.
.

Hành động quyết liệt, tháo gỡ khó khăn cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước

Thứ Ba, 31/03/2020|10:35

“Phải hành động quyết liệt, tháo gỡ từng bước nhưng phải khẩn trương và triệt để các vướng mắc trong hoạt động của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty”.

Đó là phát biểu kết luận cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhằm cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty do Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu, chiều 28/3.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu kết luận cuộc họp.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu kết luận cuộc họp.

Chính phủ đặc biệt quan tâm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho sản xuất, kinh doanh

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) được thành lập và hoạt động theo chủ trương của Đảng về đổi mới, hoàn thiện thể chế về quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tại Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII; chỉ đạo của Bộ Chính trị; Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) và các quy định của Chính phủ. 

Đây là chủ trương lớn của Đảng về tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước, chức năng quản trị kinh doanh của DNNN theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế; sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước của các bộ, UBND đối với vốn, tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý của DNNN.

Sau hơn 1 năm hoạt động, UBQLVNN đã đạt được một số kết quả quan trọng bước đầu, song cũng phát sinh một số tồn tại, vướng mắc trong tổ chức, hoạt động, thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp cần được tháo gỡ, xử lý. Trong bối cảnh hoàn thiện thể chế về một mô hình quản lý mới, quy mô, tác động lớn, khó tránh khỏi các vướng mắc, chồng chéo pháp luật và tổ chức thực hiện.

Chỉ đạo của Bộ Chính trị cũng nêu rõ: “Việc triển khai thực hiện Đề án cần minh bạch, làm từng bước vững chắc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm”, bởi đây là vấn đề lớn, khó và phức tạp, yêu cầu đặt ra là phải hành động quyết liệt, tháo gỡ từng bước nhưng phải khẩn trương và triệt để các vướng mắc trong hoạt động của UBQLVNN và hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, tập trung chỉ đạo, điều hành xử lý vấn đề này. Trong năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều cuộc họp với UBQLVNN, các tập đoàn, tổng công ty để cho ý kiến, chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc. Chính phủ đã giao, chỉ đạo Bộ KH&ĐT, UBQLVNN, các bộ, cơ quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết này”, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ.

Về yêu cầu tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết này, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan tập trung nguồn lực, khẩn trương thực hiện ngay các nhiệm vụ được giao.

Không nêu vướng mắc một cách chung chung

UBQLVNN, các bộ, cơ quan liên quan có trách nhiệm và chủ động phối hợp với Bộ KH&ĐT, trực tiếp làm việc để xử lý từng vấn đề thuộc trách nhiệm; rà soát lại toàn bộ các vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty. Kiến nghị Chính phủ xử lý dứt điểm các vướng mắc theo đúng thẩm quyền chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Thực hiện đúng chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, xác định rõ các vướng mắc do quy định của pháp luật, do tổ chức thực hiện, đề xuất phương án, trách nhiệm xử lý cụ thể. UBQLVNN chủ động phối hợp với Bộ KH&ĐT, chịu trách nhiệm về các kiến nghị Chính phủ trong dự thảo Nghị quyết bảo đảm giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty.

Rà soát, kiến nghị cụ thể đối với các vấn đề vướng mắc, cần sửa đổi, bổ sung các luật, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các bộ, không nêu chung chung như “vướng mắc do quy định của pháp luật”... Báo cáo, đề xuất giải pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện đối với các vấn đề khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền.

Về các vấn đề cụ thể đề xuất với Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh Bộ KH&ĐT nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của VPCP, các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị quyết theo hướng xử lý từng vướng mắc về các vấn đề như: thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư (theo Luật Đầu tư) dự án dưới 5.000 tỷ đồng thực hiện trên địa bàn nhiều địa phương; trình tự, thẩm quyền quyết định đầu tư của DN, phê duyệt của UBQLVNN (theo quy định của Luật 69/2014/QH13) đối với các dự án thuộc thẩm quyền, trách nhiệm phê duyệt của UBQLVNN. Việc lập hồ sơ dự án, báo cáo khả thi, tiền khả thi, hồ sơ quyết định đầu tư, phê duyệt đầu tư (của DN, UBQLVNN), quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư thực hiện theo quy định tương ứng của Luật 69/2014/QH13, Luật 67/2014/QH13, Luật Xây dựng và quy định của pháp luật liên quan.

Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án dưới 5.000 tỷ đồng có phạm vi thực hiện tại nhiều địa phương, trước mắt, khi chưa sửa Luật Đầu tư, Nghị định 118/2016/NĐ-CP của Chính phủ, nhà đầu tư cần thực hiện quy định đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, văn phòng điều hành tại một trong các tỉnh nơi thực hiện dự án để thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, lấy ý kiến các địa phương liên quan theo cơ chế phối hợp quản lý nhà nước. Phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình Quốc hội hoàn thiện quy định của Luật Đầu tư (sửa đổi) quy định theo hướng Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án này, phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Về thẩm quyền phê duyệt của cơ quan đại diện chủ sở hữu (UBQLVNN), Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu hoàn thiện dự thảo Nghị quyết giao UBQLVNN thực hiện đúng trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu, phê duyệt dự án đầu tư theo báo cáo của Hội đồng Thành viên, Chủ tịch Công ty theo quy định tại Điều 24, Luật 69/2014/QH13, Nghị định 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ; trình tự, thủ tục đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định thực hiện theo quy định của pháp luật các lĩnh vực chuyên ngành.

Việc xác định cơ quan chủ quản, thẩm quyền quyết định đầu tư dự án giữa UBQLVNN và các bộ được Phó Thủ tướng Thường trực giao cho Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ KH&ĐT làm rõ căn cứ xác định cơ quan chủ quản, giao kế hoạch, dự án đầu tư công đang triển khai theo Luật Đầu tư công, bảo đảm phù hợp với quy định về phân bổ, giao dự toán NSNN theo quy định của Luật NSNN, (giải quyết vướng mắc hiện nay đối với các dự án hạ tầng của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam…); hoàn thiện dự thảo Nghị quyết theo quy định của Luật Đầu tư công nêu trên. BộKH&ĐT nghiên cứu đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 131/2018/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công.

Về đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của các Luật liên quan được giao cho Bộ KH&ĐT phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư; Bộ Tài chính phối hợp với UBQLVNN khẩn trương rà soát, tổng kết thi hành Luật số 69/2014/QH13, báo cáo Chính phủ trong Qúy II năm 2020 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu, phạm vi trách nhiệm, mối quan hệ với các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, đầu tư vốn Nhà nước, đầu tư công, quản lý, sử dụng tài sản công.

Đối với các vướng mắc cụ thể khác trong hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty, Phó Thủ tướng Thường trực giao Bộ KH&ĐT phối hợp với UBQLVNN, các bộ, cơ quan liên quan rà soát các vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty, xác định rõ các vướng mắc thuộc thẩm quyền chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giải pháp xử lý cụ thể trong dự thảo Nghị quyết; báo cáo giải trình rõ việc kiến nghị hoặc lý do không kiến nghị Chính phủ quyết nghị chỉ đạo xử lý. 

Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu UBQLVNN, các tập đoàn, tổng công ty phối hợp với các bộ, cơ quan khẩn trương rà soát thực hiện ngay các nhiệm vụ tồn đọng; hoàn tất thủ tục đối với các vấn đề báo cáo xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền; báo cáo rõ, đề xuất giải pháp xử lý vướng mắc do quy định của pháp luật; vấn đề vượt thẩm quyền, chậm chễ, trì trệ trong phối hợp xử lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời, nhất là đối với các dự án thuộc Đề án 1468.

Chính phủ nhận diện đầy đủ khó khăn của DN trước đại dịch COVID-19

“Tôi hết sức chia sẻ khó khăn với các tập đoàn, tổng công ty, cộng đồng doanh nghiệp trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhận diện đầy đủ về các khó khăn tác động đến hoạt động của doanh nghiệp, đang tập trung tối đa nguồn lực cho công tác phòng chống dịch và tin tưởng rằng các tập đoàn, tổng công ty, cộng đồng doanh nghiệp, người dân luôn chia sẻ, hỗ trợ, đồng hành với Chính phủ trước khó khăn này và chúng ta sẽ vượt qua đại dịch, nhanh chóng trở lại quỹ đạo phát triển”, Phó Thủ tướng Thường trực nói.

Về các kiến nghị của các bộ, cơ quan, tập đoàn, tổng công ty được xác định là vấn đề hết sức cấp bách, do đó, Bộ KH&ĐT tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu, đánh giá tác động toàn diện để đề xuất chính sách, giải pháp; tập trung rà soát từng vấn đề thuộc thẩm quyền chỉ đạo, điều hành của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan quản lý nhà nước; đề xuất các nhóm giải pháp chính sách toàn diện, đồng bộ, hữu hiệu triển khai được ngay, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

P.V

.
.
.
.