.
.

Sẽ có một cơ quan chuyên quản doanh nghiệp nhà nước

Thứ Sáu, 19/10/2012|09:46

Chiều 18-10, Tuổi Trẻ đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Văn Dũng (trưởng Ban cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) xung quanh đề án “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN)” vừa được Hội nghị trung ương 6 thảo luận, cho ý kiến.

 

Ông Dũng nói: Cải cách DNNN luôn là một trong những vấn đề khó khăn nhất ở hầu hết các nước chuyển từ mô hình kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường, vì điều này liên quan đến những định hướng lớn. Vậy nên quan điểm thế nào, thực hiện ra sao đều đụng chạm nhiều vấn đề, từ bộ máy, con người, quyền lợi... Mục tiêu lần này vẫn là tập trung nâng cao hiệu quả DNNN.

Vấn đề suy cho cùng là hiệu quả, anh muốn giữ vai trò là lực lượng vật chất để kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo thì quan trọng nhất vẫn là hoạt động có hiệu quả. Tinh thần của trung ương là thống nhất sắp xếp, đổi mới một cách mạnh mẽ hơn. Cụ thể, chỉ giữ DNNN 100% vốn nhà nước trong một số ngành, lĩnh vực then chốt và địa bàn quan trọng, hoàn thành việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có dưới 50% vốn nhà nước vào năm 2015...

Một vấn đề quan trọng nữa là về mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu. Tổng bí thư đã nêu rõ việc nghiên cứu hình thành cơ quan cấp bộ thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu đối với DNNN.

* Như vậy sẽ có một cơ quan cấp bộ chuyên trách quản DNNN? Đây sẽ là “siêu bộ” và liệu có rủi ro nào không?

- Về mô hình quản lý DNNN, một số nước Bắc Âu cũng có mô hình đầu mối quản lý doanh nghiệp ở các bộ. Nhưng xu hướng chung là thành lập một cơ quan riêng, chuyên trách. Tất nhiên, mô hình nào cũng có ưu và nhược điểm. Vấn đề là ta chọn mô hình nào phát huy được tốt nhất các ưu điểm và hạn chế nhược điểm. Với chủ trương thành lập một cơ quan cấp bộ của ta, tôi cho rằng sẽ khắc phục được nhiều nhược điểm.

Chắc chắn nếu được thành lập, cơ quan này sẽ tạo nên sự rung chuyển nhất định trong nền hành chính. Bởi các bộ hiện đang quản doanh nghiệp sẽ chỉ tập trung làm chính sách, nghĩa là tách chức năng quản lý hành chính nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu. Trước kia, thất thoát, sai phạm nếu xảy ra ở đâu đó thì mỗi bộ chỉ có một phần trách nhiệm, nay có một cơ quan cấp bộ như nêu trên sẽ chịu trách nhiệm chính.

Tất nhiên, tập trung vào một đầu mối có thể sẽ phát sinh những rủi ro, vì vậy cần phải công khai, minh bạch, cần tạo cơ chế kiểm tra, giám sát hết sức chặt chẽ, trong đó có sự giám sát của các cơ quan dân cử và giám sát trực tiếp của người dân.

Ông Bùi Văn Dũng - Ảnh: V.V.T.

* Lộ trình thành lập cơ quan cấp bộ này sẽ như thế nào, thưa ông?

- Sau khi trung ương ra kết luận về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN, Chính phủ sẽ xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện. Về nguyên tắc, muốn thành lập một cơ quan cấp bộ mới sẽ phải qua nhiều bước, trong đó có cả bước sửa các quy định pháp luật liên quan, rồi chuẩn bị nhân lực, tính toán công việc, giao biên chế, kinh phí... Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch - đầu tư nghiên cứu các vấn đề có liên quan, ví dụ như mô hình như thế nào, bước đầu chúng tôi đang nghiên cứu một số phương án. Tôi nghĩ nếu triển khai quyết liệt thì các công việc cần thiết phải được tiến hành trong năm 2013 và 2014 mới hình thành được.

* Dù cơ quan nào quản thì để nâng cao hiệu quả, cần áp đặt kỷ luật thị trường, chống độc quyền. Với kết luận Hội nghị trung ương 6, cần tiếp tục sửa cơ chế, không để Tập đoàn Than đương nhiên được giao các mỏ quy mô công nghiệp, Tập đoàn Dầu khí đương nhiên giữ tất cả mỏ dầu?...

- Đó là mục tiêu hướng tới, tôi nghĩ ta phải cố gắng đạt tới đích đó. Nhưng ví dụ như nói xây dựng thị trường điện cạnh tranh, không phải nay nói mai có ngay, mà phải xử lý rất nhiều vấn đề.

* Hiện còn tới khoảng 3.000 DNNN, theo ông, số đó có là quá nhiều và cần giảm mạnh để đảm bảo khả năng quản lý tốt?

- Chắc chắn sắp tới với tinh thần Hội nghị trung ương 6, sẽ phải giảm nhanh số DNNN. Ngay số hơn 1.000 DNNN chiếm 100% vốn cũng đã được xác định phải giảm.

* Việc sắp xếp các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sẽ được thực hiện như thế nào?

- Trước hết là tiếp tục hoàn thiện tiêu chí, danh mục phân loại DNNN. Ví dụ như trước đây các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoạt động trong 60 ngành nghề, lĩnh vực, sau đó thu gọn lại còn 19 ngành nghề, lĩnh vực. Theo tôi nghĩ tới đây cần thiết thu gọn hơn nữa trên tinh thần như trung ương đã kết luận. Đó là việc sắp xếp các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hiện có sẽ tập trung vào các ngành, lĩnh vực như công nghiệp quốc phòng, công nghiệp độc quyền tự nhiên, lĩnh vực cung cấp hàng hóa dịch vụ công thiết yếu và một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghệ có sức lan tỏa cao. Tất nhiên đây là chủ trương, tới đây Chính phủ còn phải thể chế hóa rõ hơn, chẳng hạn như làm rõ ngành công nghệ có sức lan tỏa cao là ngành nào.

Ngoài ra, việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có dưới 50% vốn nhà nước vào năm 2015 cũng phải làm quyết liệt để vừa đảm bảo đúng lộ trình, nhưng phải có cách làm không để thất thoát, lãng phí vốn nhà nước.

* Thông báo của trung ương có đề cập việc “Kết thúc giai đoạn thí điểm tập đoàn kinh tế nhà nước, xem xét chuyển một số tập đoàn kinh tế nhà nước thành tổng công ty”. Vấn đề này được hiểu như thế nào?

- Giai đoạn thí điểm tập đoàn kinh tế nhà nước đã được chuẩn bị, triển khai thực hiện từ nhiều năm trước đây, đến năm 2009 Chính phủ ban hành nghị định thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước. Thí điểm được hiểu là những vấn đề chưa rõ thì làm thử để tìm tòi cơ chế, mô hình. Nay chủ trương của trung ương là kết thúc giai đoạn thí điểm, như vậy là chuyển sang giai đoạn khác và hành lang pháp luật sẽ được xây dựng cho phù hợp với giai đoạn tới đây trên cơ sở đánh giá cả quá trình thí điểm.

V.V.THÀNH - C.V.KÌNH thực hiện

.
.
.
.