.
.

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy

Thứ Ba, 08/06/2021|10:09

Ngày 18/5/2021, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 02-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy. Tạp chí điện tử Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đăng tải toàn văn Kết luận:

Tại phiên họp ngày 04/5/2021, sau khi nghe Đảng ủy Công an Trung ương báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW, ngày 25/5/2015 của Ban Bí thư "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy" (Chỉ thị 47) và ý kiến của các cơ quan, Ban Bí thư kết luận:

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 47, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được nâng lên. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật; ý thức chấp hành của nhân dân trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyển biến tích cực. Chính sách, pháp luật, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được tăng cường. Lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được nâng cao hơn về trình độ, năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn được xử lý kịp thời, kiềm chế, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, việc thực hiện Chỉ thị 47 ở một số nơi hiệu quả thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra. Tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, nhất là tại khu dân cư, khu công nghiệp, chợ dân sinh... Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chưa đầy đủ. Một số nơi, cấp ủy, chính quyền, người dân, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ, có tư tưởng xem nhẹ, chủ quan, chấp hành không nghiêm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Công tác quản lý nhà nước có lúc, có nơi bị buông lỏng; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật phòng cháy, chữa cháy chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ của nhiều địa phương, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu, hoạt động kém hiệu quả; kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ còn nhiều bất cập, không theo kịp với sự phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ còn chậm, hiệu quả chưa cao.

Tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 47-CT/TW, ngày 25/5/2015 của Ban Bí thư khóa XI "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy", góp phần đắc lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá, phát triển kinh tế - xã hội đất nước, bảo đảm an toàn về người, về tài sản của Nhà nước và nhân dân; Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở địa phương, đơn vị mình; xác định phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là một nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động xây dựng các phương án phòng ngừa và xử lý các tình huống nếu xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn, bảo đảm nhanh, kịp thời, hiệu quả theo phương châm 4 tại chỗ. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp... phải chịu trách nhiệm trước hết về bảo đảm an toàn, cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn.

2. Tiếp tục đẩy mạnh, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ tầm quan trọng của phòng, chống cháy nổ, hậu quả nghiêm trọng của cháy, nổ, từ đó tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng cơ bản, phổ thông và thường xuyên tổ chức diễn tập, thực hành cho nhân dân về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, thoát nạn. Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, cảnh báo nguy cơ, loại bỏ những yếu tố, điều kiện phát sinh cháy, nổ, nhất là tại các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh nhỏ, lẻ, các khu chợ dân sinh. Lồng ghép công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở.

3. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Rà soát, ban hành hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy, nhất là việc tự kiểm tra của các địa phương, đơn vị, tổ chức; khắc phục dứt điểm các vi phạm, thiếu sót đối với công trình chưa bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Tập trung điều tra, công bố rộng rãi nguyên nhân các vụ cháy, nổ; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy.

4. Hoàn thành quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng bộ với quy hoạch của các ngành, lĩnh vực, địa phương. Tập trung khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, bất cập về giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác phòng cháy, chữa cháy; xây dựng chế độ, chính sách thu hút các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất, lắp ráp trang thiết bị về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Huy động nguồn lực xã hội, nguồn lực từ bảo hiểm cháy, nổ để đầu tư, xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, kỹ thuật, phương tiện, thiết bị, hóa chất phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

5. Tập trung xây dựng, kiện toàn lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ tiến lên hiện đại, tinh thông về pháp luật, nghiệp vụ, kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Bố trí phù hợp lực lượng phòng cháy, chữa cháy ở các địa bàn trọng điểm, mở rộng mạng lưới, bảo đảm bám địa bàn, bám cơ sở, với tinh thần vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Kiện toàn, củng cố mô hình lực lượng bán chuyên trách phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở, có chế độ, chính sách phù hợp để phát huy vai trò của lực lượng này trong phòng cháy, chữa cháy tại chỗ.

6. Thực hiện hiệu quả hợp tác quốc tế, tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, công nghệ mới trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với các nước. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ sản xuất, lắp ráp trang thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở trong nước. Triển khai ứng dụng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo trực tuyến sự cố phục vụ công tác quản lý, thông tin, chỉ huy, điều hành chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ từ Trung Ương đến cơ sở.

Các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương tổ chức phổ biến, quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị 47 và Kết luận này; định kỳ tổ chức kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn thực hiện.

Đảng ủy Công an Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và định kỳ báo cáo Ban Bí thư kết quả thực hiện Chỉ thị 47 và Kết luận này./.

.
.
.
.