.
.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ 7-11/10/2013

Thứ Ba, 15/10/2013|11:14

 

Đẩy mạnh hoạt động của VAMC; giảm lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng chính sách; điều kiện xét công nhận người có uy tín... là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ ngày 7-11/10/2013.


Tập trung đẩy mạnh hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để việc xử lý nợ xấu có hiệu quả
Tập trung đẩy mạnh hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để việc xử lý nợ xấu có hiệu quả

 

Đẩy mạnh hoạt động của VAMC

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ hợp lý, bảo đảm tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu nhưng không làm tăng nợ xấu; tiếp tục hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên; phối hợp với Bộ Xây dựng tích cực tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai giải ngân gói cho vay hỗ trợ nhà ở.

Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để việc xử lý nợ xấu có hiệu quả; đôn đốc, giám sát việc thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tỷ giá và thị trường vàng.

Về tình hình thực hiện Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, Chính phủ thống nhất nhận định, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là một quá trình lâu dài, đã được thực hiện trong nhiều năm gần đây. Đặc biệt, từ khi Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ba lĩnh vực trọng tâm của tái cơ cấu kinh tế là: Tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Việc thực hiện Đề án này cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ phức tạp, lâu dài và phải có bước đi phù hợp.

Giảm lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng chính sách

Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với một số chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội gồm: Lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo; Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn.

Cụ thể, lãi suất cho vay ưu đãi đối với hộ cận nghèo sẽ giảm từ 130% xuống bằng 120% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ.

Lãi suất cho vay đối với Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn sẽ giảm từ 0,9%/tháng xuống còn 0,8%/tháng (9,6%/năm).

Tương tự, lãi suất cho vay đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn cũng sẽ giảm từ 0,9%/tháng xuống còn 0,8%/tháng (9,6%/năm).

Các mức lãi suất mới này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9/10/2013 và áp dụng đối với các khoản vay mới kể từ ngày 9/10/2013.

Điều kiện xét công nhận người có uy tín

Theo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 về chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số có ít nhất 1/3 số hộ gia đình hoặc số nhân khẩu là người dân tộc thiểu số được bình chọn 1 người có uy tín.

Trường hợp thôn không đủ điều kiện hoặc có nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống trong thôn, căn cứ tình hình thực tế và đề nghị của Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Trưởng Ban dân tộc tỉnh tổng hợp, trình Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định số lượng và việc bình chọn người có uy tín trong thôn theo quy định, nhưng tổng số người có uy tín không vượt quá tổng số thôn vùng dân tộc thiểu số của địa phương.

Hội nghị liên ngành thôn (Chi ủy, Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể thôn do Trưởng Ban công tác Mặt trận chủ trì) bình chọn, lập danh sách gửi UBND xã, phường, thị trấn rà soát, đề nghị UBND xem xét, tổng hợp gửi Ban Dân tộc tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh sách người có uy tín.

Hằng năm, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo việc rà soát, đánh giá, quyết định đưa ra khỏi danh sách những người không còn uy tín hoặc đã chết và bình chọn bổ sung người có uy tín theo quy định.

Điều kiện giao xe VPHC cho đối tượng vi phạm

Theo Nghị định quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (VPHC) bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính, phương tiện giao thông VPHC thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt VPHC, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có đủ một trong 2 điều kiện dưới đây thì người có thẩm quyền tạm giữ có thể giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phương tiện dưới sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền tạm giữ.

Thứ nhất, cá nhân vi phạm phải xuất trình sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị về nơi công tác; nếu tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận; có nơi giữ, bảo quản phương tiện đáp ứng các điều kiện quy định.

Thứ hai, tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ, bảo quản phương tiện.

5 đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

Theo Nghị định quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, có 5 đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn gồm:

- Đối tượng là người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ Luật Hình sự;

- Đối tượng là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ Luật Hình sự;

- Đối tượng là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, trong 6 tháng đã ít nhất hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng;

- Đối tượng là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định;

- Đối tượng là người từ đủ 18 tuổi trở lên, trong 6 tháng đã ít nhất hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân hoặc người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội.

Thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 3-6 tháng, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân, tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng của người vi phạm.

Xử nghiêm vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y

Theo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi đã được Chính phủ ban hành, hành vi vi phạm giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng.

Mức phạt trên cũng áp dụng đối với  một trong các hành vi vi phạm: Kinh doanh động vật mắc bệnh thuộc Danh mục các bệnh phải công bố dịch; kinh doanh sản phẩm của động vật bị giết mổ bắt buộc ở dạng tươi sống; kinh doanh sản phẩm của động vật mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Phạt tiền từ 6-7 triệu đồng đối với hành vi vi phạm đưa vào cơ sở giết mổ động vật chết, động vật mắc bệnh truyền nhiễm hoặc tẩu tán động vật chết, động vật mắc bệnh truyền nhiễm khi chưa được cơ quan thú y kiểm tra, xử lý.

Đối với hành vi vi phạm giết mổ động vật mới tiêm phòng vaccine chưa đủ 15 ngày thì sẽ bị phạt tiền từ 8-9 triệu đồng.

Giải quyết triệt để các vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Thanh tra Chính phủ chủ trì họp với các bộ, ngành chức năng và UBND tỉnh, thành phố có liên quan để thống nhất biện pháp giải quyết có cơ sở pháp lý và thực tiễn để xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài,  báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp không thể thống nhất được hoặc vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp để chỉ đạo giải quyết.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan để giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp đã được rà soát, kiểm tra; phối hợp tiếp công dân, xử lý các đoàn khiếu kiện đông người đến các cơ quan Trung ương, nhất là trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII và các sự kiện chính trị quan trọng khác của đất nước.

Lên phương án, thời điểm điều chỉnh giá dịch vụ y tế phù hợp

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý về nguyên tắc với đề nghị của Bộ Y tế về kế hoạch thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Nghị định số 85/2012/NĐ-CP và coi đây là hướng điều chỉnh trong thời gian tới.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, căn cứ vào kế hoạch này, tình hình thực tế kinh tế-xã hội giai đoạn trước và dự báo sau thời điểm dự kiến điều chỉnh, Bộ Y tế chủ trì tính các phương án, mức, thời điểm điều chỉnh cụ thể cho phù hợp, đánh giá tác động đến kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân và chỉ số lạm phát, quyết định điều chỉnh theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế xây dựng định mức nhân lực trong từng ca phẫu thuật, thủ thuật để làm căn cứ cho liên Bộ Y tế-Tài chính ban hành Thông tư quy định mức chi phí chi trả chế độ phụ cấp trực, phẫu thuật, thủ thuật được cộng vào giá ngày giường bệnh, giá phẫu thuật, thủ thuật.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xây dựng chi phí tiền lương trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo từng tuyến (hoặc hạng) bệnh viện.

Theo Chinhphu.vn

.
.
.
.