗ, có dự án hiệu quả, có dự án chưa hiệu quả, thậm chí thất bại. Trên thương trường, làm ăn kinh tế phải chấp nhận điều này. Nhà nước giao vốn cho DN, DN có nghĩa vụ bảo toàn và phát triển, nhưng là sự bảo toàn và phát triển trên tổng thể chứ không phải chi tiết theo từng khoản đầu tư, từng danh mục. Việc này thuộc trách nhiệm của DN.

Thực tế ghi nhận rằng, về tổng thể, các DNNN đã bảo toàn, phát triển được vốn nhà nước. Ba năm vừa qua, vốn nhà nước tăng bình quân 15%. Năm 2012, vốn nhà nước tại các DN đạt hơn một nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2011. Ở từng DN cụ thể, nếu đầu tư vi phạm pháp luật, làm mất vốn nhà nước thì phải xử lý tập thể, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật. Chúng ta rất nghiêm túc, minh bạch trong vấn đề này.

PV: Theo lộ trình, đến hết năm 2015, các DNNN sẽ phải hoàn thành thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Tuy nhiên, tại Hội nghị vừa qua, có DN kiến nghị cân nhắc gia hạn đối với một số dự án đầu tư ngoài ngành hiệu quả. Xin đồng chí cho biết quan điểm của đồng chí về kiến nghị này của DN?

Ðồng chí Phạm Viết Muôn: Trong hoạt động đầu tư, không ai nói trước được rằng dứt khoát tất cả vốn đầu tư đều hiệu quả như mong muốn. Có những khoản đầu tư do nhiều nguyên nhân bị mất giá, càng để càng mất giá, nên cần tỉnh táo bán sớm để bảo toàn số vốn còn lại. Chúng ta nên nhìn nhận thực tế đó trong nền kinh tế thị trường để người được ủy quyền quản lý vốn thực hiện nhiệm vụ được giao. Hơn nữa, nếu khi đầu tư là 10 đồng, nay khả năng không tốt thì bán, thu về chỉ được 6, 7 đồng, nhưng dùng 6, 7 đồng này đầu tư tiếp vào cái khác thu lại được gấp đôi thì đó là sự thoái vốn có lợi hơn. Nhưng nếu không cho mà cứ bắt buộc DN phải bán sao cho đủ 10 đồng ban đầu thì không ai làm được. Bắt người khác làm cái việc mình không làm được, và thực tế không bán được thì chỉ thiệt thêm cho Nhà nước, người đại diện phần vốn nhà nước có mất gì đâu, có chăng là mất trách nhiệm và mất chức vụ đang đảm nhiệm thôi. Vì vậy, để tháo gỡ việc bán vốn nhà nước dưới giá đầu tư, tức là dưới giá vốn, Chính phủ có Nghị quyết cho phép thực hiện với những điều kiện cụ thể, khả thi, có lợi.

Ðối với các dự án tốt, mà DN có ý gia hạn là để có điều kiện thu hồi vốn, cần có lộ trình cụ thể, nhưng gì thì cũng phải chốt ở thời điểm 31-12-2015.

Là đảng viên, chúng ta phải chấp hành thực hiện Nghị quyết của Ðảng. Là cán bộ, chúng ta phải tuân thủ kỷ cương, kỷ luật hành chính. Quán triệt tinh thần như vậy, tái cơ cấu DNNN phải bảo đảm có lợi cho nhân dân, cho đất nước, cho DN và người lao động.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Ban hành một loạt giải pháp đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 15/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Theo đó, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN được thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của DN sau khi đã trừ đi khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính theo quy định và trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, quyết định.

Việc chuyển nhượng các khoản đầu tư tại các công ty cổ phần chưa niêm yết có giá trị tính theo mệnh giá từ 10 tỷ đồng trở lên, DN được lựa chọn thuê tổ chức tài chính trung gian (các công ty chứng khoán) bán đấu giá, hoặc tự tổ chức đấu giá tại DN. Trường hợp đấu giá không thành công, DN báo cáo chủ sở hữu xem xét, quyết định bán thỏa thuận.

Bên cạnh đó, cho phép chào bán ra công chúng số cổ phần mà DNNN đã đầu tư tại các công ty đại chúng có hoạt động sản xuất kinh doanh: 1) Năm liền trước năm đăng ký chào bán có lỗ, đồng thời có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; 2) Năm liền trước năm đăng ký chào bán có lỗ nhưng không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; 3) Năm liền trước năm đăng ký chào bán có lãi, đồng thời có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán...

Sông Trà (Theo Nhân dân)

.
.
.
.