Vi phạm hành chính sẽ bị tước giấy phép, thu tang vật
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC), trong đó quy định hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc tịch thu tang vật, phương tiện VPHC đối với hành vi VPHC tại các nghị định xử phạt VPHC trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước.
Việc quy định tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn đối với hành vi VPHC phải trên cơ sở các căn cứ. |
Cụ thể, việc quy định tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn đối với hành vi VPHC phải trên cơ sở các căn cứ: Trực tiếp vi phạm các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề; vi phạm có tính chất, mức độ nghiêm trọng xâm hại trật tự quản lý hành chính Nhà nước.
Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề đối với hành vi VPHC phải được quy định thành khung thời gian cụ thể, khoảng cách giữa thời gian tước tối thiểu và tối đa không quá lớn.
Trường hợp một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi VPHC mà bị xử phạt trong cùng một lần, trong đó có từ hai hành vi trở lên bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng cùng một loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề, thì áp dụng thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề của hành vi VPHC có thời hạn tước dài nhất.
Nghị định cũng nêu rõ, việc quy định tịch thu tang vật, phương tiện VPHC đối với hành vi VPHC phải trên cơ sở các căn cứ: Vi phạm nghiêm trọng được thực hiện do lỗi cố ý; vật, tiền, hàng hóa, phương tiện là tang vật trực tiếp của vi phạm hành chính hoặc được trực tiếp sử dụng để thực hiện hành vi VPHC, mà nếu không có vật, tiền, hàng hóa, phương tiện này, thì không thể thực hiện được hành vi vi phạm.
Trường hợp tang vật, phương tiện VPHC là ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm, vật thuộc loại cấm lưu hành, thì phải quy định tịch thu.
Công bố công khai việc xử phạt cá nhân, tổ chức VPHC
Theo Nghị định, đối với các trường hợp vi phạm phải được công bố công khai theo quy định tại Khoản 1 Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thủ trưởng cơ quan, đơn vị của người đã ra quyết định xử phạt gửi văn bản về việc công bố công khai và bản sao quyết định xử phạt VPHC đến người phụ trách báo hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của UBND cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt.
Nội dung công bố công khai gồm: Họ, tên, địa chỉ nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi VPHC; hậu quả ảnh hưởng của hành vi vi phạm; hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả và thời gian thực hiện.
Người phụ trách báo hoặc trang thông tin điện tử khi nhận được văn bản đề nghị công khai thông tin có trách nhiệm đăng đầy đủ các nội dung thông tin cần công khai.
Khoản 1 Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt. |
Theo Chinhphu.vn