.
.

Nhà máy Đạm Ninh Bình có nhiều ưu đãi cho nông dân

Thứ Bảy, 19/05/2012|15:54

Nhà máy Đạm Ninh Bình (ĐNB) đã chính thức vận hành, bắt đầu cung ứng đạm cho thị trường. Việc ra đời Nhà máy ĐNB sẽ góp phần kết thúc một “chương” dài về nhập khẩu phân đạm từ nước ngoài của Việt Nam.

PV đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Thiệu – Phó Tổng giám đốc Nhà máy Đạm Ninh Bình về câu chuyện này.

Việc ra đời Nhà máy ĐNB sẽ có tác động như thế nào đến thị trường phân bón, thưa ông?

- Việt Nam là một nước nông nghiệp sử dụng trên 2 triệu tấn phân đạm urê/năm. Mỗi năm nước ta phải nhập khẩu trên 1 triệu tấn urê với lượng ngoại tệ bỏ ra gần 600 triệu USD. Việc ra đời Nhà máy ĐNB đã góp phần kết thúc một “chương” dài về nhập khẩu phân đạm từ nước ngoài của Việt Nam. Góp phần đảm bảo cho nhu cầu phân bón trong nước, tham gia chương trình an ninh lương thực quốc gia, ĐNB sẽ cung cấp đạm cho khu vực miền Bắc, miền Trung nói riêng và cả nước nói chung, tạo ra sự ổn định về nguồn cung, tránh được tác động xấu do biến động thị trường đạm thế giới.

Đối với tỉnh Ninh Bình, dự án xây dựng Nhà máy ĐNB góp phần rất lớn vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, đóng góp cho ngân sách của tỉnh, tạo ra 1.000 việc làm trực tiếp và hàng nghìn việc làm gián tiếp.

Vậy đâu sẽ là thị trường trọng điểm để tiêu thụ sản phẩm, thưa ông?

- Đó là thị trường miền Bắc và miền Trung (từ Thừa Thiên - Huế trở ra), các thị trường tiềm năng là Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Ông có thể cho biết khó khăn nhất trong giai đoạn hiện nay khi mà sản phẩm của nhà máy chuẩn bị tiếp cận thị trường là gì?

- Khó khăn đầu tiên là vốn, bao gồm cả vốn đầu tư và vốn lưu động. Trước đây chủ đầu tư đã ký hợp đồng với các ngân hàng đảm bảo đủ vốn để thực hiện dự án, riêng hợp đồng với Ngân hàng Phát triển Việt Nam lại giải ngân bằng tiền đồng, tiền đồng bị trượt giá nên không đủ nguồn vốn giải ngân như ban đầu, bây giờ đang thiếu khoảng 40 triệu USD.

Hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cũng đang sắp xếp để cân đối. Về vốn lưu động, khi nhà máy đi vào hoạt động thì cần một số vốn khá lớn để phục vụ cho sản xuất, tuy nhiên toàn bộ tài sản cố định của nhà máy đã được thế chấp để có tiền xây dựng, nên giờ tiền vốn lưu động cũng đang gặp khó.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang dần dần tháo gỡ. Khó khăn nữa là về kỹ thuật, nhà máy đã lắp đặt nhiều dây chuyền hiện đại, có những dây chuyền công nghệ chỉ duy nhất Nhà máy ĐNB có (công nghệ khí hóa than) nên để làm chủ được công nghệ, chúng tôi cần có một quãng thời gian nhất định.

Hiện nay có một số nhà máy đang thực hiện chương trình cung ứng phân bón trả chậm cho nông dân, ĐNB có áp dụng chương trình này không?

- Thực ra khi bán hàng cho nông dân, việc xác định trả chậm cũng rất cần thiết bởi đơn giản đối với nông dân, mùa vụ đến trước còn thu hoạch thì đến sau do đó việc áp dụng chương trình này là rất phù hợp. ĐNB đã nghĩ đến phương thức này, còn những phương án cụ thể thì chúng tôi đang tính toán.

Ông đánh giá như thế nào việc cung ứng phân bón qua kênh Hội Nông dân?

- Chúng tôi có tính đến kênh phân phối này, đây cũng là một phương án khả thi và đang được tính toán chi tiết. Chắc chắn chúng tôi sẽ không thể bỏ qua kênh cung ứng Hội Nông dân.

Xin cảm ơn ông!

.
.
.
.