.
.

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ 17-21/6/2013

Thứ Tư, 26/06/2013|15:22

 

Thủ tướng chỉ thị triển khai Đề án tái cơ cấu kinh tế; hỗ trợ gạo cho học sinh khu vực đặc biệt khó khăn; yêu cầu 4 tỉnh thành báo cáo thực trạng tệ nạn mại dâm... là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ ngày 17-21/6/2013.

 

Thủ tướng yêu cầu, trong quý II/2013, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu của ngành, lĩnh vực và địa phương.
Thủ tướng yêu cầu, trong quý II/2013, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu của ngành, lĩnh vực và địa phương.

 

Thủ tướng chỉ thị triển khai Đề án tái cơ cấu kinh tế

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị trong đó phân công các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước triển khai một số nhiệm vụ trong ba năm 2013-2015 nhằm thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020.

Thủ tướng yêu cầu, trong quý II/2013, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu của ngành, lĩnh vực và địa phương.

Quý IV/2013, các cơ quan trên và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải hoàn thành Đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, địa phương, tập đoàn, tổng công ty.

Trong quý III/2013, Bộ Tư pháp chủ trì hoàn thành dự thảo Nghị quyết về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư.

Cũng trong thời gian này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải hoàn thành dự thảo Nghị định về quản lý, giám sát và đánh giá các tập đoàn và tổng công ty nhà nước (thay thế Nghị định 101/2009/NĐ-CP).

Đến quý IV/2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành dự thảo Đề án thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện quyền chủ sở hữu tại doanh nghiệp và Đề án tách chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý Nhà nước của các cơ quan quản lý nhà nước.

Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành liên quan hoàn thành dự thảo một số luật, nghị định như: Luật Quy hoạch; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đấu thầu; Luật Phá sản; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi, bổ sung một số điều); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi, bổ sung một số điều); Nghị định về bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị định về đầu tư trung hạn…

Hỗ trợ gạo cho học sinh khu vực đặc biệt khó khăn

Thủ tướng Chính phủ Quyết định hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Theo đó, đối tượng được hỗ trợ gồm:

- Học sinh tiểu học và trung học cơ sở đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú; học sinh bán trú đang học tại các trường tiểu học và trung học cơ sở công lập ở khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

- Học sinh là người dân tộc thiểu số có bố, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp có hộ khẩu thường trú tại xã, thôn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, không hưởng chế độ nội trú, có nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày đang học tại các trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học công lập.

Các học sinh trên được hỗ trợ 15kg gạo/1 tháng/học sinh và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.

Đối thoại định kỳ tại nơi làm việc 3 tháng/lần

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết Khoản 3 Điều 63 của Bộ Luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, trong đó quy định cụ thể đối thoại tại nơi làm việc.

Cụ thể, đối thoại định kỳ tại nơi làm việc do người sử dụng lao động chủ trì, phối hợp với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở thực hiện 3 tháng một lần để trao đổi, thảo luận về các nội dung như: Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động; Việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc; Yêu cầu của người lao động, tập thể lao động đối với người sử dụng lao động cũng như yêu cầu của người sử dụng lao động với người lao động, tập thể lao động.

Mỗi bên tham gia đối thoại quyết định số lượng thành viên đại diện của mình tham gia đối thoại. Số lượng thành viên đại diện mỗi bên phải có ít nhất là 3 người.

Hỗ trợ dân bị thu hồi đất dự án Thủy điện Sơn La

Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ hộ dân bị thu hồi đất sản xuất để thực hiện dự án di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La, tỉnh Sơn La, với tổng diện tích đất sản xuất được hỗ trợ là 28.620 ha; mức hỗ trợ bình quân là 48 triệu đồng/ha.

UBND tỉnh Sơn La chịu trách nhiệm về tính chính xác của đối tượng, diện tích đất sản xuất được hỗ trợ; sử dụng vốn hỗ trợ đúng mục tiêu, đối tượng và theo đúng quy định. Đồng thời, chỉ đạo các chủ đầu tư dự án, các sở, ngành liên quan khẩn trương thực hiện việc thu hồi đất, giao đất, chi trả bồi thường, hỗ trợ cho hộ tái định cư; hoàn thành toàn bộ công tác thanh, quyết toán chi phí bồi thường về đất trong năm 2013.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nhu cầu vốn hỗ trợ vào tổng mức đầu tư điều chỉnh Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Thí điểm bình ổn giá dịch vụ xếp dỡ container cảng Cái Mép - Thị Vải

Chính phủ quyết định thực hiện thí điểm bình ổn giá dịch vụ xếp dỡ container khu vực cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bằng biện pháp định giá tối thiểu trong thời gian đến hết ngày 30/6/2015.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính hướng dẫn mức giá tối thiểu, điều kiện áp dụng mức giá tối thiểu trên nguyên tắc không phân biệt đối xử.

Sau thời gian thực hiện thí điểm, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành liên quan và Hiệp hội cảng biển Việt Nam tổng kết báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả thực hiện.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng biển tổ chức thực hiện mức giá tối thiểu do nhà nước quy định; chỉ đạo cơ quan cảng vụ hàng hải phối hợp với cơ quan tài chính, thuế địa phương kiểm tra tình hình thực hiện giá tối thiểu, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý giá.

Yêu cầu 4 tỉnh thành báo cáo thực trạng tệ nạn mại dâm

Thời gian gần đây, tình hình tệ nạn mại dâm diễn biến phức tạp, tội phạm liên quan đến mại dâm có chiều hướng gia tăng, tác động xấu trong xã hội.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Các Bộ: Lao động-Thương binh và Xã hội; Công an; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm.

Đồng thời khẩn trương thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng tình hình tệ nạn mại dâm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm và tội phạm liên quan đến mại dâm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015. Trong đó chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm; tăng cường điều tra, truy tố, xử lý nghiêm minh đối với các hành vi môi giới mại dâm, chứa mại dâm và mua dâm người chưa thành niên. Tăng cường trách nhiệm quản lý địa bàn, nhất là các khu vực giáp ranh.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu  các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định khẩn trương đánh giá thực trạng tệ nạn mại dâm, những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất trong việc triển khai nhiệm vụ phòng, chống mại dâm tại địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5/7/2013.

Ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi buôn lậu đường

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tiêu thụ mặt hàng đường nội địa, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo đánh giá kỹ, đúng thực tế sự ảnh hưởng của hoạt động tạm nhập tái xuất mặt hàng đường đối với việc xuất khẩu đường sản xuất trong nước cũng như tăng cường công tác chống buôn lậu mặt hàng này.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá kỹ, đúng thực tế việc quản lý hoạt động tạm nhập tái xuất mặt hàng đường, thực trạng vi phạm trong tạm nhập tái xuất mặt hàng đường (làm rõ hành vi vi phạm, mức độ nghiêm trọng) và sự ảnh hưởng của hoạt động tạm nhập tái xuất mặt hàng đường đối với việc xuất khẩu đường sản xuất trong nước; báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/7/2013.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Trung ương (Ban Chỉ đạo 127 Trung ương) chỉ đạo UBND các tỉnh biên giới, chính quyền địa phương vùng biên giới, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn trọng điểm (nhất là các tỉnh biên giới Tây Nam và miền Trung), kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu đường, buôn bán, vận chuyển đường nhập lậu; thường xuyên đôn đốc, giám sát việc thực hiện.

Theo Chinhphu.vn

.
.
.
.