.
.

Tái cơ cấu kinh tế phải bắt đầu từ tư duy

Chủ Nhật, 12/02/2012|22:55

Từ sau Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI (10/2011), vấn đề tái cơ cấu (hay tái cấu trúc) kinh tế với ba trọng tâm là đầu tư công, hệ thống ngân hàng (NH) và doanh nghiệp (DN) nhà nước đã được đề cập với tần suất khá cao trong các văn kiện chính trị, trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua phát biểu của nhiều quan chức cũng như chuyên gia.

Tuy vậy, nhận thức về nhiều vấn đề liên quan vẫn chưa hẳn định hình, thậm chí có nhà kinh tế còn nói rằng hình dạng của tái cơ cấu kinh tế còn chưa rõ.

Thực ra trong lịch sử hơn nửa thế kỷ qua, không phải bây giờ ở nước ta mới có chuyện tái cơ cấu kinh tế.

Công cuộc cải tạo kinh tế gắn với công nghiệp hóa trước thập niên 1980 thực tế là một cuộc đại tái cơ cấu kinh tế, qua đó đã hình thành nên nền kinh tế ngày nay gọi là “tập trung bao cấp” hiệu quả rất thấp.

Công cuộc đổi mới kinh tế bắt đầu từ năm 1986, sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (Đại hội VI) cũng là một cuộc đại tái cơ cấu kinh tế, qua đó nền kinh tế tập trung bao cấp đã được chuyển thành nền kinh tế thị trường nhiều thành phần.

Tuy nhiên, chính sách quản lý kinh tế của Nhà nước trong những năm đầu đổi mới sau Đại hội VI nổi rõ tinh thần “cởi trói” cho những lực lượng kinh tế bị cơ chế quản lý tập trung bao cấp kìm nén “bung ra”, nhất là trong nông nghiệp. Nhưng do thực lực nhỏ yếu, khả năng “bung ra” của nền kinh tế có hạn và sớm hết đà.

Cứ nhìn vào nhịp độ tăng trưởng kinh tế luôn được đánh giá là cao ở nước ta trong 25 đổi mới, thấy chỉ có vài năm tăng trưởng trên 8%, còn đều dao động trong khung 5 - 7%. So với những nước đã và đang hóa rồng có cùng điểm khởi đầu tương tự nước ta, những thành tựu như thế thật chưa thể tự hào.

Song, điều đáng quan tâm hơn là trong các văn kiện của Đảng cũng như của Nhà nước từ sau Đại hội VI đến nay đều có nhận định là cơ cấu kinh tế nước ta chuyển biến chậm, chất lượng, hiệu quả tăng trưởng thấp.

Nguyên nhân chủ quan của tình hình đó là “do những yếu kém nội tại của nền kinh tế với mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế lạc hậu, kém hiệu quả, tích tụ kéo dài từ lâu” (*).

Phải đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (Đại hội XI) và nhất là tại Hội nghị Trung ương 3 Khóa XI vừa qua, Đảng mới xác định rõ được như vậy và trên cơ sở đó đề ra được nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế với ba trọng tâm đã nêu với tất cả tính bức xúc của nó.

Điều đáng mừng là ý tưởng tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng sớm được các ngành, các cấp và toàn xã hội đồng thuận. Nhưng không phải các ngành, các cấp đều đã hiểu rõ, đúng, thống nhất về những công việc phải làm và mục tiêu phải đạt, kể cả đội ngũ quản lý.

Thật vậy, vấn đề nâng cao hiệu quả đầu tư công đã được đặt ra từ lâu, yêu cầu giảm đầu tư công đã được nêu trong Nghị quyết 11 của Chính phủ về chống lạm phát (2/2011).

Vậy bây giờ nội dung và mục tiêu tái cơ cấu đầu tư công là gì? Có gì mới so với những yêu cầu trước đây? Đầu tư công tất gắn với DN nhà nước, cả hai đều là trọng tâm tái cơ cấu, vậy chúng liên hệ và tác động lẫn nhau thế nào để không những không gây vướng, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho nhau.

Tái cơ cấu DN nhà nước cũng không phải là vấn đề mới. Chúng ta đã có 20 năm cải cách (hay đổi mới) DN nhà nước, nhưng chỉ loay hoay trong vấn đề cổ phần hóa lúc khoan lúc nhặt, trong vấn đề tổ chức các đơn vị kinh tế quy mô lớn (tổng công ty, tập đoàn kinh tế).

Vậy cái mới trong tái cơ cấu DN nhà nước hiện nay là gì, trong khi nhiều quan điểm còn chưa xác định rõ: vai trò của DN nhà nước trong nền kinh tế nhiều thành phần, có chủ đạo hay không, có là công cụ kinh tế của Nhà nước hay không? Cần mở rộng hay thu hẹp? Và đó cũng là những vấn đề trong tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu sở hữu...

Chưa làm rõ những quan điểm như vậy, chưa có cơ sở để đề ra những chính sách, biện pháp tái cơ cấu DN nhà nước phù hợp, rồi lại chỉ quay trở lại vấn đề sắp xếp DN về mặt hình thức tổ chức.

Trong một số hội thảo về tái cơ cấu DN nhà nước, vẫn chỉ thấy nổi lên vấn đề cổ phần hóa, mà cũng chỉ là những vấn đề mang tính kỹ thuật-nghiệp vụ (như lo thất thoát tài sản của Nhà nước, sợ mất quyền điều hành của Nhà nước), trong khi những vấn đề quan trọng hơn ít được bàn luận: cổ phần hóa là gì, có liên hệ gì với tư nhân hóa, mục tiêu là gì (thoái vốn) đổi mới cung cách quản lý, tầm quan trọng của việc Nhà nước hoặc không cần nắm cổ phần chi phối...?).

Tái cơ cấu hệ thống NH là một vấn đề mới, nhưng chưa rõ nguyên nhân, mục tiêu, những việc phải làm khiến nó trở thành một trọng tâm tái cơ cấu kinh tế. Với việc sáp nhập ba NH vừa qua, do thiếu thông tin, người dân có thể hiểu tái cơ cấu NH là xóa bỏ các NH nhỏ yếu. Nếu chỉ cần vậy thì có cần tái cơ cấu không?

Trong nền kinh tế nước ta, khi các DN lớn cùng tồn tại và hoạt động song song với các DN vừa và nhỏ, thì NH lớn, vừa, nhỏ đều có địa bàn hoạt động, tại sao cứ phải lập ra nhiều NH lớn, trong khi các DN vừa và nhỏ và các hộ kinh doanh luôn than trời vì không tiếp cận được với tín dụng NH, phải sử dụng tín dụng ngoài NH, ngoài sự kiểm soát của Nhà nước.

Cần thấy rằng so với tái cơ cấu qua đổi mới kinh tế cuối thế kỷ trước, tái cơ cấu lần này phức tạp và có những đòi hỏi cao hơn rất nhiều.

Nó không còn chỉ là “cởi trói” mà là tổ chức lại nền kinh tế thị trường nhiều thành phần trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới đã khá sâu, trong đó vai trò của Nhà nước rất quan trọng và cũng rất phức tạp, bởi Nhà nước phải quản lý chủ yếu bằng pháp luật và các chính sách khuyến khích kinh tế. Những biện pháp quản lý hành chính chỉ là công cụ bổ trợ trong một số trường hợp cần thiết.

(*) Phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 3 Khóa XI

LÊ VĂN TỨ
.
.
.
.