Phạt nặng vi phạm trong lĩnh vực an toàn đập thủy điện
Tổ chức sở hữu đập hoặc tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao quản lý, vận hành đập thủy điện có thể bị phạt tới 60 triệu đồng nếu không thực hiện cảnh báo, thông báo trước để bảo đảm an toàn cho người, tàu, thuyền và phương tiện đi lại, hoạt động trên sông, suối do xả lũ hồ chứa thủy điện.
Mức phạt tiền trong lĩnh vực an toàn đập thuỷ điện tối đa là 100 triệu đồng đối với cá nhân; 200 triệu đồng đối với tổ chức |
Thông tin trên được nêu trong dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vừa được Bộ Công Thương công bố lấy ý kiến nhân dân.
Cụ thể, Bộ Công Thương đề xuất phạt tiền tổ chức sở hữu đập hoặc tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao quản lý, vận hành đập thủy điện từ 30 – 60 triệu đồng nếu không thực hiện việc cảnh báo, thông báo trước để bảo đảm an toàn cho người, tàu, thuyền và phương tiện đi lại, hoạt động trên sông, suối do xả lũ hồ chứa thủy điện; hoặc không lập hoặc bổ sung và trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập thủy điện do xả lũ khẩn cấp hoặc tình huống vỡ đập thủy điện.
Cũng trong văn bản này, Bộ Công Thương đề xuất phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền tổ chức sở hữu đập hoặc tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao quản lý, vận hành đập thủy điện từ 5 – 15 triệu đồng nếu không có quy trình vận hành, chế độ duy tu, bảo dưỡng bảo trì cho các hạng mục công trình đập và thiết bị lắp đặt tại công trình đối với các thiết bị và hạng mục bắt buộc phải có quy trình vận hành, bảo trì.
Các tổ chức này còn bị phạt tiền từ 40 – 80 triệu đồng nếu vận hành trái quy trình điều tiết nước hồ chứa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và chưa gây hậu quả nghiêm trọng cho công trình đập thủy điện hoặc hạ du; phạt từ 60 – 100 triệu đồng nếu không duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa công trình, từng bộ phận công trình và các trang thiết bị lắp đặt tại đập thủy điện theo quy định về chế độ duy tu bảo dưỡng. Ngoài ra, còn phạt từ 150 – 200 triệu đồng nếu không thực hiện kiểm định an toàn đập thủy điện khi đến kỳ kiểm định. Khung phạt này cũng được áp dụng đối với hành vi không báo cáo ngay cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi các kết quả đo đạc thấm, chuyển vị của đập thủy điện vượt quá giới hạn quy định của Tư vấn thiết kế, khi xảy ra sự cố trong vận hành cửa van các công trình đập trong mùa lũ.
Đặc biệt, dự thảo còn đề xuất phạt tiền từ 20 – 50 triệu đồng đối với hành vi cung cấp, đưa tin không trung thực, khách quan khi đánh giá mức độ an toàn của đập hoặc đánh giá việc thực hiện vận hành điều tiết nước hồ chứa hoặc những vấn đề liên quan khác.
Theo Chinhphu.vn